Nhóm sinh viên ngành phần mềm của FPT Edu, tác giả ứng dụng Let’s Talk.

Trong thời đại 4.0, nếu Internet được mệnh danh là công cụ kết nối vạn vật thì tiếng Anh lại là thứ ngôn ngữ khiến vạn vật trên thế giới trở nên gần nhau hơn. Thế nhưng, theo xếp hạng của English Proficiency Index, Education First, chỉ số năng lực Anh ngữ của Việt Nam lại có xu hướng giảm trong vòng 2 năm gần đây,. Lý do chủ yếu đến từ sự phát triển nhanh chóng của các nước nói Tiếng Anh trong khi Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ, và sự thiếu hụt kỹ năng nghe – nói của người Việt.

Học tập bằng giáo trình 100% tiếng Anh, từng mày mò tìm kiếm những phần mềm hỗ trợ việc học và sử dụng ngôn ngữ này, nhóm sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm của Tổ chức giáo dục FPT (FPT Edu) gồm Phạm Thị Minh Anh, Nguyễn Duy Quang, Vũ Quang Minh, Trần Như Quỳnh và Đặng Anh Tuấn đã có nhiều trải nghiệm học tiếng Anh trực tuyến nhưng dường như không một sản phẩm nào đáp ứng đủ nhu cầu của nhóm.

Có ý tưởng tự làm một phần mềm luyện nói tiếng Anh, tùy chỉnh tính năng phù hợp và tạo hứng thú cho giới trẻ học ngôn ngữ này, nhóm sinh viên FPT Edu dưới sự dẫn dắt của thầy Bùi Ngọc Anh đã hiện thực hóa mong muốn ấy trong khoảng 3 tháng và lần đầu giới thiệu sản phẩm của mình tại đợt bảo vệ đồ án tốt nghiệp mới đây.

Sản phẩm của nhóm là phần mềm mang tên Let’s Talk với chức năng chính là tạo kênh kết nối những người có chung nhu cầu giao tiếp, luyện tập Tiếng Anh với nhau, tạo ra một “môi trường số” giúp người dùng có thể luyện tập bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu.

Theo chia sẻ của nhóm sinh viên, Let’s Talk được xây dựng giống như một mạng xã hội dành cho những người có chung nhu cầu luyện tập Tiếng Anh Tại đây, người dùng có thể luyện tập với người dùng khác bất cứ lúc nào, có thể chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của bản thân và theo dõi, lưu trữ những kiến thức mà người khác chia sẻ. Hình thức mạng xã hội cũng dễ dàng gây thiện cảm và tạo hứng thú sử dụng trong thời gian dài đối với đối tượng người dùng trẻ.

Để “cuộc nói chuyện” trên Let’s Talk đạt được hiệu quả, dựa trên kết quả của bài kiểm tra đầu vào, hệ thống còn tự động nghiên cứu và đề xuất những người dùng khác có chung mục đích học tập (lấy chứng chỉ IELTS, TOFEL, TOEIC…), có trình độ tiếng Anh gần nhất với trình độ của người dùng.

Hệ thống học tập được xây dựng dưới dạng mạng xã hội tạo hứng thú với người dùng.

Bên cạnh đó, khi người dùng thực hiện những cuộc gọi video call cho nhau về những chủ đề (Hashtag) được hệ thống lựa chọn sẵn, hệ thống còn tự động hiển thị các từ vựng được gợi ý (Hint) để cuộc trò chuyện trở nên hiệu quả hơn với thời lượng dài hơn và nội dung phong phú hơn.

Đặc biệt, ứng dụng còn cho phép mọi người dùng đóng góp từ vựng của mình vào từng chủ đề đồng thời cũng cho phép người dùng lưu trữ từ vựng của bản thân và từ vựng do người khác đóng góp theo từng chủ đề để tự động tạo nên các bài test về việc ghi nhớ từ mới. Chính bởi vậy, hệ thống từ vựng về từng chủ đề trên Let’s Talk sẽ ngày càng phong phú và đa dạng.

Ứng dụng cho phép người dùng lựa chọn chủ đề nói và lưu trữ từ vựng ngay trên hệ thống.

Hệ thống của Let’s Talk được phát triển dựa trên nền tảng Java. Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng sử dụng nhiều công cụ để tạo lập nên các chức năng cho hệ thống đặc biệt là để xây dựng hệ thống mạng xã hội thời gian thực (real time social network) có chức năng thông báo đến người dùng thông tin những ai đang trực tuyến và họ vừa nhận cuộc gọi, cuộc gọi nhỡ từ ai cũng như vừa được người dùng nào theo dõi, lưu trữ từ vựng...

Nói về ứng dụng Let’s Talk, Phạm Thị Minh Anh, Trưởng nhóm sinh viên FPT Edu chia sẻ: Let's Talk có nhiều tiềm năng để phát triển thêm những tính năng mới hữu ích hơn, như đăng tải và sử dụng video các cuộc trò chuyện để tạo ra một nguồn dữ liệu học tập là những video được thêm phụ đề và đã được sửa lỗi ngữ pháp. Thông qua những video này, những người dùng với trình độ thấp hơn có thể tham khảo và học tập từ những người có trình độ cao hơn.”

Qua khảo sát thực tế với một lượng người dùng thử, nhóm đã thấy sản phẩm sẽ phát huy được hiệu quả nếu được sử dụng trong môi trường giáo dục Phổ thông hay Đại học và những Trung tâm Tiếng Anh - những nơi vẫn thường có cách giao bài tập về nhà một cách truyền thống. Thông qua Let’s Talk, giáo viên có thể giao bài tập cho học viên bằng cách đăng tải những chủ đề nói và từ vựng cho bài học, đồng thời khuyến khích các em học sinh luyện tập giao tiếp bằng tiếng Anh với nhau qua hệ thống ít nhất 30 phút mỗi ngày, kỹ năng nói của các bạn có thể cải thiện hơn rất nhiều”.

Với nhiều tính năng thông minh, Let’s Talk không chỉ tạo ra một môi trường luyện tập Tiếng Anh giúp người dùng có thể luyện tập ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào mà còn khuyến khích người dùng tự do trao đổi, học tập mà không cần e dè hay mất nhiều thời gian tìm kiếm môi trường luyện tập thích hợp.

Giao diện quản trị của ứng dụng Let’s Talk.

Hiện tại, được sự tư vấn của thầy hướng dẫn, Giảng viên FPT Edu Bùi Ngọc Anh, nhóm sinh viên thực hiện đồ án Let’s Talk Team đang hoàn thiện thêm một số chức năng sản phẩm như: Báo cáo về số lượng người đang tham gia trò chuyện, số lượng người đăng ký mới theo thời gian; chức năng đăng nhập với Gmail; chức năng nhận dạng giọng nói và chức năng cập nhật mô tả tài khoản. Nhóm cũng tin tưởng vào khả năng đưa sản phẩm lên các kho ứng dụng để tiếp cận với nhiều người dùng hơn nữa.