Người dân ở 50 tỉnh thành có thể đến làm thủ tục hành chính tại các điểm bưu điện. Ảnh Infonet.

Theo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, sau 2 năm triển khai việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua Bưu điện, hiện 63 Bưu điện  tỉnh, thành phố đã chính thực hiện dịch vụ này. Gần 50 địa phương thực hiện kết nối công nghệ thông tin với Bưu điện để triển khai dịch vụ. Năm 2018, có trên 12.000.000 lượt hồ sơ được tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua Bưu điện, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2017. Nhiều thủ tục trước kia người dân rất mệt mỏi vì phải đi lại, chờ đợi thì nay đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều, bởi việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được triển khai tại gần 1.600 Bưu điện Văn hóa xã.

Bên cạnh việc đẩy mạnh thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại nhà, một trong những điểm nổi bật trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính trong thời gian qua là sự vào cuộc quyết liệt của Bưu điện trong việc triển khai Nghị định 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Thông qua việc triển khai thí điểm đưa bộ phận Một cửa các cấp về đặt tại trụ sở của Bưu điện tại một số địa phương. Theo đó UBND các cấp không phải bố trí kinh phí để xây dựng trụ sở, cở sở hạ tầng… đặc biệt là không phải bỏ chi phí thường  xuyên để duy trì, sửa chữa, bảo dưỡng trụ sở, trang thiết bị.

Ngoài ra, khi đưa bộ phận Một cửa về đặt tại Bưu điện, nhân viên Bưu điện cũng sẽ phối hợp với cán bộ công chức, viên chức tại quầy để thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. UBND các cấp chỉ phải bố trí một số lượng công chức, viên chức hợp lý chịu trách nhiệm quản lý và hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc tiếp nhận hồ sơ. Điều này không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu triển khai Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, mà còn giúp cơ quan hành chính các cấp giảm tải được công việc để tập trung cho chuyên môn, sắp lao động, tin giản biên chế.

Nếu như trước đây, người dân và các tổ chức, doanh nghiệp khi giải quyết thủ tục giấy tờ phải đến trực tiếp các cơ quan hành chính nhà nước thì nay chỉ cần tới Bưu điện là có thể giải quyết được rất nhiều thủ tục thiết yếu như: cấp đổi giấy phép lái xe, cấp lý lịch tư pháp, trích lục bản sao giấy tờ hộ tịch, cấp phép bán lẻ sản phẩm rượu, thuốc lá, cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm…