Ngày 17/2/2020, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tác động của tình hình dịch viêm phổi cấp do Virus Corona gây ra, cập nhật kịch bản tăng trưởng và các giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Trong kịch bản phát triển kinh tế trước dịch Covid-19, Thủ tướng nhấn mạnh đến vấn đề phải ứng dụng mạnh mẽ CNTT, thanh toán điện tử; cải cách thủ tục hành chính thực chất hơn để tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.

Trước đó, ngày 7/1/2020, Chính phủ vừa thúc giục việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ và thí điểm các mô hình dịch vụ thanh toán mới trong khi chưa có quy định của pháp luật để kịp thời bảo đảm công tác quản lý.

Trong kịch bản thúc đẩy kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra một số kiện nghị trong đó có việc cho thí điểm Mobile Money trong quí 1/2020.

“Nếu cấp phép dịch vụ Mobile Money cho các nhà mạng viễn thông thì vùng phủ dịch vụ thanh toán điện tử sẽ mau chóng đến 100% người dân. Điều này sẽ thúc đẩy thương mại điện tử, các sàn giao dịch hàng hoá nông nghiệp, nhất là vùng xa, thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy các công ty Fintech, các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp tăng trưởng kinh tế. Tất cả các quốc gia cho phép Mobile Money đều tạo ra tăng trưởng kinh tế tới 0,5%”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Theo thống kê hiện nay hơn 50% dân số Việt Nam chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, vì vậy Mobile Money góp phần cung ứng cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện thay vì phải trực tiếp đến các cơ sở của ngân hàng thực hiện giao dịch, từ đó góp phần làm tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ. Khách hàng chỉ cần thao tác trên điện thoại di động hoặc đến các đại lý, điểm giao dịch gần nhất và không bị giới hạn về thời gian, địa điểm giao dịch. Dịch vụ Mobile Money khi được cung cấp sẽ góp phần thay đổi dần thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người dân vẫn còn khá phổ biến hiện nay. Ngay sau khi các doanh nghiệp viễn thông được Ngân hàng nhà nước cấp phép cung cấp dịch vụ Mobile Money, chỉ sau một đêm, 100% các thuê bao di động của Việt Nam có thể tham gia thanh toán điện tử một cách thuận lợi theo phương thức mới. 

Ông Trần Duy Hải, Phó cục trưởng Cục Viễn thông Bộ TT&TT cho biết, Mobile Money sẽ giúp thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển tài chính toàn diện đến những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là những khu vực mà hệ thống tài chính, ngân hàng chưa phát triển, người dân chưa hoặc không có khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng; tận dụng hạ tầng viễn thông, do đó, giúp giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng các dịch vụ ngân hàng truyền thống, qua đó góp phần nâng mức sống người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đối với các doanh nghiệp viễn thông sẽ tận dụng được mạng lưới viễn thông, các điểm giao dịch rộng khắp cả nước để phát triển và đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, dịch vụ và đối tượng khách hàng ngoài các dịch vụ viễn thông truyền thống. Do vậy, doanh nghiệp viễn thông có thể mở rộng dư địa để tăng doanh thu và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Cho đến thời điểm này, cả nhà nhà mạng lớn là Viettel, VNPT và MobiFone đều đã chính thức đề xuất Chính phủ sớm có chính sách cho doanh nghiệp viễn thông tham gia vào thanh toán điện tử Mobile Money. Mobile Money - hình thức sử dụng tài khoản di động để thanh toán là hết sức khả thi trong giai đoạn hiện nay với tỉ lệ người dân đều sở hữu điện thoại di động cao đến hơn 90%. Phát triển thanh toán qua di động có thể sẽ là một cú huých cho sự phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam. Mobile Money là một giải pháp mới để hỗ trợ chuyển đổi số và là một trong những phần quan trọng của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo đại diện của Viettel Telecom, việc sử dụng tài khoản thuê bao di động để tiêu dùng giá trị nhỏ được áp dụng rộng rãi tại nhiều nước như Nhật Bản, Singapore và các nước thuộc liên minh châu Âu. Trong đó, việc ứng dụng tập trung ở các loại giao dịch như: Thanh toán trên các trang thương mại điện tử, nạp tiền vào ví điện tử, thanh toán phí dịch vụ giao thông công cộng, phí đỗ xe tại nhiều nước châu Âu, nhiều loại hình giao dịch có giá trị nhỏ như dịch vụ truyền hình, thẻ quà tặng, thanh toán tại các cửa hàng bán lẻ, thanh toán các dịch vụ nội dung số như Game, chợ ứng dụng. Tại các nước giao dịch sử dụng tài khoản thuê bao di động cao gấp 5 lần sử dụng tài khoản ngân hàng.

 Bình luận về chính sách cho Mobile Money, ông Phùng Anh Tuấn, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đưa ra nhận định, nếu muốn theo cuộc chơi trên thế giới thì chúng ta không thể nằm ngoài xu hướng toàn cầu. Chúng ta phải bỏ chính sách “quản đến đâu thì mở đến đó” mới có thể phát triển được. Bài học từ Trung Quốc về vấn đề thanh toán điện tử vượt qua cả Châu Âu và Mỹ là minh chứng tốt cho việc triển khai thanh toán điện tử ở Việt Nam. Hãy để doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm. Vậy chúng ta cần phải đổi mới thể chế, có chính sách Sandbox để cắt ngắn thời gian và thủ tục chứ không thể có thêm những hạn chế mới cho doanh nghiệp tham gia vào thị trường này.