20 năm ấp ủ ý tưởng phát triển thẻ thông minh

Tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được Bộ TT&TT lần đầu tổ chức hồi tháng 5/2019 với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường” và khẩu hiệu hành động “Make in Vietnam”, dự án xây dựng hệ sinh thái thẻ công dân số Việt Nam đã được ông Lê Minh Quốc, Giám đốc kỹ thuật Công ty MK Smart thuộc MK Group giới thiệu.

MK Group hiện đang chiếm khoảng 70% thị phần thẻ ngân hàng tại Việt Nam và 3 năm gần đây doanh thu xuất thẻ góp tới 60 - 70% tổng doanh thu của MK Group.

Theo chia sẻ của ông Quốc, có “trái tim” là hệ điều hành chip do chính đội ngũ kỹ sư MK Group phát triển là MKCOS/MKjCOS có kích thước nhỏ hơn hệ điều hành Windows 10 khoảng 300.000 lần, hệ sinh thái thẻ công dân số Việt Nam trong thẻ chip CCCD (e-NID) nếu được ứng dụng vào thực tế sẽ trở thành công cụ hữu hiệu giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần vào công cuộc phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số tại Việt Nam.

Trao đổi với ICTnews, ông Quốc cho biết, một trong những thành phần quan trọng của hệ sinh thái thẻ công dân số Việt chính là hệ sinh thái các giải pháp định danh - xác thực - bảo mật trên chip của MK, cho phép người dùng có thể tùy chọn nhiều ứng dụng bảo mật như: PKI (Hạ tầng khóa công khai), OTP (Mật khẩu dùng một lần), MoC (Nhận dạng sinh trắc học), FIDO U2F (Xác thực 2 nhân tố 2 bước) SoD (tích hợp thuật toán bảo mật riêng theo yêu cầu), BAC (ứng dụng bảo mật cho hộ chiếu điện tử theo chuẩn quốc tế ICAO Doc 9303), BAP (ứng dụng bảo mật cho bằng lái xe số theo chuẩn ISO/IEC 18013).

“Hiện nay, thẻ căn cước công dân của Việt Nam vẫn là thẻ sử dụng công nghệ nhận dạng mã vạch (barcode). MK Group đã đề xuất lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền về việc triển khai ứng dụng thực tế hệ sinh thái thẻ công dân số Việt Nam - tích hợp công nghệ chip vào thẻ căn cước công dân để với chỉ một chiếc thẻ, người dùng có thể sử dụng vào nhiều việc. Ngoài tác dụng chính là xác thực, định danh công dân, thẻ căn cước điện tử sử dụng công nghệ chip còn có thể đóng vai trò như bằng lái xe, thẻ lưu trú, thẻ bảo hiểm y tế, thẻ giao thông công cộng, ví điện tử...Về giải pháp kỹ thuật, chúng tôi đã sẵn sàng, giờ chỉ còn chờ được các cơ quan chức năng cho phép ứng dụng vào thực tế”, ông Quốc cho hay.

Điều không nhiều người biết là ý tưởng phát triển thẻ thông minh đa ứng dụng dành riêng cho người Việt đã được Chủ tịch HĐQT MK Group Nguyễn Trọng Khang ấp ủ từ 20 năm trước, khi thành lập Công ty MK (MK Technology) chuyên phân phối, nghiên cứu giải pháp triển khai ứng dụng về thẻ - tiền thân của MK Group ngày nay.

“Thời  điểm tham gia khóa học MBA tại Đại học Boise State bang Idaho hồi năm 1999, tôi đã bị thu hút bởi chiếc thẻ sinh viên thông minh được nhà trường cấp, trong đó không chỉ lưu trữ và quản lý toàn bộ thông tin của tôi mà còn cung cấp nhiều tiện ích. Chiếc thẻ này đã hình thành trong tôi ước mơ một ngày nào đó không xa, công nghệ thẻ thông minh sẽ là một công cụ đắc lực phục vụ cuộc sống người dân Việt Nam”, ông Khang chia sẻ.

“Không tạo được khác biệt sẽ khó lòng bứt phá!”

Trên thực tế, hành trình để hiện thực hóa khát vọng sáng tạo ra những sản phẩm, giải pháp thẻ công nghệ cao mang lại nhiều lợi ích cho người Việt Nam của doanh nhân Nguyễn Trọng Khang và các cộng sự đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn, trở ngại. Khó khăn càng nhiều hơn khi MK chọn hướng phát triển, khai phá một lĩnh vực hoàn  toàn mới ở Việt Nam thời điểm đó – nghiên cứu phát triển ứng dụng thẻ công nghệ cao.

Ngay khi mới thành lập năm 1999, Công ty MK đã vấp phải khó khăn trong tiếp cận thị trường do việc ứng dụng thẻ công nghệ cao còn chưa phổ biến, người dùng trong nước chưa thấy được những mặt tích cực nên không “mặn mà” với công nghệ thẻ. Trong chặng đường tiếp đó, chịu ảnh hưởng tác động từ khó khăn của nền kinh tế, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thẻ công nghệ cao như MK liên tục phải đối mặt với thách thức đến từ các ngành viễn thông, ngân hàng, tài chính…

Đơn cử như, hồi năm 2013, nhu cầu thị trường viễn thông bão hòa, lượng SIM mua mới từ các nhà mạng tại Việt Nam giảm mạnh, nhất là từ sau khi Thông tư 14/2012/TT-BTTTT quy định doanh nghiệp di động không được nạp tiền sẵn vào tài khoản với SIM thuê bao chưa hòa mạng có hiệu lực từ 1/1/2013.

Không những thế, trong 20 năm qua, thách thức không nhỏ với MK còn là sự cạnh trạnh khốc liệt về giá đến từ các nhà sản xuất trong nước cũng như các công ty thẻ nước ngoài Đặc biệt, với thị trường trong nước, MK Group cũng như nhiều doanh nghiệp ICT Việt khác phải đối mặt với rào cản từ tâm lý “sính ngoại” của các cơ quan, tổ chức và người dùng Việt.

Dù vậy, theo chia sẻ của Chủ tịch MK Group Nguyễn Trọng Khang, ông và các cộng sự chưa bao giờ nghĩ đến việc dừng bước. “Vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu chúng tôi cũng đã có cơ hội nhất đinh, vì trong giai đoạn này các công ty không có nguồn lực để mua sắm máy móc, phải duy trì hoặc thu nhỏ qui mô thì chúng tôi lại nắm bắt cơ hội này để có thể mua sắm thiết bị với chi phí thấp hơn để mở rộng sản xuất. Ngoài ra, chúng tôi đã tăng cường các công tác quản trị, , tập trung hơn nữa vào chuyên môn, nhất là những công việc đòi hỏi cao về chất lượng dịch vụ, trình độ và tri thức chuyên sâu để cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tăng năng suất lao động”, ông Khang đúc kết.

MK Group hiện đang chiếm khoảng 70% thị phần thẻ ngân hàng tại Việt Nam và 3 năm gần đây doanh thu xuất thẻ góp tới 60 - 70% tổng doanh thu của MK Group.

MK Group hiện đang chiếm khoảng 70% thị phần thẻ ngân hàng tại Việt Nam và 3 năm gần đây doanh thu xuất thẻ góp tới 60 - 70% tổng doanh thu của MK Group.

Đặc biệt, để thuyết phục các khách hàng “khó tính” trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, viễn thông… cùng các cơ quan, tổ chức nhà nước, một việc đã được MK kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua là mang sản phẩm, giải pháp tham gia các chương trình đánh giá, thẩm định trong và ngoài nước để minh chứng cho chất lượng sản phẩm, góp phần tạo dựng uy tín, thương hiệu cho doanh nghiệp mình.

Cụ thể, với thị trường quốc tế, việc đạt đầy đủ các chứng chỉ quốc tế VISA, MasterCard, JCB, UPI và GSMA cho nhà sản xuất thẻ tài chính và thẻ SIM là một điều kiện quan trọng để MK mở rộng thị trường, xuất khẩu sản phẩm thẻ SIM, thẻ ngân hàng, thẻ thông minh không tiếp xúc… sang các đối tác tại ASEAN, Nhật Bản, châu Phi và Mỹ La tinh. Tương tự, với thị trường trong nước, các chứng chỉ quốc tế, chứng chỉ do Ban cơ yếu Chính phủ cấp cho sản phẩm mật mã dân sự và các giải  thưởng VNISA bình chọn sản phẩm an toàn chất lượng cao mà MK Group đạt được đã là “giấy thông hành” để một doanh nghiệp tư nhân như MK có thể đưa sản phẩm đến được với một số doanh nghiệp, tổ chức nhà nước.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, trong trao đổi tại Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã đưa ra gợi ý cách tiếp cận nhóm khách hàng cơ quan nhà nước, đó là các doanh nghiệp công nghệ bỏ kinh phí đầu tư để triển khai thí điểm tại cơ quan nhà nước, nhà nước không bỏ tiền nhưng bỏ tri thức, tạo cơ hội cho doanh nghiệp thử nghiệm để hoàn thiện sản phẩm, giải pháp. Mặt khác, thời gian qua Bộ TT&TT cũng đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản đề nghị cơ quan, tổ chức nhà nước ưu tiên sử dụng sản phẩm CNTT, an toàn thông tin của doanh nghiệp trong nước đáp ứng yêu cầu.

Với MK Group, đến nay doanh nghiệp Việt này đã trở thành công ty dẫn đầu ASEAN về giải pháp xác thực bảo mật số và thẻ thông minh. Tất cả hoạt động nghiên cứu và sản xuất của MK đều được thực hiện tại Việt Nam, với 2 nhà máy sản xuất thẻ, 2 trung tâm R&D ở Hà Nội và TP.HCM. MK Group đang xuất khẩu thẻ chip tới hơn 20 nước trên giới. MK hiện đang chiếm khoảng 70% thị phần thẻ ngân hàng tại Việt Nam và 3 năm gần đây doanh thu xuất thẻ góp tới 60 - 70% tổng doanh thu của MK Group.

Nói về nguyên nhân giúp MK Group đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận trong 20 năm qua, ông Khang cho rằng, trở thành người đi trước và làm chủ công nghệ chính là bước đi quan trọng hàng đầu. Hiện nay mỗi năm MK Group dành khoảng 10% doanh thu cho R&D.

“Trong thế giới phẳng, không nghiên cứu chuyên sâu, không tạo được sự khác biệt thì khó lòng bứt phá.Trong phát triển kinh doanh, chúng tôi đã từng trải qua thất bại và nhờ những thất bại đó mà có thể đưa ra những quyết định mang tính đột phá. Như việc xây dựng nhà máy sản xuất thẻ ngay tại Việt Nam, bước đi chiến lược này của MK xuất phát từ khát vọng xây dựng một thương hiệu Việt ngang tầm quốc tế, quyết tâm đưa thương hiệu Việt đi ra toàn cầu cũng như tạo công ăn việc làm cho công dân Việt đã thúc đẩy tôi sang Mỹ tìm một người bạn cùng đầu tư xây dựng nhà máy”, ông Khang tâm sự.