Tờ SCMP đưa tin, ngày 21/2 vừa qua, một nhân viên ở độ tuổi cuối 20 của ByteDance – công ty mẹ của TikTok, đã đột ngột qua đời. Theo hai bản ghi chép nội bộ, nhân viên xấu số này đã gục xuống sau khi luyện tập tại phòng gym của công ty.

Theo ghi chép, nam nhân viên họ Wu bắt đầu cảm thấy chóng mặt vào lúc 7 giờ tối ngày 21/2 sau một buổi tập gym kéo dài 1 giờ. Anh nói với một huấn luyện viên tại phòng tập rằng có thể mình đang có triệu chứng của tụt đường huyết. Vì thế, huấn luyện viên đưa cho anh một cốc nước ngọt. Nhưng chỉ một lúc sau, hai nhân viên có chứng chỉ sơ cứu đã được gọi đến để giúp đỡ Wu. Anh được đưa đến bệnh viện trong vòng nửa giờ.

Một bản ghi chép khác của ByteDance cho biết Wu đã qua đời lúc gần 2 giờ chiều ngày 23/2, 41 giờ sau khi nhập viện cấp cứu.

ByteDance – kỳ lân công nghệ có giá trị nhất tại Trung Quốc, sau đó đã xác nhận thông tin trên nhưng không cung cấp thêm bất cứ chi tiết nào. Việc nguyên nhân cái chết của nhân viên trẻ tuổi này không được tiết lộ một lần nữa làm dấy lên lo ngại về những áp lực khủng khiếp mà nhân viên công nghệ phải đối mặt ở Trung Quốc.

[Bài lên luôn] Một nhân viên ‘gục’ tại phòng gym của ByteDance và không bao giờ tỉnh lại: Dân mạng Trung Quốc sôi sục về áp lực khủng khiếp mà những người xấu số phải chịu - Ảnh 1.
 

SCMP cho biết hồ sơ của Wu trên Feishu – phần mềm quản lý văn phòng của ByteDance, đã bị thay đổi bởi một người dùng tự nhận là vợ của Wu. "Wu đã ra đi mãi mãi", người này viết trên hồ sơ.

Vụ việc đã nhanh chóng làm nổ ra các cuộc thảo luận trên nhiều mạng xã hội ở Trung Quốc về áp lực làm việc tại Big Tech. Một lần nữa, "996" lại được nhắc đến. Đây là chế độ làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày mỗi tuần và được không ít công ty công nghệ Trung Quốc áp dụng.

Sự ra đi của Wu đã trở thành chủ đề thịnh hành thứ 12 trên Weibo vào sáng 23/2.

Cái chết của Wu diễn ra chỉ vài tuần sau cái chết đột ngột của một người kiểm duyệt nội dung 25 tuổi của nền tảng Bilibili. Công ty này cho biết cái chết của nhân viên đó không phải do làm việc quá sức và trong tuần trước đó, người này đã làm việc theo giờ giấc bình thường.

Cuối năm ngoái, cái chết đột ngột của một lập trình viên trẻ làm việc tại gã khổng lồ Internet Trung Quốc - Tencent Holdings, đã gây ra một làn sóng chấn động trong toàn ngành. Nhân viên xấu số này vốn được coi là "thiên tài" và là một trong những niềm hy vọng lớn nhất của Trung Quốc trong việc tại ra các trò chơi điện tử đẳng cấp thế giới.

Theo một báo cáo năm 2020 của Trung tâm quốc gia về bệnh tim mạch của Trung Quốc, một số nhân viên trong lĩnh vực công nghệ đột tử do ngừng tim. Đây cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu tại đất nước tỷ dân. Đột tử do ngừng tim gây ra khoảng nửa triệu ca tử vong mỗi năm ở nước này, trung bình 1.500 ca tử vong mỗi ngày ở tất cả các nhóm tuổi.

Các vấn đề sức khỏe tại Big Tech của Trung Quốc đã được công chúng quan tâm ngày càng sâu sắc trong những năm gần đây. Trong đó, chế độ "996" đã liên tục trở thành tâm điểm chỉ trích.

Gần đây, một công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc đã công bố các biện pháp cắt giảm thời gian làm thêm giờ cho nhân viên. Năm ngoái, ByteDance và đối thủ Kuaishou cho biết họ đã kết thúc chế độ yêu cầu nhân viên làm việc 6 ngày/tuần cứ mỗi 2 tuần.

(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị, SCMP)

Bắc Kinh yêu cầu Big Tech bảo vệ shipper, tài xế công nghệ tốt hơn

Bắc Kinh yêu cầu Big Tech bảo vệ shipper, tài xế công nghệ tốt hơn

Quan chức chính phủ Trung Quốc đã gặp 11 nền tảng Internet lớn của nước này, yêu cầu họ làm nhiều điều hơn để giúp đỡ những nhân viên giao hàng (shipper), tài xế công nghệ.