“Các bạn trẻ ngày càng giỏi” là nhận định vui của nhiều người, nhưng điều đó cũng cho thấy nhiều hy vọng đáng gửi gắm vào một lứa kỹ sư công nghệ thế hệ mới: trẻ, có năng lực tốt và mang trong mình hoài bão hướng đến cộng đồng, đất nước.

Nếu cách đây vài năm, giải pháp AI của Việt Nam rất khó có thể cạnh tranh cùng những giải pháp của các nước có nền công nghệ AI phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Thì hiện tại, với chiến lược Chuyển đổi số Quốc gia, trong đó lấy AI là công nghệ then chốt cùng với đó là sự đầu tư, nghiên cứu bài bản của các tập đoàn, công ty công nghệ lớn trong nước đã giúp sự phát triển của công nghệ AI tại Việt Nam có những bước tiến dài.

Các giải pháp AI được tạo ra bởi kỹ sư Việt ngày càng chất lượng, có chiều sâu chuyên môn và đạt nhiều thứ hạng cao trên đấu trường quốc tế. Thành tích của Nguyễn Quán Anh Minh (Kỹ sư AI, 1997) và Nguyễn Tuấn Khôi (Kỹ sư Data, 1994) - 2 thành viên còn khá trẻ tại Zalo - Quán quân tại cuộc thi ‘Show US the Data’ (giải thưởng uy tín về AI với quy mô toàn cầu, tổ chức trên nền tảng Kaggle) là một ví dụ điển hình.

“Góp phần nhỏ bé để thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn”

Từng “chinh chiến” tại khá nhiều cuộc thi lớn, nhỏ về AI trên nền tảng Kaggle. Với Tuấn Khôi, thành tích đáng chú ý nhất của chàng kỹ sư 27 tuổi là nằm trong Top 3 cuộc thi Tweet Sentiment Extraction (tham gia cùng với nhà khoa học người Đức Christof Henkel). Không kém cạnh, Anh Minh cũng tạo dấu ấn khi từng vào Top 1% của hai cuộc thi Google QUEST Q&A Labeling và RSNA Intracranial Hemorrhage Detection (tham gia cùng các nhà khoa học dữ liệu của Trung Quốc, Anh, Bỉ và Thái Lan).

‘Show US the Data’ mà cả hai tham gia được đánh giá là cuộc thi có tính cạnh tranh cao, đòi hỏi các chuyên gia trí tuệ nhân tạo, nhà khoa học máy tính tham gia phải tìm ra các giải pháp AI nổi bật và chưa từng có, giúp việc nhận dạng tài liệu, dữ liệu công hiệu quả và nhanh chóng hơn.

Cả Khôi và Minh đều nhận định, đề bài cuộc thi đặt ra rất khó và đối thủ cũng là những đội rất mạnh. Vì vậy, để đạt mục tiêu đề ra ban đầu là nằm trong Top 10, cả hai đã phải tập trung, nỗ lực tuyệt đối. Vừa tham gia thi đấu, vừa đảm bảo hoàn thành công việc tại công ty trong khoảng thời gian gần 3 tháng.

{keywords}
Hai kỹ sư Zalo thắng giải AI quốc tế nhận sự quan tâm, chia sẻ lớn từ báo chí, diễn đàn công nghệ. (Ảnh chụp màn hình)

Ngoài phần thưởng trị giá 30.000 đô la Mỹ, các giải pháp của hai kỹ sư trẻ này dự kiến được ứng dụng trong việc phân tích dữ liệu tại Hoa Kỳ. “Dù mục tiêu trước mắt của cuộc thi là đem lại giải pháp cho các nhà khoa học ở Mỹ, nhưng mình tin rằng giải pháp của bọn mình đủ tổng quát để áp dụng vào nhiều bài toán khác trong lĩnh vực trích xuất thông tin”, Tuấn Khôi nói.

Chiến thắng tại một cuộc thi toàn cầu, hai kỹ sư cho biết rất tự hào vì những sự nỗ lực, cố gắng của họ đã hồi đáp khi trí tuệ Việt có thể được ứng dụng cho các bài toán thực tiễn tại nước ngoài, trên quy mô lớn. Song song, góp phần nhỏ bé để thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn.

“Bọn mình luôn ước mơ một ngày nào đó các giải pháp AI do người Việt tạo ra có thể đứng ngang hàng so với các nước đã phát triển AI. Qua đó khẳng định trí tuệ người Việt không hề kém cạnh so với bất kì quốc gia nào trên thế giới”, cả hai bày tỏ.

Các cuộc thi AI trong nước là cơ hội rèn luỵện và học hỏi trước khi ra sân chơi thế giới

Là những thành viên tích cực trên các cộng động về AI trong nước cũng như trên nền tảng Kaggle. Thế nhưng, Zalo mới chính là nơi “bén duyên” và mở ra cơ hội hợp tác cho hai chàng kỹ sư trẻ.

“Lúc mình lên nhận giải Zalo AI Hackathon 2019, anh Khôi có đến làm quen. Tuy đã biết nhau từ trước và từng là đối thủ trên Kaggle, nhưng đôi bên cũng không khỏi bỡ ngỡ. Sau này thân thiết hơn và muốn làm cái gì đó chung với nhau cho nên tụi mình đã lập team đi thi”, Minh chia sẻ.

{keywords}
Anh Minh từng là thí sinh tại cuộc thi Zalo AI Hackathon 2019. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Chính thức về chung đội khi hợp tác trong cuộc thi Zalo AI Challenge 2020. Cả hai cho biết, Zalo AI Challenge chính là “thao trường” giúp họ rèn luyện kiến thức, sự sáng tạo, khả năng giải quyết tình huống và đặc biệt là kỹ năng làm việc nhóm. Ngoài ra, đề bài của Zalo AI Challenge thường chú trọng thực hành, không hàn lâm, không lý thuyết nên giúp các đội thi được tiếp cận và giải quyết các bài toán xã hội thông qua AI.

“Lúc đầu bọn mình gặp khó khăn khi chưa biết phân chia công việc như thế nào, thời gian hoàn thành bao lâu,… dẫn tới làm việc chưa hiệu quả. Dần dần qua điều chỉnh, bọn mình hiểu rõ về thế mạnh của mỗi người và thống nhất các làm việc bài bản hơn”, Khôi nói.

“May mắn là sở trường của hai người lại không quá giống nhau và có thể bổ sung, giúp đỡ cho nhau”, Minh tiếp lời.

Kinh nghịêm và sự ăn ý từ những lần hợp tác trước đã được Minh và Khôi vận dụng tại ‘Show US the Data’. Cụ thể, phần công việc được phân công phù hợp với chuyên môn, thời gian hoàn thành cũng được cân chỉnh để không bị trùng nhau. Khi một người xong sớm hơn, có thể giúp đỡ người còn lại để không ảnh hưởng tới tiến độ chung của toàn bộ bài toán.

“Với việc sắp xếp công việc bài bản, bọn mình đã gần như hoàn thành xong giải pháp trước một tuần so với thời hạn. Ở tuần cuối tập trung rà soát và kiểm tra độ tổng quát hoá của giải pháp bọn mình đề ra”, Minh cho biết thêm.

Những nỗ lực đưa công nghệ vào cuộc sống hàng ngày cho chính người Việt

Minh và Khôi là 2 điển hình của lớp kỹ sư Zalo và cũng là điển hình của các kỹ sư công nghệ Việt Nam thế hệ mới: Trẻ, giỏi và mang trong mình khát vọng đưa công nghệ quay về phục vụ cuộc sống của chính người dùng trong nước.

Hai kỹ sư trẻ cho hay, AI hay bất kỳ công nghệ nào khác mục tiêu cuối cùng là để làm cuộc sống trở nên dễ dàng hơn. Quá trình làm việc tại Zalo giúp họ rút ra nhiều kinh nghiệm để đưa các nghiên cứu và đột phá mới trong lĩnh vực này thành những tính năng thân thiện hơn với người dùng.

{keywords}
Trợ lý tiếng nói Kiki - sản phẩm thể hiện tầm nhìn “AI-first” (AI là nhân vật chính) của Zalo. (Ảnh: Nguyên Thảo)

“Các dự án AI mà bọn mình tham gia rất chú trọng vào cảm nhận của người dùng cuối. Điều này đòi hỏi team phải có cái nhìn đa chiều để làm sao tạo ra những sản phẩm không chỉ có độ chính xác cao mà còn phải có khả năng phục vụ, nâng cao trải nghịêm cho hàng chục trịêu người dùng Zalo”, hai kỹ sư cùng chia sẻ.

Hiện Anh Minh tham gia vào dự án TTS (Text-to-Speech) chuyển văn bản thành giọng nói và một số dự án liên quan tới âm thanh khác như nhận diện giọng nói (voiceid), nhận diện giả mạo giọng nói (voice antispoofing). Trong khi đó, Tuấn Khôi cũng tham gia các dự án xử lý ngôn ngữ tự nhiên hỗ trợ xây dựng các tính năng mới cho Zalo, bao gồm hệ thống gợi ý.

Trả lời về những “áp lực” khi làm việc trong môi trường nhiều người giỏi, Anh Minh cho biết, “Đồng nghiệp sáng tạo, siêng năng khiến cho mình có thêm động lực và cũng là áp lực phải hoàn thiện bản thân từng ngày để phù hợp với công việc được giao cũng như cách làm việc không ngừng nghỉ của team”.

{keywords}
Công nghệ thay đổi không ngừng đòi hỏi khả năng tự học, chủ động tìm hiểu, cập nhật các nghiên cứu để phục vụ cho công việc. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tương tự, với Tuấn Khôi, việc gắn AI vào một ứng dụng như Zalo khiến chàng kỹ sư trẻ thường xuyên gặp phải những thử thách mới, chưa có tiền lệ, đòi hỏi khả năng mày mò, nghiên cứu, rèn luyện tính kiên nhẫn.

Hai kỹ sư trẻ cũng không giấu niềm hãnh diện bởi với nền tảng người dùng lớn, các bài toán AI có tính ứng dụng cao và xuất phát từ nhu cầu của đại đa số người dùng. Tham gia các dự án AI tại Zalo đã giúp họ thấy rõ tầm quan trọng và tác động của AI đối với đời sống của con người, xã hội.

“Bọn mình rất hạnh phúc khi AI không còn là một khái niệm thời thượng, mơ hồ nữa mà đang dần thành hình và từng bước len lỏi vào cuộc sống của người Việt Nam. Đây là mong muốn của bọn mình ngay từ những ngày đầu học về AI”, cả hai bày tỏ.

Tại Việt Nam, Zalo được xem là đơn vị đi đầu trong việc nghiên cứu và ứng dụng AI. Thành tựu nghiên cứu từ AI của Zalo cũng đang được ứng dụng trên nhiều sản phẩm hiện có của hệ sinh thái nhằm mang đến trải nghiệm tốt nhất cho của người Việt.

Đơn cử, có thể kể đến trợ lý tiếng nói Kiki đang khá phổ biến trên xe hơi điều khiển bằng giọng nói, trên ứng dụng nghe nhạc Zing MP3 hay tính năng chuyển văn bản thành giọng nói của trang tin điện tử Báo mới. Các sản phẩm nói trên đều có sự tham gia của Anh Minh và Tuấn Khôi.

Về Show US the Data: Đây là cuộc thi được phát động trên phạm vi toàn cầu với tổng giá trị giải thưởng hấp dẫn 90.000 USD (hơn 2 tỷ đồng). Cuộc thi nhằm tìm kiếm giải pháp trong phân tích và xử lý dữ liệu để giải quyết các vấn đề “nóng” toàn cầu như đại dịch, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, đa dạng sinh học, đói nghèo, suy dinh dưỡng ở trẻ em... là cơ sở cho chính sách của các tổ chức chính phủ tại Hoa Kỳ, đồng thời giúp đánh giá hiệu quả của dữ liệu quốc gia để có sự đầu tư hợp lý.

Về Kaggle: Ra đời vào năm 2010, Kaggle đã trở thành nền tảng thi đấu về AI lớn nhất thế giới, đặc biệt ở lĩnh vực Data Sciences và Machine Learning. Kaggle cung cấp các bộ dữ liệu lớn để cộng đồng cùng tham gia giải quyết những bài toán mang tính xã hội cao và so sánh thuật toán với nhau cho đến khi đạt độ chính xác cao nhất. Kaggle cũng là cộng đồng cho phép việc chia sẻ các mã, thuật toán, dữ liệu cũng như các khóa huấn luyện AI ngắn hạn.

Phương Dung