Hôm 19/4, khi "bố già" Florentino Perez công bố giải đấu mới European Super League, cả thế giới bóng đá đã bị chấn động. Đây là giải đấu đã được chủ tịch của Real Madrid ấp ủ từ rất lâu và có thể thay đổi làng túc cầu một cách sâu sắc và toàn diện.

Trước tiên, để hiểu về giải đấu này, người hâm mộ cần hiểu sơ qua về thể thức của UEFA Champions League, hay còn gọi là cúp C1 châu Âu. Cúp C1 có lịch sử ra đời từ năm 1955, nơi hội tụ các CLB bóng đá hàng đầu Âu châu bấy giờ.

{keywords}
Bản đồ của bóng đá châu Âu và thế giới có thể thay đổi mãi mãi...

Đến năm 1992, cúp C1 được UEFA đứng ra tổ chức, bắt đầu làm thương hiệu và thương mại hóa nó. Theo thời gian, cúp C1 được xem là giải đấu cấp CLB danh giá nhất trời Âu dù ngày càng bị pha loãng bởi cung cách tổ chức kéo dài với sự có mặt của ngày càng nhiều các CLB thuộc những nền bóng đá kém phát triển hơn. 

Đó là chưa kể sự ra đời của UEFA Nations League vào năm 2018 đã khiến các cầu thủ vốn đã bị vắt kiệt sức bởi các trận đấu quốc nội, nay lại phải làm nghĩa vụ quốc gia trong những trận đấu nhàm chán kéo dài.

Mùa Covid-19 hoành hành ở lục địa già khiến các trận đấu hoặc bị hoãn lại kéo dài, hoặc được tổ chức trong điều kiện không khán giả khiến doanh thu giảm mạnh trong khi thu nhập của cầu thủ không giảm là bao.

Điều này vô tình trở thành gánh nặng tài chính ngày càng lớn lên các CLB hàng đầu châu Âu. Giọt nước làm tràn ly này khiến một nhóm những đội phản đối tuyên bố đứng ra ly khai khỏi cúp C1 và tự lập giải đấu mới mang tên European Super League.

European Super League có gì đặc biệt?

European Super League là giải đấu quy mô thu nhỏ trong nhóm 20 CLB hàng đầu châu Âu, trong đó có 15 đội chắc suất và 5 đội khách mời. Hiện tại, đã có 12 CLB sáng lập giải là Manchester United, Liverpool, Manchester City, Arsenal, Chelsea, Tottenham, Barcelona, Real Madrid, Atlético Madrid, Inter Milan, AC Milan và Juventus. 

Ngoài lợi thế là giải đấu quy tụ các CLB giàu truyền thống, European Super League sẽ được cân nhắc tổ chức vào khung giờ đẹp giữa tuần để người hâm mộ trên toàn cầu có thể tiện đường theo dõi. Hiện tại, cúp C1 vẫn giữ truyền thống tổ chức vào khoảng 1 - 3 giờ sáng theo giờ Việt Nam.

{keywords}
... với sự xuất hiện của European Super League quy tụ ít nhất 12 đội bóng giàu truyền thống nhất châu Âu.

Các đội tham dự sẽ được chia trọn vẹn khoản tiền 3,5 tỷ Euro, mà trước mắt các đội sáng lập sẽ nhận ngay 350 triệu Euro vào tài khoản. Số tiền này dựa vào nguồn kinh phí tổ chức đã được ngân hàng Mỹ JP Morgan đảm bảo ít nhất 4 tỷ USD. 

Trong khi đó, cúp C1 cũng có khoản tiền 2 tỷ Euro nhưng phải chia cho 32 đội bóng. Do đó, nhà vô địch C1 mùa 2019/2020 vừa qua là Bayern Munich chỉ nhận được tổng cộng khoảng 82,4 triệu Euro.

Phản ứng của UEFA?

Ngay khi có thông tin về việc thành lập giải đấu ‘ly khai’, UEFA đã tuyên bố loại khỏi giải với tất cả các đội tham dự European Super League, đồng nghĩa với việc đội bóng nước Pháp PSG sẽ nghiễm nhiên trở thành nhà vô địch C1 mùa này.

Ngoài ra, FIFA cũng tuyên bố cấm tất cả các cầu thủ thuộc nhóm 12 đội sáng lập này dự giải quốc nội và giải vô địch thế giới như World Cup hay Euro sắp diễn ra.

Còn bản thân UEFA vừa tuyên bố phê duyệt thể thức mới của cúp C1, bắt đầu từ mùa 2024/2025. Theo đó, số CLB tham dự sẽ tăng từ 32 lên 36, thi đấu vòng tròn chung một bảng. 

8 đội dẫn đầu sẽ vào thẳng vòng loại trực tiếp, 16 đội tiếp theo phải thi đấu vòng playoffs để tìm ra 8 cái tên vào vòng knockout. Trong khi đó, European Super League dự kiến sẽ bắt đầu ngay vào tháng 8 tới đây, sẽ diễn ra ngay cả khi các đội bóng của Đức và Pháp có chấp nhận lời mời hay không.  

Vấn đề bản quyền

Nếu viễn cảnh C1 không còn các đội bóng hùng mạnh nhất châu Âu tham dự, bản quyền truyền hình có thể sẽ là một vấn đề khiến UEFA phải đau đầu. 

UEFA kiếm được gần 4 tỷ USD mỗi mùa nhưng phải chia cho 55 đội bóng thành viên, trong đó bản quyền của cúp C1 đã chiếm tới 2,37 tỷ USD. 

Đáng lo hơn, gói bản quyền ba mùa tiếp theo sẽ kết thúc vào cuối mùa giải này, tức mùa 2020/2021. Do đó, UEFA sẽ phải đối mặt với khoản lỗ nặng khi European Super League khởi tranh với số đội vốn ít hơn mà tiền bản quyền gần như tương đương. 

{keywords}
Đây là cuộc chiến kim tiền giữa các ông trùm của bóng đá thế giới. (trong ảnh: Chủ tịch UEFA Aleksander Čeferin (phải) bắt tay xã giao chủ tịch Real Madrid, Florentino Perez.

Tại Việt Nam, K+ hiện đang độc quyền phát sóng cúp C1 và C2 nhờ thỏa thuận với UEFA. Tuy nhiên, khi European Super League khởi tranh, cơ hội đàm phán sẽ là rộng mở cho tất cả các đài truyền hình, bao gồm cả các nền tảng livestream như Facebook hay YouTube.

Thực tế, mùa giải 2019/2020, Facebook đã tiến rất gần tới một thỏa thuận trị giá 264 triệu USD để độc quyền phát sóng Ngoại hạng Anh trong ba mùa giải tiếp theo ở Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. 

Thỏa thuận sau đó đổ bể vào phút chót và K+ trở thành đơn vị độc quyền phát sóng giải đấu cấp CLB hấp dẫn nhất hành tinh này với giá thấp hơn 46 triệu USD, như đã biết. 

Ngoài bản quyền truyền hình, bản quyền cầu thủ trong game cũng sẽ là một khoản thu đáng kể mà UEFA và FIFA mất đi nếu tước bỏ tư cách của các cầu thủ thuộc biên chế 12 CLB sáng lập. 

Nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là cơ hội lớn để Konami chen chân vào cuộc chiến giành bản quyền cầu thủ và CLB với Electronic Arts, vốn nhiều năm độc quyền sử dụng hình ảnh các cầu thủ ở dòng game FIFA. Thỏa thuận không tiết lộ giá trị này hiện kéo dài đến ngày 31/12/2022.

Phương Nguyễn

TeamViewer được gì, mất gì khi tài trợ cho Quỷ đỏ Man Utd?

TeamViewer được gì, mất gì khi tài trợ cho Quỷ đỏ Man Utd?

Thỏa thuận mới với CLB bóng đá giàu truyền thống của nước Anh giúp TeamViewer có vẻ được nhiều hơn là mất.