Bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể là nạn nhân

Thời gian gần đây, số trẻ dưới 9 tuổi sử dụng Internet tăng lên đáng kể. Internet có thể khiến các em xa rời việc học tập hoặc việc tương tác trong thế giới thực; lạm dụng không gian ảo dễ dẫn đến nghiện Internet, nghiện game.

Ngoài ra, khi trẻ học trực tuyến trong giai đoạn dịch bệnh còn có nguy cơ đối mặt tình trạng bắt nạt online. Một khảo sát của nhóm chuyên gia với gần 1.000 học sinh tiểu học và THCS tham gia cho thấy, có 0,5-1,6% học sinh báo cáo thường xuyên bị bắt nạt trực tuyến bởi các hình thức khác nhau như: gửi tin nhắn đe doạ; đăng tin nhắn, ảnh bí mật lên mạng; tẩy chay; viết không đúng sự thật; bình luận tiêu cực về cá nhân; phát tán tin đồn, làm phiền hoặc đe dọa…

{keywords}
Bất kể ai khi tham gia mạng xã hội, nhất là trẻ em đều có nguy cơ trở thành nạn nhân của trò bắt nạt trực tuyến. (Ảnh minh họa: Internet)

Đừng quá sốc nếu điều này xảy ra với con của bạn, bất kể ai khi tham gia mạng xã hội, nhất là trẻ em đều có nguy cơ trở thành nạn nhân của trò bắt nạt.

Theo thống kê, hơn 70% người dùng các trang mạng xã hội ở Việt Nam có độ tuổi từ 13 đến 34. Về tâm lý, bản chất của kẻ bắt nạt theo lứa tuổi mạnh nhất là 9-16 tuổi, vì tuổi này trẻ nổi loạn cực điểm do muốn tự do, đi tìm cái tôi, muốn khẳng định bản thân.

Một câu hỏi đặt ra là vì sao vấn nạn bắt nạt trực tuyến ngày càng phát triển?

Lý do đầu tiên chính là do bản chất của Internet. Một người có thể bắt nạt người khác trực tuyến và ẩn danh hoàn toàn, điều này không thể xảy ra với kiểu bắt nạt truyền thống. Ngoài ra, bắt nạt trực tuyến có thể được thực hiện theo cách không đối đầu, đặc biệt nếu kẻ bắt nạt ẩn danh - nghĩa là một kẻ đe dọa trực tuyến có thể để lại những bình luận khó chịu và không quan tâm đến những câu trả lời.

Mặt khác, bất kỳ ai có quyền truy cập Internet đều có thể bắt đầu thực hiện những hành vi mình mong muốn. Bạn bè trên không gian mạng được định nghĩa một cách lỏng lẻo, điều này tạo ra một tình huống khiến bất cứ ai cũng có thể… bắt nạt người khác.

Không giống như những cuộc gặp gỡ trong đời thực, bắt nạt trực tuyến không bao giờ thực sự dừng lại. Điều này có thể khiến nạn nhân cảm thấy như thể các em không còn lối thoát, đặc biệt nếu hành vi bắt nạt liên quan đến việc chia sẻ thông tin cá nhân hoặc nội dung nào đó được lan truyền mạnh mẽ. Loại bắt nạt này có thể diễn ra trong một thời gian dài.

Cha mẹ cần trợ giúp khi trẻ bị bắt nạt trên mạng

Khi gặp phải sự cố bị bắt nạt trên mạng xã hội, hầu hết đều tỏ ra lúng túng không biết làm thế nào để đối phó. Một số trẻ quyết định khóa tài khoản cá nhân, số khác chiến đấu đến cùng. Nhưng đó không hẳn là những giải pháp tối ưu, cha mẹ cần đồng hành và hướng dẫn trẻ cách xử lý văn mình mà vẫn an toàn cho bản thân.

Chương trình Tư duy Thời đại số của Facebook đã đưa ra một số khuyến nghị giúp các bậc phụ huynh cùng con em mình giải quyết vấn nạn này.

Trẻ có thể sử dụng liên kết “Báo cáo”. Facebook có một liên kết Báo cáo để báo cáo lạm dụng, bắt nạt, quấy rối và các vấn đề khác trên hầu hết mọi nội dung. Đội ngũ toàn cầu của Facebook làm việc 24/7 để xem xét những nội dung người sử dụng báo cáo và xóa mọi nội dung vi phạm. Tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook không cung cấp bất kỳ thông tin nào về người đã gửi báo cáo khi Công ty liên hệ với người có trách nhiệm. Nếu đã báo cáo nội dung nào đó, các em có thể tùy chọn kiểm tra trạng thái báo cáo của mình trong “Hộp thư hỗ trợ”, chỉ có người gửi báo cáo mới có thể xem. Nếu trẻ chưa thành thạo, có thể nhờ cha mẹ, thầy cô hoặc một người bạn đáng tin cậy.

Đồng thời, các em nên “Hủy kết bạn” hoặc “Chặn” kẻ đã bắt nạt trực tuyến mình. Khi trẻ chặn ai đó, Facebook sẽ không thông báo cho đối phương rằng trẻ đã chặn họ. Để chặn ai đó, hãy chọn biểu tượng khóa ở trên cùng bên phải của trang Facebook, nhấp vào “Làm cách nào để ngăn ai đó làm phiền tôi?”, nhập tên hoặc địa chỉ email của người trẻ muốn chặn và nhấp “chặn”.

Bên cạnh các thao tác trên Facebook nhằm cắt đứt liên lạc với kẻ đã bắt nạt mình trên mạng xã hội, trẻ cần giữ bình tĩnh, tuyệt đối không cố gắng tiếp cận người đã bắt nạt mình.

Nếu bị đe dọa hoặc lo lắng về sự an toàn của mình, hãy nói ngay với ai đó mà trẻ tin tưởng, đó có thể là cha mẹ, thầy cô hoặc một người bạn thân. Trong trường hợp cấp thiết, trẻ có thể liên hệ Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 hoặc các cơ quan chức năng có liên quan để được hỗ trợ, bảo vệ.

Đặc biệt, cha mẹ hãy hướng dẫn con cái cân nhắc và suy nghĩ kỹ về những điều viết trên mạng xã hội để không phải cảm thấy hối tiếc sau này. Nên theo sát con trong các hoạt động mạng như: kiểm soát ứng dụng và lịch sử duyệt web mỗi ngày; kết bạn với con trên mạng xã hội; quy ước thời gian sử dụng Internet… Đồng thời, cần trò chuyện với con về quy tắc sử dụng mạng để không lộ thông tin cá nhân, nhận biết những loại thông tin không nên chia sẻ, phát tán…

Trao đổi với truyền thông, đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho hay, Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025" đã thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ nhằm xây dựng, duy trì một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý; truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng tiếp cận mạng xã hội cho trẻ.

Sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm cao của các bộ, ngành, địa phương cùng các tổ chức chính trị - xã hội và nhất là ý thức của các bậc phụ huynh sẽ tạo ra "lá chắn" đủ mạnh bảo vệ toàn diện, giúp hình thành hành vi sử dụng mạng xã hội phù hợp cho trẻ em.

Linh Đan (Tổng hợp)

Phụ huynh cần đồng hành với trẻ em trên môi trường mạng

Phụ huynh cần đồng hành với trẻ em trên môi trường mạng

Nhiều phụ huynh chưa quan tâm đến việc an toàn của con trên mạng, trong khi đó việc đồng hành với trẻ và giúp con hiểu những nguy hiểm trên mạng là một điều rất quan trọng trong thời điểm hiện nay.