‘Luu danh’ ke xam hai - ban an chung than cho toi ac tinh duc hinh anh 1

‘Luu danh’ ke xam hai - ban an chung than cho toi ac tinh duc hinh anh 3

Jill S. Levenson

Chuyên gia công tác xã hội

  • Email
  • Website

Giáo sư Jill S. Levenson hiện giảng dạy về công tác xã hội tại ĐH Barry (Florida, Mỹ). Nghiên cứu của bà Levenson chủ yếu xoay quanh cách xã hội giám sát, ứng xử với tội phạm tình dục, đo lường hiệu quả chính sách xã hội với bạo lực tình dục và các can thiệp trị liệu với nạn nhân bị xâm hại.

Vào một chiều hè tháng 7/1994 ở bang New Jersey (Mỹ), cô bé 7 tuổi Megan Kanka bị người hàng xóm 33 tuổi Jesse Timmendequas lừa vào nhà kho để hãm hiếp và sau đó giết chết. Vụ việc gây rúng động nước Mỹ, khiến công chúng phẫn nộ bởi Timmendequas từng có hai tiền án xâm hại tình dục và sống đối diện nhà nạn nhân nhưng cảnh sát không hề thông tin cho người dân xung quanh biết.

Cho rằng luật pháp còn thiếu sót, cha mẹ bé Kanka đã vận động để xây dựng hệ thống quản chế chặt chẽ hơn, buộc cảnh sát phải đăng tải công khai thông tin về những kẻ có tiền án liên quan đến tình dục trong khu vực.

Chỉ trong vòng 89 ngày, đạo luật Megan Kanka - luật đăng ký và thông báo người phạm tội tình dục - ra đời. Theo đó, những người phạm tội tình dục phải khai báo thông tin cá nhân bao gồm địa chỉ nhà riêng, tên tuổi, ngày tháng năm sinh, chủng tộc, chiều cao, cân nặng, màu mắt, địa chỉ, số bằng lái xe, vân tay, tiền án tiền sự, các tài khoản mạng, địa chỉ công ty đang làm việc hay địa chỉ trường đang theo học.

Tội ác gây sợ hãi và căm phẫn

Vì sao cần luật này? Có lẽ không có một tội ác nào gây sợ hãi và phẫn nộ như xâm hại tình dục.

Đứa trẻ nào cũng có thể trở thành bé Megan tiếp theo. Và kẻ thủ ác có thể là bất kỳ ai trong số chúng ta: hàng xóm, người quen thậm chí là họ hàng.

Lạm dụng và tấn công tình dục là phổ biến hơn những gì chúng ta biết. Theo mạng lưới chống xâm hại tình dục RAINN, trong năm 2016 tại Mỹ, cứ 9 phút các tổ chức bảo vệ trẻ em lại phát hiện một trường hợp trẻ em bị xâm hại. Các em gái độ tuổi 16-19 có nguy cơ bị hiếp dâm cao gấp 4 lần bình thường.

Nạn nhân và bất kỳ ai có nguy cơ bị xâm hại tình dục phải được bảo vệ. Do đó, ưu tiên hàng đầu của luật đăng ký và thông báo người phạm tội tình dục này là nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng. Tốt hơn hết là phòng tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

Những người từng phạm tội tình dục sống giữa chúng ta. Không chắc trong tương lai những người này tái phạm nhưng vẫn cần có những phân định rõ ràng.

Nhờ có đạo luật này, cha mẹ phần nào chú ý và nâng cao cảnh giác để bảo vệ con em mình, trong khi đứa trẻ cũng có ý thức hơn về việc tự bảo vệ bản thân.

Những người từng phạm tội tình dục sống giữa chúng ta. Họ có thể là bất cứ ai. Không chắc trong tương lai những người này tái phạm nhưng vẫn cần có những phân định rõ ràng.

Hiện tại, gần 50 bang của Mỹ đã có hệ thống đăng ký dữ liệu Megan với các thông tin về những người từng bị tuyên án và thi hành xong án tù cho những tội danh liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em.

Tuy nhiên mức quy định cụ thể ở từng nơi khác nhau. Ở một số bang trong đó có New Jersey, nơi bé Megan sống, thông tin của người từng phạm tội ở mọi cấp đều phải được công khai và báo tới người dân thông qua hình thức đăng tải báo chí, tờ rơi, thư điện tử hoặc các trang mạng dữ liệu trực tuyến.

Một số bang khác chỉ cho phép công khai thông tin của những ai có nguy cơ tái phạm cao; chỉ lực lượng chấp pháp mới có thể tiếp cận danh sách đầy đủ.

Công khai danh tính và các thông tin cá nhân chính là một hình thức buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình. Một cuộc khảo sát trên 300.000 người từng phạm tội xâm hại tình dục ở 15 bang năm 2011 cho thấy tỷ lệ tái phạm tội có xu hướng giảm đáng kể.

Nhưng một trong những mục đích quan trọng nhất của hệ thống này chính là nhằm khuyến khích nạn nhân bị xâm hại tình dục cởi mở hơn khi chia sẻ câu chuyện, tố cáo kẻ phạm tội để tìm lại công lý.

Công khai danh tính và các thông tin cá nhân chính là một hình thức buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình.

Theo số liệu của mạng lưới chống xâm hại tình dục RAINN, có đến 70% số vụ xâm hại tình dục mỗi năm không được trình báo do nạn nhân e dè, thậm chí là sợ hãi khi phải đối diện sự việc.

Thống kê mới nhất cũng cho thấy có gần 900.000 người đăng ký từng phạm tội tình dục trên khắp nước Mỹ. Việc đăng ký này cũng giống như gắn chip quản thúc tại gia giúp các cơ quan thực thi pháp luật có thể theo dõi, giám sát những người từng phạm tội.

Những người từng xâm hại tình dục trẻ em sẽ bị hạn chế ở một số khu vực. Ví dụ nơi ở hoặc làm việc của những người này sẽ không được toạ lạc trong khu vực cách 150-600m quanh công viên, trường học, nhà thờ, bến xe bus, sân chơi trẻ em, phòng gym, bể bơi. Bang Alabama, California, và Florida đều ứng dụng hệ thống theo dõi thời gian thực để quan sát xem liệu người từng phạm tội có lại gần vùng bị cấm hay không.

Tất cả những điều này suy cho cùng cũng chỉ vì mục đích an toàn.

Ngoài ra, còn có đạo luật Bảo vệ an toàn trẻ em Adam Walsh (The Adam Walsh Child Protection and Safety Act) được Tổng thống George W. Bush ban hành năm 2006. Đạo luật Adam Walsh đã xây dựng một hệ thống đăng ký liên bang dưới sự giám sát của Bộ Tư pháp Mỹ. Thông tin của những người có tiền án về những tội liên quan đến xâm phạm tình dục trẻ em từ tất cả các bang sẽ được lưu trữ cũng như cung cấp cho người dân khắp cả nước.

Có công bằng với người phạm tội?

Nhưng cũng không có nghĩa các đạo luật bắt buộc đăng ký thông tin của người từng phạm tội tình dục này hoàn hảo và không đặt ra nhiều câu hỏi về tính công bằng.

Tất cả những người nằm trong hệ thống dữ liệu đều đã thi hành xong bản án và trả giá cho hậu quả của hành vi mình gây ra theo luật hình sự. Việc bị bắt buộc đăng ký vào hệ thống đồng nghĩa với việc họ tiếp tục bị trừng phạt họ cho đến cuối đời, bị cản trở tái hòa nhập.

Nếu xét trên phương diện tài chính, quản lý một kho dữ liệu hơn 900.000 người này ngốn một khoản tiền ngân sách không nhỏ. Chưa kể một số bang còn gắn thiết bị định vị GPS vào những người từng phạm tội tình dục.

Không phải tất cả những người bị bắt buộc đăng ký trên các hệ thống dữ liệu đều là những kẻ phạm tội tình dục nguy hiểm.

Thêm vào đó, không phải tất cả những người bị bắt buộc đăng ký trên các hệ thống dữ liệu đều là những kẻ phạm tội tình dục nguy hiểm.

Hiện tồn tại tranh cãi việc một nhóm người có bệnh lý hoặc chưa ý thức được hành vi của mình đang bị xếp vào cùng danh sách với những người bị dục vọng che khuất lý trí.

Họ gồm một số người mắc chứng rối loạn ấu dâm (quan tâm đến tình dục ở trẻ em trước tuổi dậy thì hoặc thanh thiếu niên). Có những người chỉ vì trót quan hệ tình dục với bạn gái khi cả hai đều dưới tuổi vị thành niên (đây là tội hình sự ở tất cả các bang) nhưng cũng bị gom vào cùng một hệ thống đăng ký tội phạm tình dục.

Chúng ta đang sống trong thế giới phẳng, mọi thông tin đều nằm trên mạng và gần như ai cũng có thể truy cập được những dữ liệu đó. Công khai danh tính và những thông tin cá nhân liên quan của người từng phạm tội tình dục ảnh hưởng đến quyền riêng tư, có thể khiến họ trở thành nạn nhân của những vụ việc sách nhiễu và hành hung.

Dẫu biết hành vi xâm hại tình dục là khó có thể tha thứ, nhưng trong thế giới mạng Internet lên ngôi, một kiểu luật áp dụng cho tất cả các hành vi phạm tội có vẻ như chưa hợp lý.

Những kẻ phạm tội tình dục ở mức độ đáng sợ, gây phẫn nộ, có khả năng tái phạm cao xứng đáng nhận một bản án nghiêm khắc và suốt đời. Thế nhưng, cần có sự phân loại đối với những trường hợp đặc biệt, kết hợp với sự theo dõi và cung cấp liệu pháp điều trị, thay đổi nhận thức, điều chỉnh suy nghĩ lệch lạc, dẫn tới thay đổi hành vi.

Bởi trong nhiều trường hợp, những hình phạt hà khắc lại khiến con người trở nên tiêu cực và có thái độ hung hăng hơn.