Theo tin từ Sở TT&TT Kiên Giang, sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy Kiên Giang về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về xây dựng Chính quyền điện tử (CQĐT), việc cụ thể hóa triển khai chủ trương của Trung ương, của tỉnh về ứng dụng CNTT, xây dựng CQĐT ở các sở, ngành tỉnh và địa phương bước đầu được quan tâm. Kết quả ứng dụng CNTT đã góp phần hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh….

 Theo ông Nguyễn Xuân Kiệm, Phó Giám đốc Sở TT&TT, tỉnh Kiên Giang có 4 trung tâm CNTT và dữ liệu (Trung tâm dữ liệu (TTDL) đặt tại Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh thuộc Sở TT&TT, Trung tâm CNTT - Sở Tài nguyên và Môi trường.

Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh có 23 máy chủ, đã và đang tiếp tục được đầu tư quy mô, hiện đại, đảm bảo an toàn thông tin, đáp ứng yêu cầu triển khai các ứng dụng CNTT xây dựng CQĐT, đô thị thông minh của tỉnh. Hạ tầng mạng truyền dẫn trên địa bàn tỉnh phát triển tốt, tuyến cáp quang được triển khai đến các xã thuộc khu vực ven biển và biển, đảo, đảm bảo điều kiện phục vụ xây dựng CQĐT tỉnh. 100% cơ quan, ban, ngành từ tỉnh đến xã triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc kết nối liên thông với Văn phòng Chính phủ. Kiên Giang đã đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công trực tuyến tập trung của tỉnh, kết nối với Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Đồng thời đã đầu tư các trang thiết bị theo đúng quy định cho Hệ thống một cửa điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương hoạt động. 

Bình quân hàng năm có trên 500.000 lượt văn bản gửi - nhận, luân chuyển trên môi trường mạng giữa các cơ quan Nhà nước các cấp. Hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh được nâng cấp và đưa vào khai thác, sử dụng. Qua đó, nâng cao tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử trong các cơ quan Nhà nước, tạo môi trường làm việc hiện đại, nhanh chóng, hiệu quả và đảm bảo an toàn thông tin. 100% sở, ban, ngành tỉnh và 15 Ủy ban nhân dân cấp huyện trong tỉnh được đầu tư, triển khai hệ thống một cửa điện tử.  

Nói về những khó khăn khi triển khai ứng dụng CNTT, ông Nguyễn Xuân Kiệm cho hay, việc đầu tư mua sắm các trang thiết bị cho các TTDL trên địa bàn tỉnh chưa thống nhất và đồng bộ nên việc ứng dụng của các cơ quan, đơn vị gặp khó khăn. Bên cạnh đó, việc khai thác sử dụng các phần mềm ứng dụng dùng chung ở các cơ quan, địa phương còn hạn chế, như: Quản lý văn bản và hồ sơ công việc chưa xử lý văn bản trên hệ thống và chưa tích hợp chữ ký số nên cũng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả việc triển khai chữ ký số; một cửa điện tử cấp huyện chưa đầy đủ tiện ích, giao diện chưa thân thiện, ISO điện tử chưa triển khai thực hiện.

Hiện chưa có quy định pháp lý rõ ràng về chia sẻ, sử dụng và tái sử dụng thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước với nhau, giữa các cơ quan Nhà nước với người dân và doanh nghiệp; thiếu các quy định pháp lý về văn thư, lưu trữ điện tử, giá trị pháp lý của văn bản điện tử và các văn bản quy định việc sử dụng các văn bản điện tử trong giao dịch hành chính, thanh toán. Một số cơ quan, người đứng đầu chưa trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động ứng dụng CNTT, xây dựng CQĐT hoặc công tác chỉ đạo thiếu quyết liệt, chưa khai thác, sử dụng có hiệu quả các hệ thống thông tin đã được triển khai.

Do đó, Sở TT&TT Kiên Giang đề xuất, kiến nghị Trung ương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi trong triển khai CQĐT. Các huyện, thị, thành ủy, các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, các sở, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng kế hoạch, tiếp tục chỉ đạo, cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng CQĐT. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để đảm bảo hiệu quả của các hoạt động ứng dụng CNTT dùng chung của tỉnh, nhất là ứng dụng CNTT trong hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đề nghị các sở, ngành, địa phương khi triển khai các chương trình, dự án CNTT không đầu tư thiết bị máy chủ và thiết bị lưu trữ; đối với các máy chủ và thiết bị lưu trữ đã được đầu tư trước đây, đề nghị các sở, ngành và địa phương phối hợp Sở TT&TT để được hướng dẫn về công tác an toàn thông tin và tích hợp chia sẻ dữ liệu dùng chung của tỉnh. Tỉnh Kiên Giang cần có chính sách đào tạo và cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo về CNTT trong và ngoài nước để phục vụ xây dựng CQĐT và đô thị thông minh.

Ông Nguyễn Xuân Kiệm, Phó Giám đốc sở TT&TT Kiên Giang. Ảnh theo Sở TT&TT Kiên Giang.

Ông Kiệm cũng cho biết, nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng CQĐT trong thời gian tới của Kiên Giang đó là: Sở TT&TT chủ trì, phối hợp các ngành liên quan hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức CNTT cho công chức, viên chức các sở, ngành và địa phương. Tăng cường các biện pháp tuyên truyền trực quan và trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp về các lợi ích trong việc xây dựng CQĐT. Từ đó, đổi mới cách nghĩ, cách làm, nhận thức đẩy mạnh ứng dụng CNTT là giải pháp cốt lõi để nâng cao năng suất lao động, thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị công, phát triển kinh tế, quản lý xã hội và phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử phải gắn kết chặt chẽ giữa cải cách hành chính với ứng dụng CNTT ở mọi cấp, mọi ngành, trong đó CNTT là công cụ để thực hiện mục tiêu cải cách.

Đồng thời phải hoàn chỉnh đề án Trung tâm CNTT tỉnh, tăng cường đầu tư TTDL (Data center) đảm bảo an toàn thông tin, phục vụ tốt các ứng dụng dùng chung của tỉnh; đảm bảo hạ tầng CNTT phục vụ triển khai CQĐT và đô thị thông minh. Nâng cấp phần mềm một cửa điện tử cấp huyện, xây dựng một cửa điện tử cấp xã, liên thông một cửa điện tử các sở, ngành tỉnh, kết nối liên thông giữa cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc.

Đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan Nhà nước, trên các hệ thống thông tin của tỉnh nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật trong trao đổi dữ liệu điện tử trên môi trường mạng.

Xây dựng và đưa vào vận hành một số cơ sở dữ liệu của tỉnh, các sở, ngành và địa phương, khi đã xây dựng xong trục kết nối liên thông. Xây dựng thí điểm và vận hành một số nội dung trong Đề án đô thị thông minh tỉnh. Tiếp tục bổ sung, cập nhật kiến trúc CQĐT hướng tới chính quyền số và dữ liệu mở tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng được các yêu cầu về quản lý, điều hành của tỉnh trong giai đoạn mới.