Siết quản lý dòng tiền khi bán hàng thương mại điện tử, mạng xã hội

Qua kiểm tra, rà soát hoạt động bán hàng trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội nước ngoài, cơ quan thuế cho biết có nhiều sai phạm của các tổ chức, cá nhân khi tham gia kinh doanh.

Kinh doanh, bán sản phẩm nhưng người bán hàng lại thu tiền mặt (qua các đơn vị giao nhận) hoặc thực hiện thanh toán qua qua các tài khoản ngân hàng (không đăng ký với cơ quan thuế) và không kê khai khoản doanh thu hàng ngày để nộp thuế là các hành vi sai phạm chủ yếu của các tổ chức, cá nhân bán sản phẩm, hàng hóa trên các sản giao dịch thương mại điện tử, trên các trang web bán hàng, mạng xã hội như Facebook, Youtube,…

{keywords}
Người bán hàng trên Facebook phải kê khai doanh thu với cơ quan thuế (Ảnh: Internet)

Cục Thuế TP.HCM trong một khuyến cáo mới đây cũng cho biết, cơ quan này đã tiến hành các biện pháp kiểm tra, thanh tra để phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trốn doanh thu để truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính về thuế, góp phần chống thất thu cho Ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử thực hiện thanh toán qua ngân hàng nhưng không đăng ký với cơ quan thuế, thì cơ quan thuế kiểm tra các trang web bán hàng, các địa chỉ bán hàng trên các trang mạng xã hội để xác định các tài khoản nhận thanh toán tiền mua hàng nhưng không được đăng ký. Khi xác định được các tài khoản mở tại ngân hàng nhận thanh toán tiền thì tiến hành xác minh tại ngân hàng để xác định doanh thu bán hàng không thực hiện kê khai nộp thuế để xử lý truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

Đối với hành vi sai phạm thu tiền mặt thông qua các đơn vị giao nhận hàng hóa thì thực hiện tiến hành thanh tra, kiểm tra hoặc xác minh tại các đơn vị ký hợp đồng nhận vận chuyển giao hàng hóa có thu hộ tiền cho người bán từ đó xác định số lượng hàng hóa bán, số tiền doanh thu thu hộ để xử lý truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh thu không thực hiện kê khai nộp thuế.

Quản chặt các dịch vụ xuyên biên giới

Trong những năm gần đây, tại Việt Nam đã hình thành các doanh nghiệp và cá nhân cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, có phát sinh thu nhập từ các trang mạng xã hội Google, Facebook, Youtube,….Theo cơ quan thuế, các khoản thu nhập này được chuyển về Việt Nam cho người thụ hưởng thông qua các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.

{keywords}
Cơ quan thuế sẽ quản dòng tiền giữa cá nhân, doanh nghiệp với các nền tảng xuyên biên giới 

Qua quản lý thu thuế và kiểm tra, thanh tra, cơ quan thuế cho biết, hiện nay còn nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, có phát sinh thu nhập từ các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube… chưa thực hiện kê khai nộp thuế đúng đối với các khoản thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cụ thể, với thuế giá trị gia tăng, nhiều doanh nghiệp đang kê khai là dịch vụ xuất khẩu và được áp mức thuế suất 0%, trong khi thuế suất đúng là 10% do thuộc lĩnh vực dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp dịch vụ quảng cáo hiện đang kê khai là hoạt động sản xuất phần mềm với mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10%, trong khi thuế suất đúng phải áp dụng thuế suất phổ thông với mức 20% kể từ năm 2016.

Ngoài ra, nhiều cá nhân cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, có phát sinh thu nhập từ các trang mạng xã hội Google, facebook, Youtube,…. cũng không thực hiện kê khai nộp thuế. Các hành vi này sẽ được rà soát để truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

Cơ quan thuế sẽ siết chặt quản lý dòng tiền của các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới với cá nhân, tổ chức tại Việt Nam. Theo đó, cơ quan thuế sẽ tiến hành xác minh tại tất cả các ngân hàng trên cả nước để xác định các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có phát sinh thu nhập từ các trang mạng xã hội nước ngoài chưa thực hiện kê khai nộp thuế hoặc kê khai nộp thuế không đúng quy định, từ đó thực hiện thanh tra, kiểm tra để xử lý truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính về thuế. 

Duy Vũ

Doanh thu thương mại điện tử Việt Nam đạt quy mô 13,2 tỷ USD năm 2020

Doanh thu thương mại điện tử Việt Nam đạt quy mô 13,2 tỷ USD năm 2020

Thương mại điện tử Việt Nam đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020. Hành vi người dùng thay đổi khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm tới kinh doanh trực tuyến và chuyển đổi số.