Việc ghi xuất xứ hàng hóa trên thị trường Việt Nam đang được Bộ Công Thương soạn thảo thông tư. (Ảnh minh họa: Internet)

Theo nguồn tin từ Bộ Công Thương, các thỏa thuận thương mại quốc tế có những quy định riêng về ghi nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, còn các sản phẩm tiêu thụ nội địa ghi xuất xứ thế nào là vấn đề nội bộ của từng quốc gia. Với Việt Nam, việc ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa được thực hiện theo Nghị định 43/2017 của Chính phủ. Nghị định quy định nhiều vấn đề nhưng cơ bản nhất có hai nguyên tắc xác định xuất xứ hàng hóa. Một là, trên nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện nước xuất xứ. Hai là, các tổ chức, cá nhân gắn nhãn hàng hóa tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ, dựa trên sự hiểu biết tốt nhất của họ, miễn là trung thực.

Dựa trên Nghị định 43, có những công ty do không chắc chắn về xuất xứ sản phẩm do mình sản xuất ra, bởi họ nhập linh kiện lắp ráp từ rất nhiều nước, nên đã quyết định ghi “Lắp ráp tại Việt Nam”, thay cho “Sản xuất tại Việt Nam”.

Với đặc thù của chuỗi sản xuất toàn cầu hiện nay, doanh nghiệp nhiều khi nhập hàng nghìn chi tiết, linh kiện từ khắp nơi trên thế giới nên không dễ xác định xuất xứ. Do đó, nhiều nhà sản xuất sẽ ghi là “Made by Samsung” hoặc “Made by Nokia”, tức ghi thông tin sản xuất bởi chính tên hãng đó. Đây là cách ghi trung thực, thể hiện thông tin như “được sản xuất tại…”, “được sản xuất bởi…” hoặc “lắp ráp bởi”… Rõ ràng với dây chuyền sản xuất hiện đại với chuỗi cung ứng toàn cầu trải dài nhiều nước, rất khó xác định xuất xứ chính xác cho sản phẩm. Nên các nước cho phép doanh nghiệp được thông tin phù hợp nhất với đặc thù sản xuất.

Trên thực tế dù nhà sản xuất ghi là “Made in Vietnam” hay “Made in China” cũng không mang lại nhiều giá trị gia tăng bằng chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, hậu mãi của doanh nghiệp đưa ra. Sức mạnh của người tiêu dùng mới là quan trọng nhất với một nhà sản xuất hay một thương nhân. Vì vậy, họ sẽ luôn có động cơ để khai báo xuất xứ trung thực.

Nghị định 43/2017/NĐ-CP cho phép nhà sản xuất tự ghi nước xuất xứ trên nguyên tắc trung thực, cho nên tất cả hoạt động có liên quan tới “hàng Việt Nam” sẽ dựa trên khai báo trung thực của các nhà sản xuất này.

Việc đưa ra định nghĩa như thế nào là hàng Việt Nam rồi bắt buộc áp dụng trên toàn quốc là việc cần tính toán rất kỹ vì một số lý do.

Thứ nhất, với hàng triệu sản phẩm, bản “quy tắc xuất xứ” đó sẽ phải rất chi tiết cho từng loại sản phẩm, thậm chí chi tiết hơn quy tắc xuất xứ của các FTA, bởi nó phải xử lý rất nhiều trường hợp oái ăm. Lấy ví dụ, giống xoài Thái nhưng trồng và thu hoạch tại Việt Nam thì khi đưa ra tiêu thụ sẽ là xoài Thái hay xoài Việt Nam? Mọi người sẽ nói ngay đó là xoài Việt Nam. Nói vậy là đúng theo quy định, nhưng cuộc đời đâu trắng đen rõ ràng đến thế. Nếu người nông dân nói đó là “xoài Thái” thì cũng không thể buộc tội họ nói dối, bởi giống xoài đúng là mang từ Thái về, ở ta đâu có giống đó.

Thứ hai không nước nào đưa ra quy định áp dụng cho tất cả các sản phẩm lưu thông nội địa. Họ chỉ chọn một số sản phẩm để đưa ra quy định bắt buộc thôi, thí dụ như đồng hồ thế nào thì được coi là đồng hồ Thụy Sĩ, rượu brandy nào thì được coi là rượu Cognac…

Thứ ba và cũng là quan trọng nhất, ta được gì, xã hội mất gì khi mà chỉ vì một vài người thiếu lương thiện, ta bỏ công xây dựng một hệ quy tắc phức tạp để bắt buộc tất cả mọi người đều phải tuân thủ?

Mặc dù vậy, ngay sau vụ Khaisilk, từ năm 2018 Bộ Công Thương đã tính đến khả năng xây dựng một bộ quy định về việc thế nào thì được coi là “Sản xuất tại Việt Nam”, để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước.