Theo số liệu từ GfK, “miếng bánh” thị trường TV tại Việt Nam đang được nắm giữ chủ yếu bởi 3 ông lớn gồm Samsung, Sony và LG. Trong năm 2018, Samsung đứng đầu với 42% thị phần. Tiếp theo đó Sony với 32,6% thị phần, đứng thứ ba là LG với 13,8% thị phần.

Tính đến tháng 9/2020, ba vị trí này không có sự thay đổi. Tuy nhiên, thị phần của thương hiệu Sony đã bị thu hẹp lại, trong khi cả Samsung và LG đều có sự tăng trưởng nhẹ. 

Miếng bánh thị trường TV tại Việt Nam đang thuộc về ai? - 1

Thị phần TV tại thị trường Việt Nam tính đến tháng 9/2020.

Theo đó, Samsung vẫn duy trì vị thế dẫn đầu với 44,7% thị phần, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2018. Thị phần của Sony sụt giảm 6,7%, xuống còn 25,9%. Đứng ở vị trí thứ 3 là LG với 17,6% thị phần, tăng 3,8%.

Cũng theo số liệu từ GfK, người tiêu dùng tại Việt Nam ngày càng có xu hướng chọn mua những chiếc TV với kích thước màn hình lớn hơn. Trong đó, phân khúc TV có kích thước màn hình trên 55 inch đang phát triển mạnh nhất. 

Trong năm 2017, số lượng TV có kích thước màn hình trên 55 inch được tiêu thụ đạt khoảng 243.800 chiếc, chiếm 18% tổng số TV bán ra thị trường. Trong khi đó, tính đến tháng 9/2020, lượng tiêu thụ TV có kích thước trên 55 inch đã đạt gần 920.000 chiếc, chiếm 44% lượng thiết bị bán ra.

Theo chia sẻ từ một số chuyên gia, xu hướng này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới. Nguyên nhân chính được cho là do giá bán của TV đang ngày càng rẻ hơn và người dùng có thể dễ dàng tiếp cận hơn trước.

“Trong khoảng 2-3 năm trước, độ phân giải 4K và hệ điều hành thông minh là 2 tính năng được người dùng quan tâm nhiều nhất khi chọn mua TV. Khi đó, những thiết bị hỗ trợ cả 2 tính năng này có giá tương đối cao, khởi điểm từ 20 triệu đồng. Trong khi hiện tại, chỉ với mức tiền chưa tới 10 triệu đồng, người dùng đã có thể sở hữu thiết bị có tính năng tương tự. Vì thế, người dùng sẽ muốn mua TV với kích thước màn hình lớn hơn để có được trải nghiệm tốt hơn”, đại diện một hệ thống bán lẻ các thiết bị điện máy lớn tại Việt Nam trao đổi với Dân trí.

Hiện tại, đa số TV trên thị trường đều được tích hợp sẵn các chức năng thông minh. Ngay cả ở phân khúc giá rẻ khoảng 4-5 triệu đồng, người dùng cũng có thể dễ dàng tiếp cận được với những mẫu TV trang bị tính năng này.

Miếng bánh thị trường TV tại Việt Nam đang thuộc về ai? - 2

Cuộc đua ở phân khúc cao cấp được các hãng đẩy lên các màn hình có độ phân giải 8K.

Vài năm trước, màn hình có độ phân giải 4K được xem là tiêu chuẩn của những chiếc TV cao cấp. Tuy nhiên, điều này hiện không còn chính xác. Hiện tại, với mức tiền khoảng 8-10 triệu đồng, người dùng đã có rất nhiều lựa chọn các mẫu TV khác nhau hỗ trợ màn hình độ phân giải 4K.

Cuộc đua của những chiếc TV thuộc phân khúc cao cấp đã được đẩy lên màn hình có độ phân giải 8K. Hàng loạt ông lớn đều tham gia vào cuộc chơi này. Đầu năm 2020, Samsung ra mắt bộ đôi TV QLED 8K gồm Q950T và Q800T. Vài tháng sau, LG gia nhập thị trường cao cấp với hai mẫu TV OLED 8K 88ZX và 77ZX, trong khi đó Sony cũng mang về Việt Nam mẫu TV cao cấp nhất Bravia Z8H.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa những mẫu TV này nằm ở công nghệ màn hình hiển thị. LG tập trung phát triển những mẫu TV sử dụng tấm nền OLED. Trong khi đó, Samsung và Sony lại theo đuổi công nghệ chấm lượng tử (quantum dot). Màn hình chấm lượng tử trên TV của Samsung có tên gọi QLED, còn của Sony là Triluminos.

Theo Dantri

Sau 1 năm ra mắt, Apple TV+ vẫn vô danh đến nỗi phải gia hạn miễn phí để lôi kéo người dùng

Sau 1 năm ra mắt, Apple TV+ vẫn vô danh đến nỗi phải gia hạn miễn phí để lôi kéo người dùng

Ngoại trừ ban lãnh đạo Apple, chẳng mấy ai nghĩ tới dịch vụ Apple TV+. Đến nay, nó vẫn chỉ là một tham vọng trên giấy tờ chứ chưa thành hiện thực như những gì Apple hứa hẹn khi ra mắt.