50% số đơn hàng trên thương mại điện tử (TMĐT) được cho là mua mà không có dự tính trước, theo một báo cáo mới của Lazada thực hiện trên 6 quốc gia Đông Nam Á.

Báo cáo nhấn mạnh vai trò của công cụ tìm kiếm của sàn TMĐT và các đề xuất món hàng liên quan khi người dùng tìm kiếm sản phẩm trên sàn.

Số liệu cho thấy 57% người mua hàng trong khu vực được ghi nhận là có xu hướng tìm kiếm sản phẩm trực tiếp trên các sàn TMĐT. Trong khi đó, khi so sánh giữa các phương thức tìm kiếm khác, lần lượt có 50% và 40% người mua hàng tìm kiếm sản phẩm thông qua mạng xã hội và Google.

{keywords}
Giá trị đơn hàng TMĐT giảm so với 2 năm trước nhưng vẫn duy trì tần suất cao. (Ảnh: Lazada)

Ông James Dong, Tổng Giám đốc tập đoàn Lazada cho rằng các sàn TMĐT đã vượt qua các nền tảng mạng xã hội và công cụ tìm kiếm để trở thành kênh khám phá sản phẩm của người tiêu dùng. Điều này nhấn mạnh vai trò của các kênh mua sắm online khi người dùng cần tham khảo mua hàng.

Khi tìm kiếm được sản phẩm phù hợp, hầu hết người dùng đều bỏ hàng vào giỏ. Thêm vào đó, những công cụ gợi ý sản phẩm liên quan cũng khiến người dùng mua sắm nhiều hơn. Cụ thể, có đến  94% người dùng thực sự mua những sản phẩm mà họ tìm được. Có 71% người dùng đã mua các sản phẩm từ tính năng “gợi ý mua sắm”.

Báo cáo này khảo sát 38.138 người dùng TMĐT ở mọi lứa tuổi, giới tính và mọi mức thu nhập tại 6 quốc gia trong khu vực, bao gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Ngành TMĐT ở Đông Nam Á đã tăng trưởng vượt bậc từ năm 2019 đến năm 2021 do lượng người mua hàng gia tăng kỷ lục trong thời kỳ đại dịch. Theo ông James Chang, Giám đốc kinh doanh tập đoàn Lazada, ngay cả khi người tiêu dùng quay trở lại lối sống thường nhật sau đại dịch, họ vẫn sẽ duy trì thói quen mua hàng trực tuyến, cứ 10 người thì sẽ có 8 người tiếp tục mua sắm online vì sự thoải mái và tiện lợi, mặc dù mức chi tiêu trung bình mỗi khách hàng thấp hơn so với 2 năm trước.

Để giữ chân khách hàng, khảo sát cho thấy các nền tảng phải cung cấp được sự đa dạng về hàng hóa, giá cả cạnh tranh, nhiều tiện ích gia tăng, cũng như việc cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm của khách hàng.

Hải Đăng

Doanh nghiệp vận chuyển tìm cách gỡ rối cho đơn hàng thương mại điện tử

Doanh nghiệp vận chuyển tìm cách gỡ rối cho đơn hàng thương mại điện tử

Nhằm nâng cao hiệu quả mua sắm trực tuyến, đơn vị logistics tung ra dịch vụ giải đáp các thắc mắc về đơn hàng nhanh nhất có thể.