Y bác sĩ tại 2 bệnh viện dã chiến đã có thể họp, hội chẩn trực tuyến

TP.HCM đang trong đợt bùng phát Covid-19 cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay, lên tới 3.987 ca mắc tính tới chiều ngày 30/6. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngày 26/6, Sở Y tế TP.HCM đã quyết định thành lập các bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 1 và 2 tại Thủ Đức với quy mô hơn 5.000 giường.

Ngay khi Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 1 tại Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động, FPT đã chủ động hỗ trợ về hạ tầng, thiết bị CNTT cấp thiết, góp phần để bệnh viện dã chiến vận hành hiệu quả, an toàn giữa tâm dịch.

Ngày 29/6, đội ngũ kỹ thuật của FPT đã nhanh chóng tiến hành khảo sát, lên phương án, thống nhất kế hoạch với bệnh viện và triển khai thi công vào 13h cùng ngày.

Hệ thống Wi-Fi với 100 điểm phát, phủ sóng 4 block nhà (với 232 phòng) cùng 2 đường truyền băng thông lớn, hệ thống họp trực tuyến “Onmeeting by FPT”, 20 dàn máy tính, cùng nhiều máy in và các camera giám sát đã được lắp đặt tại 2 bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 1 và 2 ở Thủ Đức, TP.HCM.

{keywords}
Hệ thống họp trực tuyến "Onmeeting by FPT" được lắp tại các bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 ở Thủ Đức đã sẵn sàng để các y bác sĩ hội chẩn, họp trực tuyến.

Là những thiết bị, hạ tầng công nghệ phục vụ nhu cầu cấp thiết về hội chẩn, họp trực tuyến của các y bác sĩ, hệ thống này góp phần giảm tải việc tiếp xúc trực tiếp của y bác sĩ trong quá trình thăm khám chữa bệnh, hỗ trợ bảo vệ đội ngũ bác sĩ tiền tuyến, tránh lây lan dịch bệnh; đồng thời nâng cao hiệu quả, sự an toàn trong vận hành của bệnh viện dã chiến.

Công tác kiểm tra dịch vụ lần cuối và bàn giao cho Sở Y tế TP.HCM đã được FPT hoàn tất vào sáng ngày 30/6, sẵn sàng đi vào hoạt động tại các bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 1 và 2 ở Thủ Đức có tổng công suất 5.000 giường.

Theo ông Hà Thanh Phước, phụ trách triển khai dự án của FPT, với khối lượng công việc tại các bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 ở Thủ Đức, thời gian thi công thường là 5 ngày. Tuy nhiên, với mong muốn chung tay cùng tuyến đầu chống dịch, công việc lắp đặt đã được hoàn thành chỉ trong 1 ngày.

Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa nhấn mạnh, công tác lắp đặt trang thiết bị công nghệ cần triển khai nhanh chóng, kịp thời để ngay lập tức phục vụ hoạt động xét nghiệm, hội chẩn của bác sĩ tiền tuyến. “Trước làn sóng Covid-19 lần thứ tư diễn biến nghiêm trọng và khó lường, chúng tôi mong muốn góp phần đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ cộng đồng tại tâm dịch TP.HCM cũng như trên cả nước”, ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ.

TP.HCM tăng cường ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch

Liên quan đến hoạt động chống dịch tại địa bàn TP.HCM, UBND Thành phố mới đây đã quyết định thành lập 25 tổ công tác đặc biệt hỗ trợ chống Covid-19 tại TP.Thủ Đức và các quận, huyện, trong đó có 3 tổ ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Đặc biệt, trong kế hoạch tổ chức đợt cao điểm kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, lãnh đạo UBND thành phố đã yêu cầu thực hiện nghiêm phương châm “5K + Vắc xin” và tích cực ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch.

Một trong 9 nội dung được nhấn mạnh trong kế hoạch nêu trên là tăng cường ứng dụng CNTT. Theo đó, UBND TP.HCM giao Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và Văn phòng UBND Thành phố để thành lập Trung tâm phân tích dữ liệu đặt tại Văn phòng UBND Thành phố, thực hiện nhiệm vụ kết nối, phân tích dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch Covid-19.

{keywords}
Trong đợt cao điểm kiểm soát tình hình dịch tại TP.HCM, lãnh đạo UBND Thành phố yêu cầu thực hiện nghiêm phương châm “5K + Vắc xin” và tích cực ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch (Ảnh minh họa: báo Người lao động).

Dự kiến trước ngày 3/7, Sở TT&TT TP.HCM phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông kiểm tra, mở rộng hệ thống camera giám sát lắp đặt tại 46 khu cách ly tập trung và một số điểm tiêm chủng trên địa bàn thành phố. Hệ thống sẽ được kết nối với hệ thống giám sát tập trung của Bộ TT&TT.

Cùng với đó, trong tháng 7, Sở TT&TT TP.HCM được giao phối hợp với Sở Y tế triển khai các giải pháp khai báo y tế điện tử, hỗ trợ điều tra dịch tễ bằng mã QR để giúp các cơ quan y tế, địa phương quản lý thông tin của tất cả người từng đi, đến các địa điểm. Từ đó, hỗ trợ công tác truy vết, điều tra dịch tễ nhanh chóng, chính xác khi phát hiện trường hợp nghi nhiễm Covid-19; dữ liệu được liên thông với hệ thống của Bộ Y tế, Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Sở TT&TT Thành phố cũng được giao chủ trì thực hiện quy trình tiếp nhận và chuyển các cơ quan liên quan xử lý phản ánh của người dân về những hành vi vi phạm phòng chống dịch Covid-19, góp ý, hiến kế của người dân, tổ chức và doanh nghiệp nhằm thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch qua Cổng thông tin 1022; cập nhật thường xuyên bản đồ số Covid-19 để người dân chủ động phòng tránh những địa điểm, khu vực có liên quan đến dịch Covid-19…

Vân Anh

Hướng dẫn dùng app Sổ sức khỏe điện tử khi tiêm vắc xin phòng Covid-19

Hướng dẫn dùng app Sổ sức khỏe điện tử khi tiêm vắc xin phòng Covid-19

App Sổ sức khỏe điện tử cùng hệ thống quản lý công tác tiêm chủng là 2 nền tảng được khuyến nghị sử dụng để vừa hỗ trợ tiêm chủng vắc xin Covid-19 nhanh, an toàn, thuận tiện vừa tạo lập dữ liệu sức khỏe điện tử cho người dân.