Ví điện tử MoMo vừa tổng kết chương trình Lắc Xì 2022 với 12 triệu người tham gia trong hơn một tháng diễn ra sự kiện, tổng cộng 300 triệu lượt lắc/quay (trung bình mỗi người thực hiện 25 lượt). Đây là trò chơi được MoMo tổ chức thường niên trong dịp Tết, cho phép người chơi tham gia các trò chơi được thiết kế bên trong ứng dụng.

Thay vì nói về tăng trưởng giao dịch hay các kết quả tài chính, ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập, Phó chủ tịch Ví MoMo lại đề cập đến khía cạnh giải trí của chương trình này. “Khi thị trường có nhiều lựa chọn giải trí mùa Tết, chúng tôi may mắn và tự hào khi người dùng vẫn tin yêu chọn Lắc Xì như một chương trình mang lại niềm vui dịp năm mới”, ông Diệp nói. Điều này cho thấy nền tảng này đang nhấn mạnh đến yếu tố giải trí và trải nghiệm người dùng trên ứng dụng, ít nhất khi nói về sự kiện này.

Trong các phát biểu trước đây, lãnh đạo MoMo cho hay nền tảng này thêm các yếu tố giải trí vào ứng dụng nhằm giữ chân người dùng, khiến họ sử dụng ứng dụng mỗi ngày.

Sở hữu khoảng 31 triệu người dùng nhưng thu hút được gần một nửa (12 triệu người) tham gia trong một chương trình giải trí là điều không hề dễ dàng. Bên cạnh việc xây dựng trò chơi sao cho hấp dẫn, ví điện tử này đã phải đầu tư tài chính không nhỏ thông qua các giải thưởng tiền mặt và phiếu mua hàng.

{keywords}
Xây dựng các tính năng giải trí, trò chơi trên ứng dụng là một cách để giữ chân người dùng.

Trên bề nổi, Lắc Xì là một trò chơi giải trí. Song dễ thấy những người đứng sau dự án này phải nghĩ hết cách để thúc đẩy người dùng sử dụng tính năng cơ bản nhất của ví: Giao dịch tiền. Theo đó, hơn 270 triệu thẻ quà tặng và bao lì xì tiền mặt đã được gửi tới ví người dùng để họ quy đổi tại các điểm bán. Ngoài ra, rất nhiều người đã dùng tính năng chuyển tiền lì xì hay trò chơi giật lì xì trong dịp này.

Khác với các năm trước, Lắc Xì 2022 cho người chơi tham gia các trò chơi để thu thập kẹo, rồi dùng kẹo chủ động đổi các thẻ quà mình yêu thích. Từ đó, góp phần giảm tình trạng người cần thì không có thẻ quà, người có thẻ lại không có nhu cầu. Các thẻ quà được tối ưu hóa dựa trên nắm bắt sở thích, nhu cầu cá nhân của từng người trên cơ sở ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) của MoMo.

Ngoài yếu tố trò chơi hấp dẫn, quà tặng được cá nhân hoá, bản thân các đối tác tham gia chương trình phải có tên tuổi để thu hút người chơi lấy quà từ thương hiệu đó. Như vậy, thông qua một trò chơi đơn thuần vui vẻ dịp Tết, công ty fintech Việt đã làm được nhiều điều: Thu hút và giữ chân người dùng, lôi kéo đối tác tham gia, xây dựng thói quen không dùng tiền mặt. Như cách ông Nguyễn Bá Diệp nói là “để tạo nên và củng cố hệ sinh thái siêu ứng dụng MoMo trong tương lai”.

Trên thực tế, xu hướng thêm các yếu tố giải trí vào ứng dụng để giữ chân người dùng không còn mới. MoMo đã triển khai Lắc Xì từ năm 2019, trước đó đã có vài trò chơi quy mô nhỏ. Còn trong lĩnh vực thương mại điện tử, nhiều nền tảng hàng đầu khu vực và thế giới đã áp dụng vài năm nay.

MoMo dùng thuật ngữ gamification – thêm trò chơi vào những nền tảng thông thường để thu hút người dùng, trong khi các nền tảng thương mại điện tử đã quen với từ “shoppertainment” – mua sắm kết hợp giải trí.

Các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu khu vực như Shopee và Lazada tiên phong trong việc tổ chức các buổi ca nhạc trên ứng dụng, tạo ra các kho game giải trí, kết hợp với livestream bán hàng. Thậm chí, các nền tảng này đang đi theo hướng mạng xã hội để thu hút người dùng nhiều hơn. Trước xu thế này, Tiki cũng đã nhảy vào tham gia.

Cũng như MoMo hiểu rằng phải thêm trò chơi để người dùng sử dụng ví của họ nhiều hơn, các nền tảng thương mại điện tử hiểu rằng không có ai ngày nào cũng mở ứng dụng ra để mua sắm, do đó tất cả nền tảng đều phải nghĩ cách giữ chân người dùng bằng các hình thức giải trí khác. Chắc chắn khi đã gắn kết với ứng dụng, việc phát sinh giao dịch sẽ đến sau đó.

Theo Lazada, việc kết hợp mua sắm với giải trí giúp các nền tảng chiếm được cảm tình của khách hàng. Nhờ chiến lược này, người tiêu dùng bắt đầu xem ứng dụng như một điểm đến tích hợp, nơi họ có thể xem livestream, giao lưu với những người nổi tiếng, chơi trò chơi, đồng thời săn các ưu đãi và mua sắm. Chiến lược shoppertainment càng phát huy hiệu quả và trở nên nổi bật hơn trong bối cảnh giãn cách xã hội, khi tất cả mọi người đều buộc phải ở nhà.

Trong lễ hội mua sắm 9.9, tổng doanh thu thông qua LazLive – kênh livstream của Lazada tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2020, đạt mức doanh thu kỷ lục 700 triệu đồng chỉ trong vòng 2 giờ. So với trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam, doanh số hằng ngày ghi nhận từ những buổi phát trực tiếp livestream tăng gấp 5 lần; lượng người mua trung bình mỗi ngày thông qua buổi phát trực tiếp livestream tăng hơn 120%; và số lượt xem livestream trung bình mỗi ngày tăng gấp 2 lần. 

Riêng trên Shopee trong đợt mua sắm 11.11 tại Việt Nam, có hơn 2,8 triệu giờ xem Shopee Live. Trong các chương trình trực tiếp này, các nhà bán hàng, nhóm nhạc, người nổi tiếng đã dùng sự sáng tạo của họ để thu hút người xem. Ngoài ra, hơn 830 triệu lượt chơi đã được ghi nhận qua một trò chơi do sàn thương mại điện tử này tổ chức.

Theo khảo sát của TikTok trên toàn khu vực Đông Nam Á, cứ 3 người thì có 1 người muốn việc mua sắm trở nên thú vị và giải trí hơn. Ông Ng Chew Wee, Giám đốc Tiếp thị Kinh doanh TikTok, khu vực Đông Nam Á, đánh giá shoppertainment đang lên ngôi. Ông cho rằng nhu cầu của người dùng hiện nay không chỉ dừng lại ở việc mua hàng mà còn muốn được giải trí khi đi mua sắm. Trước xu hướng này, thay vì người tiêu dùng chủ động tìm kiếm sản phẩm phù hợp nhu cầu như trước, giờ đây, các sản phẩm này sẽ tự tìm đến người tiêu dùng.

Hải Đăng

Thương mại điện tử tiếp tục ghi dấu ấn tại Việt Nam và khu vực

Thương mại điện tử tiếp tục ghi dấu ấn tại Việt Nam và khu vực

Trong những thương hiệu được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2021, các sàn thương mại điện tử xuất hiện đều đặn tại mọi quốc gia khu vực Đông Nam Á.