Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, công nghệ số sẽ sinh ra những mô hình kinh doanh mới, thách thức mới hoặc thay thế mô hình kinh doanh cũ.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, công nghệ số sẽ sinh ra những mô hình kinh doanh mới, thách thức mới hoặc thay thế mô hình kinh doanh cũ. Thí dụ, Uber đang thách thức taxi. Fintech thách thức ngân hàng truyền thống. Cho phép tài khoản viễn thông di động thanh toán mua hàng hoá sẽ giải quyết bài toán thanh toán không dùng tiền mặt đến 100% người dân, nhưng lại thách thức ngân hàng. Vấn đề của Chính phủ là có dám chấp nhận các mô hình kinh doanh mới này hay không. Nếu dám chấp nhận nhưng lại là người sau cùng chấp nhận thì cũng không có giá trị nhiều.

Số hoá nền kinh tế là một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Đầu tiên phải là chấp nhận các mô hình kinh doanh mới, chấp nhận những công nghệ mới làm thay đổi căn bản các ngành, gọi là X-Tech, như Fintech, EduTech, AgriTech... thường là sự sáng tạo mang tính phá huỷ cái cũ. Chúng ta chấp nhận cái mới thì công nghệ mới của thế giới sẽ về, người tài trên toàn cầu sẽ về và nền công nghiệp mới sẽ xuất hiện, cái nôi Việt Nam sẽ tạo ra các sản phẩm công nghệ số xuất khẩu được. Nhưng phải là sự chấp nhận sớm, sớm hơn người khác.

“Khi cuộc cách mạng số, CMCN 4.0 xảy ra thì tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Các nước như Việt Nam chúng ta có cơ hội bứt phá. Nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp, đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Liên quan đến việc cho phép dùng tài khoản viễn thông để thanh toán, mới đây ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT đã đề xuất với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ  cho phép VNPT triển khai dịch vụ MobiMoney. Ông Phạm Đức Long cho rằng, MobiMoney là xu hướng triển khai chung của thế giới, với tình hình triển khai dịch vụ tài chính số hiện nay thì MobiMoney là một giải pháp mới để hỗ trợ chuyển đổi số và là một trong những cấu phần quan trọng của Cách mạng công nghiệp 4.0 và nhà mạng sẽ chứng minh được vai trò quan trọng của mình khi triển khai dịch vụ MobiMoney.

Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019, Bộ TT&TT đề xuất với Chính phủ cho phép khách hàng chuyển tiền, mua sắm thông qua tài khoản viễn thông, để thanh toán các dịch vụ có giá trị nhỏ sẽ giúp thanh toán điện tử đến được mọi người dân, dù ở bất kỳ đâu, sẽ kích thích kinh tế tăng trưởng.

Bộ TT&TT cho rằng, tài khoản viễn thông đang dùng để thanh toán các dịch vụ viễn thông và các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền mạng viễn thông. Tài khoản viễn thông có vùng phủ xấp xỉ 100% dân số trong khi tài khoản ngân hàng chỉ có độ phủ 30-40%. Do đó, bằng cách này chúng ta có thể triển khai ngay thanh toán điện tử trên phạm vi cả nước, tránh được nguy cơ các đối tác nước ngoài vào Việt Nam chiếm lĩnh thanh toán điện tử. Chỉ cần Chính phủ cho phép thì chỉ ngay ngày hôm sau ngân hàng điện tử có thể phủ tới 100% dân.

Phát biểu tại Hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đồng ý cho sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán hàng hóa có giá trị nhỏ, ít nhất cho một doanh nghiệp viễn thông thí điểm phương thức này. Ngân hàng và hệ thống viễn thông cùng tham gia thanh toán điện tử nhỏ lẻ ở một số lĩnh vực.

"Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu ở Hội nghị ASEM rằng, 84% giao dịch ở Trung Quốc là qua thanh toán điện tử, nhưng Việt Nam thì ngược lại. Ông chủ Alibaba một năm kiếm vài chục tỷ USD nhờ sớm làm thanh toán điện tử. Do đó, Việt Nam phải nhanh chóng triển khai để tránh tiêu cực, nhất là triển khai về địa phương các vùng sâu vùng xa", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, Bộ TT&TT trình Chính phủ cho phép dùng tài khoản viễn thông thanh toán dịch vụ nội dung số, nhà mạng và công ty nội dung số nạp tiền chung tài khoản viễn thông, đây là điểm quan trọng được Nghị quyết 02 đề cập mạnh mẽ.