Chị Huỳnh T.L gọi điện cho đồng nghiệp khi đang giúp việc nhà tại Tân Phú, TP.HCM. Suốt hai ngày cuối tuần, chị L. cho biết chỉ có được hai suất làm việc, mỗi buổi 2 giờ đồng hồ. Phía bên kia, đồng nghiệp của chị cũng mở ứng dụng trên điện thoại, chờ việc tới để nhận nhưng rất khan hiếm.

“Lúc này công việc thời gian ngắn, đi xa một chút cũng phải làm chứ không kén chọn nữa”, chị L. than thở với bạn. Trong câu chuyện, những người giúp việc theo giờ đều lo lắng về lượng công việc ngày càng ít trên ứng dụng. Nhiều người mở điện thoại liên tục để kiểm tra nhưng cũng không thấy việc đâu.

Nhu cầu cần giúp việc giảm đột ngột vài ngày gần đây, theo chị L., có lẽ do tâm lý e ngại của nhiều chủ nhà trong phòng dịch Covid-19. Sau khi có vài ca lây nhiễm trên địa bàn, kể từ 21/5, chính quyền TP.HCM đã ra một số biện pháp phòng dịch, bao gồm đóng cửa hàng ăn uống nhỏ và vừa, hạn chế tụ tập đông người, dừng các hoạt động lễ hội và nghi lễ,...

{keywords}
Lao động tự do trên các nền tảng di động chịu ảnh hưởng bởi làn sóng Covid-19 lần thứ tư. (Ảnh: Hải Đăng)

Lệnh hạn chế tụ tập cộng với trời mưa vài ngày gần đây tại Sài Gòn cũng khiến nhiều tài xế công nghệ bị ảnh hưởng doanh thu.

Tắt máy lạnh, để mở cửa sổ xe theo đúng chỉ thị của chính quyền thành phố, anh Nguyễn Văn B. vừa lái xe vừa than phiền về số cuốc bị giảm. Vào những sáng trời mưa, anh mở ứng dụng nhưng số chuyến cũng lai rai, không được như mấy ngày trước.

“Trời mưa nhiều người ngán ra đường vào sáng sớm. Có việc gì buộc phải đi mới gọi xe”, anh B. nói. Chưa kể từ lúc dịch bùng phát, số lượng đặt xe qua ứng dụng giảm hẳn.

Năm 2019 mỗi tháng anh B. có thể kiếm được trên 20 triệu/tháng, với mức chạy trung bình 8 tiếng/ngày. Tuy nhiên, thời điểm này thu nhập giảm khoảng 30%.

Bà Trần Nguyễn Thuận Giang - Giám đốc Bộ phận chăm sóc đối tác và người dùng Grab Việt Nam - cho biết trong giai đoạn Covid-19, các tài xế có gọi lên tổng đài than phiền số cuốc xe giảm xuống, yêu cầu nhân viên phân phối chuyến xe. Song việc phân bổ cuốc xe được tự động hoá hoàn toàn, không phải do tổng đài viên điều hành như các hãng taxi truyền thống.

Trong báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 4/2021, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định Việt Nam đang tiếp tục phục hồi sau Covid-19 nhưng kết quả phục hồi giữa các ngành còn chưa đồng đều.

Mặc dù các chỉ số tăng trưởng đều tốt, nhưng WB lưu ý đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này sẽ ảnh hưởng đến một số ngành nghề như du lịch, vận tải và bán lẻ. 

Một báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến tháng 6 năm 2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch. Những tác động này bao gồm bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Trong đó, khoảng 17,6 triệu người (chiếm 57,3%) bị giảm thu nhập.

Trong 30,8 triệu người bị ảnh hưởng, có 28,7 triệu người có việc làm, 897,5 ngàn người thất nghiệp, 1,2 triệu người không tham gia hoạt động kinh tế.

Ở phía doanh nghiệp, khảo sát năm 2020 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với WB trên gần 10.200 doanh nghiệp toàn quốc cho thấy, có đến 87,2% chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”. Chỉ 11% doanh nghiệp nói “không bị ảnh hưởng gì” và gần 2% “hoàn toàn tích cực” hoặc “phần lớn tích cực”.

Hải Đăng

Covid-19 thay đổi hành vi mua sắm hàng công nghệ tại Việt Nam thế nào?

Covid-19 thay đổi hành vi mua sắm hàng công nghệ tại Việt Nam thế nào?

Dưới tác động của Covid-19 và cách chính phủ đối phó với dịch tạo ra những tác động nhất định lên thói quem mua sắm mặt hàng công nghệ tại Việt Nam.