Postmart, Vỏ Sò sẽ tiêu thụ khoảng 6.000 tấn cam Cao Phong

Những ngày đầu tháng 10, dù chưa bắt đầu vào chính vụ thu hoạch nhưng tại các vườn cam trên địa bàn huyện Cao Phong tỉnh Hòa Bình, nhiều hộ nông dân đã tất bật làm quen với phương thức tiêu thụ mới, bán online qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT).

So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến qua các các sàn TMĐT không những mở thêm cơ hội mới cho các hộ nông dân Cao Phong, Hòa bình có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp các miền đất nước; mà còn hỗ trợ tiêu thụ, tránh bị thương lái ép giá trong giai đoạn dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Năm nay, huyện Cao Phong, Hòa Bình có gần 2.000 ha cam, đa số đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, với tổng sản lượng dự kiến cả vụ đạt gần 20.000 tấn.

Ngay từ tháng 8, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình lên kế hoạch tiêu thụ cam Cao Phong, với tổng sản lượng dự kiến khoảng 6.000 tấn.

Mục tiêu hướng đến của các đơn vị trong mùa cam Cao Phong năm nay là quảng bá, hỗ trợ mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, tiêu thụ nông sản trên kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số. Đồng thời, thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi vào cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản.

{keywords}
Nhân viên Viettel Post hỗ trợ nông dân huyện Cao Phong, Hòa Bình thu hoạch cam.

Theo ông Trần Trung Kiên, Giám đốc sàn TMĐT Vỏ Sò, cam là một loại trái cây dễ bảo quản và vận chuyển. Nếu làm đúng quy cách, cam Cao Phong có thể giữ được độ tươi trong khoảng 1 tuần, giúp cho việc vận chuyển và tiêu thụ trên toàn quốc.

Thậm chí, việc xuất khẩu cam Cao Phong ra nước ngoài cũng hoàn toàn khả thi. Với kinh nghiệm đã triển khai xuất khẩu “thương mại điện tử xuyên biên giới” vải thiều vào tháng 6 vừa qua, Viettel Post đang xúc tiến để đưa cam Cao Phong lên gian hàng Vỏ Sò Global, giúp cho bà con Việt Kiều nước ngoài có thể mua cam Cao Phong chính gốc. "Điều này vừa giúp các hộ sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình có một đầu ra mới, vừa nâng tầm giá trị nông sản Việt trên thị trường quốc tế”, ông Trần Trung Kiên cho hay.

Hiện nay, sàn Vỏ Sò cung đang tiếp xúc, hợp tác với các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Thông qua các hợp tác xã, Vỏ Sò có thể đưa các hộ trồng cam lên sàn TMĐT, đồng thời đánh giá chất lượng cam cũng như quy trình trồng trọt, chăm sóc đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

“Nhờ việc kiểm tra chất lượng nông sản ngay từ khâu đầu vào nên sàn TMĐT Vỏ Sò có thể cam kết cung cấp những trái cam Cao Phong tươi ngon nhất khi vào mùa vụ”, đại diện Viettel Post chia sẻ thêm.

Ông Phan Trọng Lê, Trưởng ban nghiên cứu Phát triển và Thương hiệu của Vietnam Post cũng cho rằng, việc đưa những trái cam Cao Phong có chỉ dẫn địa lý, đảm bảo chất lượng cao lên sàn Postmart không đơn thuần chỉ là hỗ trợ các hộ nông dân tiêu thụ được nhiều sản phẩm hơn, nhanh hơn mà còn góp phần nâng cao vị thế, giá trị của loại trái cây quen thuộc này.

Vì thế, trong hơn 1 tháng trở lại đây, doanh nghiệp bưu chính này đã tiếp cận, đào tạo, hướng dẫn các hộ trồng cam Cao Phong thành thạo trong việc đưa sản phẩm lên sàn Postmart. Cùng với đó, đội ngũ nhân viên Bưu điện cũng đã tìm các giải pháp để tiêu thụ cam Cao Phong nhanh, có mức giá tốt cho cả hộ sản xuất lẫn người tiêu dùng, bao gồm cả xuất khẩu.

Bưu điện tỉnh Hòa Bình còn miễn phí toàn bộ các chi phí đăng ký, quản lý gian hàng trên sàn Postmart cho người trồng cam ở Cao Phong. Đồng thời, áp dụng nhiều chính sách ưu đãi về giá cước, đóng gói hàng hóa, quảng bá thương hiệu… để thúc đẩy sản lượng tiêu thụ và nâng cao giá trị nông sản cho các hộ sản xuất nông nghiệp trên sàn TMĐT.

Vận hành quy trình tiêu thụ riêng cho từng loại nông sản

Để chủ động tiêu thụ cam Cao Phong theo phương thức mới, thời gian qua, 2 doanh nghiệp bưu chính Vietnam Post và Viettel Post đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các hộ sản xuất nông nghiệp, để hướng dẫn toàn bộ quy trình từ khi thu hoạch đến tay người tiêu dùng.

Với đặc trưng của cam, sau khi được thu hoạch cần được cắt cuống vừa phải để không đâm vào những trái khác trong quá trình vận chuyển, nhưng cũng không cần cắt quá sâu vì có thể khiến trái cam bị bay nước, nhanh khô. Cam Cao Phong cũng phải được bảo quản trong các loại thùng giấy hoặc thùng nhựa có lỗ thông hơi nhằm đảm bảo độ tươi ngon trong thời gian vận chuyển.

Với hạ tầng logistics đã đầu tư, Vietnam Post đang nghiên cứu và vận hành riêng một quy trình tiêu thụ đối với từng loại nông sản, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của khách hàng TMĐT cũng như khẳng định vai trò của Postmart trong đại dịch, khi các hình thức kinh doanh truyền thống có phần hạn chế.

{keywords}
Vietnam Post đã đưa gần 100 nhà cung cấp với nhiều loại nông sản Hoà Bình lên sàn.

Trong điều kiện dịch bệnh “nóng” tại nhiều địa phương, đội ngũ nhân viên của 2 sàn Postmart và Vỏ Sò hiện vẫn thường xuyên hướng dẫn các hộ nông dân về những kỹ năng quảng bá sản phẩm, giới thiệu và bán hàng qua các kênh mạng xã hội, nền tảng livestream. Qua đó, giúp bà con có thể chủ động hơn nữa trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mở thêm đầu ra mới bền vững cho cam Cao Phong.

Không chỉ đưa các hộ trồng cam Cao Phong lên sàn Postmart, hiện Vietnam Post còn hỗ trợ đưa gần 100 nhà cung cấp với nhiều loại đặc sản, nông sản đặc trưng của tỉnh Hoà Bình tại địa chỉ hoabinh.postmart.vn. Nhờ đó, người tiêu dùng cả nước có cơ hội tiếp cận với nhiều loại đặc sản chất lượng cao của Hòa Bình.

Hiện sàn Vỏ Sò cũng đã có landing page dành riêng cho cam Cao Phong tại địa chỉ voso.vn/cam-cao-phong. Khi người tiêu dùng truy cập và mua sản phẩm trên trang này sẽ nhận các ưu đãi từ sàn TMĐT này như voucher 1.000 đồng/kg cam, đồng giá vận chuyển... và được Viettel Post giao hàng đến tận tay trong thời gian sớm nhất có thể.

Đại diện Vietnam Post, Viettel Post tin tưởng rằng, với thành công bước đầu, tới đây sẽ có thêm hàng ngàn hộ nông dân Hoà Bình mở gian hàng số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số tại địa phương.

Vân Anh 

Doanh nghiệp TMĐT trong nước đang “vẽ” bản đồ nông sản, đặc sản Việt

Doanh nghiệp TMĐT trong nước đang “vẽ” bản đồ nông sản, đặc sản Việt

Từ kết quả tích cực của tình hình tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử nội, các chuyên gia nhận định, bản đồ nông sản đặc sản, bách hóa Việt Nam trên các sàn đã và đang được tô vẽ bởi các doanh nghiệp nước nhà.