Lạng Sơn sẽ có ít nhất 2.000 doanh nghiệp công nghệ số vào 2025

Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030 vừa được Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên ký ban hành.

Kế hoạch nhằm thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa  bàn tỉnh Lạng Sơn, tạo điều kiện thuận lợi để ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, kinh doanh; thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Song song đó, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số các chính sách ưu đãi theo quy định. Củng cố, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp công nghệ số trong tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực. 

{keywords}
Kế hoạch mới ban hành của UBND tỉnh Lạng Sơn cũng nhằm cụ thể hóa việc triển khai Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (Ảnh minh họa)

Với giai đoạn từ nay đến năm 2025, Lạng Sơn đặt mục tiêu toàn tỉnh sẽ có ít nhất 2.000 doanh nghiệp công nghệ số, trong đó có khoảng 20 doanh nghiệp công nghệ số có đủ năng lực phát triển sản phẩm, giải pháp, dịch vụ CNTT phục vụ chương trình chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng được đưa vào ứng dụng tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu cụ thể của giai đoạn 2026 - 2030 là phấn đấu toàn tỉnh có thêm ít nhất 4.000 doanh nghiệp công nghệ số. Trong đó, có khoảng 30 doanh nghiệp công nghệ số có đủ năng lực triển khai phát  triển sản phẩm, giải pháp, dịch vụ CNTT phục vụ chương trình chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng được đưa vào ứng dụng tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. 

Địa phương này cũng nêu rõ định hướng sẽ tập trung xây dựng, hướng dẫn, hỗ trợ phát triển 3 nhóm doanh nghiệp, bao gồm: Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh ứng dụng công nghệ số thay đổi từ cách thức quản lý, điều hành, quá trình sản xuất… từ phương pháp truyền thống sang phương thức ứng dụng công nghệ số vào trong quản lý, quy trình sản xuất một cách toàn diện; Các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản  phẩm, dịch vụ mới dựa trên công nghệ số trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội; Các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. 

Ba nhóm giải pháp chính

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ tập trung triển khai 3 nhóm nhiệm vụ giải pháp chính. Cụ thể, về chính sách, tỉnh sẽ xây dựng các chính sách khuyến khích về phát triển doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp công nghệ số. Hỗ trợ việc đăng ký và thành lập doanh nghiệp công nghệ số mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ số về thủ tục gia nhập thị trường.  

Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư. Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề  án của UBND tỉnh về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025. 

Về phát triển doanh nghiệp, tỉnh sẽ định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số vào trong quản lý, quy trình sản xuất, phát triển sản phẩm. Tổ chức Diễn đàn về phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại tỉnh, kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ số trong nước tham gia hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn Lạng Sơn.

Phát triển nền tảng số dùng chung để thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy phát triển sản phẩm số trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông, CNTT có kinh nghiệm, thương hiệu trên địa bàn tỉnh chuyển hướng nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động phát triển các nền tảng số. 

Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong tỉnh về phát triển doanh nghiệp công nghệ số, cũng được UBND tỉnh Lạng Sơn xác định là một nhiệm vụ trọng tâm.

Cùng với đó, tuyên truyền chiến lược “Make in Viet Nam” để các doanh nghiệp công nghệ số thực hiện tốt chiến lược này với hàm ý “Doanh nghiệp Việt Nam phấn đấu từng bước làm chủ công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp mô hình kinh doanh mới”.  

Tổ chức truyền thông về tầm quan trọng của chuyển đổi số trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội như phát triển kinh tế cửa khẩu, du lịch, văn hóa, giáo dục, tài nguyên và môi trường, tài chính, nông nghiệp; giúp quảng bá về tiềm năng, lợi thế môi trường của tỉnh Lạng Sơn cho các doanh nghiệp công nghệ số quan tâm đầu tư, hoạt động tại tỉnh.  

Đồng thời, tổ chức tuyên truyền đổi mới nhận thức, tư duy trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về phát triển doanh nghiệp công nghệ số, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tích cực sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp công nghệ số của tỉnh và của Việt Nam trong hoạt động của cơ quan, tổ chức.  

UBND tỉnh Lạng Sơn giao Sở TT&TT chủ trì, chịu trách nhiệm làm đầu mối để chỉ đạo, điều phối, tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xây dựng kế hoạch, lộ trình phát  triển mạng cáp quang băng rộng, mạng di động 4G, 5G, bảo đảm hạ tầng số phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh…

Vân Anh

Phát triển kinh tế số tạo cơ hội lớn cho tỉnh miền núi Lạng Sơn vươn lên

Phát triển kinh tế số tạo cơ hội lớn cho tỉnh miền núi Lạng Sơn vươn lên

Trong lễ ra quân phát triển kinh tế số tỉnh Lạng Sơn năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh này, ông Hồ Tiến Thiệu nhấn mạnh, phát triển kinh tế số trong thời điểm hiện nay là cơ hội to lớn để tỉnh phát triển.