Đổi mới mô hình hoạt động VNIX theo chuẩn mực quốc tế | Đầu tư VNIX thành trung tâm kết nối các ISP và CP | Khai trương hệ thống xử lý giảm thiểu tấn công DDoS qua trạm trung chuyển VNIX

Sử dụng công nghệ RTBH, hệ thống xử lý giảm thiểu tấn công DDoS qua VNIX nhằm hỗ trợ các thành viên kết nối đảm bảo an toàn anh ninh cho hệ thống mạng dịch vụ, phòng chống các hoạt động tấn công.

Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cũng cho biết, hệ thống xử lý giảm thiểu tấn công DDoS (tấn công từ chối dịch vụ phân tán – PV) mới được công bố khai trương sử dụng công nghệ RTBH nhằm hỗ trợ các thành viên kết nối đảm bảo an toàn an ninh cho hệ thống mạng dịch vụ, phòng chống các hoạt động tấn công DDoS.

Có chủ đề “Peering & DNS”, hội nghị thành viên kết nối trạm trung chuyển Internet quốc gia năm 2019 vừa được VNNIC chủ trì tổ chức tại Nha Trang. Đây là một nội dung trong kế hoạch hoạt động về quản lý, vận hành khai thác hệ thống Trạm trung chuyển lưu lượng Internet quốc gia VNIX năm 2019.

Sự kiện thu hút sự quan tâm đông đảo của các thành viên kết nối VNIX và các doanh nghiệp Internet trong nước, đại diện các Trạm trung chuyển Internet khu vực châu Á (BBIX, JPIX, JPNAP, JBIX…); các chuyên gia đến từ các tổ chức quản lý Internet cấp quốc gia và cấp khu vực châu Á – Thái Bình Dương như Trung tâm thông tin mạng Nhật Bản – JPNIC, Cơ quan quản lý Internet & An toàn mạng Hàn Quốc – KISA, Trung tâm thông tin mạng châu Á Thái Bình Dương - APNIC, Trung tâm điều phối tên miền quốc gia Nga . RU – CC for TLD .RU, Tổ chức Internet toàn cầu – ISOC; cùng các hãng công nghệ, doanh nghiệp cung cấp giải pháp kỹ thuật, dịch vụ nội dung lớn như Facebook, IPTP Networks, PIPLINE Security, Softbank…

Đổi mới mô hình hoạt động VNIX theo chuẩn mực quốc tế | Đầu tư VNIX thành trung tâm kết nối các ISP và CP | Khai trương hệ thống xử lý giảm thiểu tấn công DDoS qua trạm trung chuyển VNIX

Hội nghị thành viên kết nối trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX-NOG 2019 có sự tham gia đông đảo từ các chuyên gia, kỹ sư trong nước và quốc tế.

Các nội dung trao đổi thảo luận tại hội nghị năm nay tập trung vào các vấn đề về tăng cường kết nối, nâng cao chất lượng dịch vụ, vai trò của hệ thống trạm trung chuyển Internet quốc gia trong phát triển hạ tầng Internet, đảm bảo an toàn Internet và dịch vụ mạng lõi DNS tại Việt Nam.

Theo thống kê, hiện nay trên thế giới có khoảng 548 các điểm trung chuyển Internet đang hoạt động. Đặc điểm chung các trạm trung chuyển Internet trên thế giới hiện nay là đều rất phát triển, hoạt động trung lập, phi lợi nhuận, được triển khai tại nhiều địa điểm (khu vực, quốc gia, vùng...) đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển Internet, giúp giải quyết các vấn đề kết nối, tăng cường chất lượng dịch vụ, giảm chi phí kết nối quốc tế.

Đơn cử như, tại Nhật Bản, các trạm trung chuyển Internet lớn phải kể đến như BBIX, JNIX hay JPNAP, với hàng trăm thành viên kết nối, băng thông kết nối lên đến trên 10Tbps, đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc phát triển Internet tại Nhật Bản nói riêng cũng như trong khu vực nói chung.

Đổi mới mô hình hoạt động VNIX theo chuẩn mực quốc tế | Đầu tư VNIX thành trung tâm kết nối các ISP và CP | Khai trương hệ thống xử lý giảm thiểu tấn công DDoS qua trạm trung chuyển VNIX

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Giám đốc VNNIC chia sẻ về những đổi mới của mô hình phát triển VNIX tại Việt Nam.

Cũng tại phiên thảo luận này, một trong những nội dung nổi bật được VNNIC chia sẻ là đổi mới hoạt động của hệ thống VNIX theo chuẩn mực quốc tế.

Phó Giám đốc VNNIC Nguyễn Hồng Thắng cho biết, trước xu hướng phát triển Internet trong giai đoạn mới, để giải quyết một số vấn đề kết nối Internet tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã chỉ đạo đổi mới, phát triển hệ thống VNIX với mục tiêu mở rộng theo xu thế, chuẩn mực chung về trạm trung chuyển Internet của các nước trong khu vực và quốc tế.

Theo đó, xác định VNIX là hạ tầng trọng yếu của quốc gia, do đó cần tiếp tục duy trì và phát triển VNIX, với nguyên tắc hoạt động trung lập, phi lợi nhuận; là công cụ quản lý điều tiết nhà nước trong việc thúc đẩy thị trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần hoàn thiện hạ tầng kết nối Internet tại Việt Nam, đảm bảo an toàn dự phòng ứng cứu và tối ưu lưu lượng trong nước.

Về đối tượng kết nối, VNIX sẽ mở rộng cho phép tất cả các mạng có vùng địa chỉ IP và số hiệu mạng ASN độc lập của Việt Nam do VNNIC quản lý cấp phát được kết nối VNIX. Đối với chính sách kết nối, ngoài hình thức kết nối đa phương như hiện nay, VNIX sẽ hỗ trợ thêm cả hình thức kết nối song phương để các doanh nghiệp ISP có thể cung cấp dịch vụ kết nối tại VNIX để phát triển dịch vụ. Các thành viên kết nối có thể tham gia thỏa thuận khi có nhu cầu để tận dụng hạ tầng để kết nối VNIX và sử dụng được nhiều dịch vụ hơn.

Đại diện VNNIC cho biết thêm, thời gian tới, để triển khai mô hình hoạt động mới, Trung tâm sẽ tập trung nghiên cứu, đầu tư, triển khai nâng cấp hệ thống VNIX để quản lý, vận hành hệ thống an toàn, đảm bảo chất lượng kết nối; phát triển các dịch vụ, công cụ hỗ trợ cho các thành viên kết nối như nâng cấp hệ thống phân tích thông tin định tuyến Internet (Looking Glass), triển khai mới các hệ thống ký số tài nguyên Internet RPKI (Resource PKI), đo tốc độ kết nối, truy cập Internet (Speed Test)…

Đồng thời, VNNIC sẽ phối hợp với tổ chức quốc tế quản lý, vận hành các hệ thống máy chủ tên miền gốc (ROOT DNS) triển khai cụm máy chủ tên miền này tại các điểm kết nối VNIX nhằm nâng cao chất lượng truy cập tên miền và an toàn mạng Internet trong nước khi có sự cố kết nối quốc tế.

Bên cạnh chương trình hội thảo, để thúc đẩy ứng dụng triển khai RPKI trong hoạt động định tuyến tại Việt Nam, VNNIC đã phối hợp với JPNIC và APNIC tổ chức chương trình đào tạo triển khai RPKI - hệ thống hạ tầng khóa công khai tài nguyên. Hệ thống RPKI được sử dụng để xác thực thông tin tài nguyên (IP/ASN) trước khi định tuyến trên mạng nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động định tuyến. Khóa đào tạo đã cung cấp các nội dung liên quan đến việc nâng cao nhận thức về an toàn an ninh trong định tuyến liên mạng và hướng dẫn các học viên, đơn vị thành viên triển khai RPKI cho hệ thống mạng của mình.