Lên mạng kêu cứu cho nông sản

Anh Tuấn Ngũ (Kim Liên, Hà Nội) trong vài ngày gần đây bán được khoảng 2 ngàn con gà được nuôi từ huyện Chí Linh, Hải Dương. Gà chuyển lên Hà Nội theo đợt, trong vài giờ anh bán hết khoảng vài trăm con, giá 60 ngàn đồng/kg. Anh luôn cập nhật tình hình buôn bán lên mạng xã hội.

{keywords}
Người Hà Nội tập trung "giải cứu" gà Chí Linh giữa đêm. (Ảnh: T.N)

Theo anh Ngũ, những con gà này được người dân nuôi để bán Tết nhưng dịch bệnh khiến sức tiêu thụ chậm, lệnh giãn cách khiến gà ứ trong tỉnh, không vận chuyển được nơi khác.

“Giờ bắt buộc phải bán ra vì gà đã lớn, càng nuôi càng lỗ. Mỗi ngày cung cấp thức ăn cho hàng ngàn con gà rất hao tốn”, anh Ngũ nói với ICTnews.

Những con gà anh Ngũ vận chuyển từ Hải Dương về trong diều không có thức ăn, khách mua gà dù được lợi nhưng cũng xót xa cho người dân. "Mỗi trang trại ở khu đồi Chí Linh nuôi 2-3 ngàn con gà, nên việc bán ra được 2 ngàn con vẫn chưa “giải cứu” được mấy", anh Ngũ cho hay.

Tuy vậy, gà về Hà Nội vài giờ thì hết hàng. Hầu hết khách hàng đều là những người đã mua những đợt trước của anh Ngũ do thấy giá rẻ và thịt ngon.

Trong một nhóm trên mạng xã hội, 3 sinh viên ở Khoa Đào tạo và Bồi dưỡng Ngoại ngữ - ĐH Ngoại ngữ Hà Nội thường xuyên hỏi han xem có xe từ Hải Dương lên Hà Nội hay không để góp phần “giải cứu” nông sản.

Thuỳ Trang, một bạn trẻ trong nhóm, cho biết đã đến tận Mê Linh để tìm hiểu tình hình. Chứng kiến cảnh cà chua gần như đổ bỏ, nhóm của cô quyết định làm điều gì đó cho nông dân. Nhưng khó khăn lớn nhất là tìm xe chuyển hàng từ Hải Dương lên thủ đô.

“Bọn em nhờ cậy xe người quen và xe ghép của hợp tác xã để đưa hàng lên đây”, Thuỳ Trang cho biết.

Mượn được mặt bằng ở Đội Cấn, nhóm đã bắt đầu bán củ cải, cà chua, cải bẹ với giá 15 ngàn đồng/túi 5kg. Theo Dương, giá này chỉ đủ cho nhóm trang trải phí vận chuyển, không có lợi nhuận. Sau khoảng một ngày (bắt đầu từ 4/3), nhóm bán được hơn 1 tấn các loại củ quả.

{keywords}
Củ cải, cà chua, cải bẹ bán 15.000 đồng/túi 5kg. (Ảnh: Thuỳ Dương)

Chị Ngà, một người Hải Dương, cũng đăng lên mạng xã hội để kêu gọi mọi người “giải cứu” ổi quê chị. Tuy nhiên trong vài ngày gần đây chị chưa bán được nhiều mặc dù ổi đã tới thời điểm thu hoạch.

“Do dịch bệnh và nhu cầu thất thường, giá ổi có khi chỉ 2 ngàn đồng một cân, có thời điểm lên 6 ngàn, nay chỉ còn 4 ngàn nhưng em vẫn chưa bán được”, chị Ngà chia sẻ.

Trên các nhóm, người cần bán hành khô, ổi, hồng xiêm, gà, trứng,... từ Hải Dương rất nhiều. Song song đó, rất nhiều cá nhân sẵn sàng mua vài chục kilogram nông sản, vài chục trứng, đến mua sỉ hàng tấn vẫn có. Rất nhiều doanh nghiệp cũng tổ chức mua cho nông dân và bán rẻ cho công nhân.

Bên cạnh đó, hàng chục địa điểm “giải cứu” nông sản tự phát ở Hà Nội được lập danh sách để người có nhu cầu đến mua ủng hộ.

Siêu thị cũng vào cuộc

Kể từ cuối tháng 2, BigC và Co.opmart khu vực phía Bắc cũng tham gia mua hàng từ nông dân Hải Dương, bù chi phí để bán với giá hỗ trợ.

Ở Co.op Mart các khu vực Hà Nội, Hải Phòng, giá cà chua có khi chỉ còn 1.500 đồng/kg, bắp cải 3.000 đồng/bắp, trứng vịt 2.200 đồng/quả.

BigC Hà Nội cũng bán su hào 5.900 đồng/kg, bắp cải trắng 3.900 đồng/kg. Trong tuần đầu tiên kể từ cuối tháng 2, BigC cho biết bán được khoảng 70 tấn nông sản thuộc diện đồng hành cùng nông sản Hải Dương.

Trao đổi với ICTnews, phía Co.opmart cho biết đến trưa 5/3, khoảng 300 tấn nông sản “giải cứu” được tiêu thụ qua toàn bộ hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.op Food Miền Bắc. Những mặt hàng nông sản Hải Dương được các Co.op khu vực Hà Nội tham gia giải cứu đợt này gồm bắp cải trắng, củ su hào, cà rốt và ổi. 

{keywords}
Co.opmart bán nông sản với giá hỗ trợ nông dân. (Ảnh: Co.opmart)

Để có giá bán phù hợp, các siêu thị cho biết phải bù chi phí kiểm soát chất lượng, vận chuyển, nhân công và mặt bằng nhằm hỗ trợ đẩy nhanh việc tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, còn bổ sung thêm chi phí để thực hiện chương trình khuyến mãi kép giảm giá, tặng điểm cho khách khi mua nông sản, đồng thời khi khách mua các mặt hàng khác có mức hóa đơn phù hợp sẽ được tặng thêm nông sản miễn phí. 

Theo siêu thị, nguồn hàng giải cứu chủ yếu tiêu thụ từ các hợp tác xã và có biện pháp kiểm soát chất lượng đảm bảo an toàn, không thu mua giải cứu đại trà những sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Hôm 2/3, sàn thương mại điện tử Vỏ Sò cũng bắt đầu chiến dịch hỗ trợ nông sản Hải Dương. Hiện gian hàng bán 5 loại nông sản gồm: trứng gà Cẩm Đông, gà đồi Chí Linh, ổi Thanh Hà, bắp cải, su hào đã được mở. Đây là những loại nông sản được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương và Viettel Post thống nhất đưa lên bán trên sàn Vỏ Sò trong giai đoạn đầu.

Khó đưa nông sản lên thương mại điện tử

Trong bối cảnh nông sản bị ùn ứ tại Hải Dương, nhiều người trên cả nước đều muốn chung lòng hỗ trợ nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn. Câu hỏi đặt ra là nông sản có nên đưa lên thương mại điện tử hay không?

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cho rằng đặc thù một số hàng hoá như rau củ rất khó đưa lên bán đại trà trên các kênh thương mại điện tử. 

“Đặc thù rau củ rất dễ bị héo, dập nên việc vận chuyển qua một quãng đường dài đến tay khách hàng là không khả thi”, ông Dũng lý giải. Một số ứng dụng giao đồ ăn có triển khai đi chợ hộ, giao hàng rau củ trong ngày nhưng chất lượng đôi khi còn bị phàn nàn thì việc vận chuyển hàng hoá này trên quãng đường xa hiện chưa thực tế.

VECOM từng hỗ trợ người dân Bến Tre đưa trái dừa lên bán trên các kênh online, nhưng theo ông Dũng, không phải hàng hoá nào cũng có thể bán qua mạng. “Các loại hàng hoá cần đóng gói cẩn thận, giữ được chất lượng trong quá trình vận chuyển thì mới phù hợp để bán đại trà”, Phó chủ tịch VECOM nhận định.

Việc hỗ trợ nông sản Hải Dương chỉ được thực hiện tại các tỉnh phía Bắc. Bối cảnh giao hàng hiện tại chưa cho phép các loại rau củ ở đây đi toàn quốc. Ngay cả những siêu thị lớn cũng chỉ triển khai ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Hải Đăng

Chuyến hàng mở màn chiến dịch chuyển đổi số cho nông sản Việt Nam

Chuyến hàng mở màn chiến dịch chuyển đổi số cho nông sản Việt Nam

Tối 4/3, chuyến xe chở 60.000 quả trứng gà sạch Cẩm Đông đã về đến kho của sàn Vỏ Sò để sớm đến tay người tiêu dùng. Đây là những lô hàng đầu tiên trong chiến dịch dùng công nghệ số giúp nông sản Việt thoát cảnh cần giải cứu.