Tại Hội thảo về tiền di động với chủ đề: “Tiền điện tử trên thuê bao di động nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện” do Bộ TT&TT chủ trì tổ chức mới đây, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chia sẻ một số quan điểm của NHNN về những nguyên tắc quản lý tiền điện tử trên thuê bao di động (Mobile Money). Ông Dũng nhấn mạnh, đây là những nội dung NHNN đã trình Thủ tướng và Thủ tướng trả về yêu cầu gửi lấy ý kiến các bộ ngành liên quan, hiện các bộ ngành đã có ý kiến về dự thảo này.

Mobile Money là ví điện tử không kết nối với tài khoản ngân hàng

Theo ông Phạm Tiến Dũng, dịch vụ Mobile Money bản chất là dịch vụ Emoney như một số nước đang gọi, là ví điện tử nhưng không có tài khoản ngân hàng. Theo khái niệm ví điện tử được quy định tại các văn bản pháp luật của Việt Nam, nếu tách ví điện tử ra là tài khoản định danh điện tử lưu trữ giá trị tiền tệ tương ứng với số tiền khách hàng nạp vào, đó gọi là Mobile Money. Theo định nghĩa của một số nước Mobile Money  là Emoney, còn ở Việt Nam là ví điện tử không liên kết với tài khoản ngân hàng.

Pháp luật Việt Nam quy định ví điện tử phải kết nối với tài khoản ngân hàng, đây chính là sự khác biệt lớn nhất của Mobile Money và ví điện tử. Khi nói về ví điện tử thì phải có liên kết với tài khoản ngân hàng nên kho dữ liệu khách hàng, xác thực thông tin khách hàng do ngân hàng làm, việc định danh khách hàng cũng do ngân hàng làm. Còn với dịch vụ Mobile Money thì xác thực khách hàng là do công ty viễn thông phải làm. Đây chính là thách thức lớn nhất đối với các công ty viễn thông, yêu cầu của NHNN là kho dữ liệu khách hàng phải đúng, phải xác thực đúng khách hàng, phải có công cụ chống giả mạo tài khoản (như ngân hàng đang làm).

Nếu coi Mobile Money là tài khoản điện tử, định danh khách hàng được thông qua thiết bị di động thì khi đó giả sử điện thoại bị mất, nhưng Emoney vẫn còn,  tiền trong tài khoản Mobile Money vẫn còn, tài khoản di động vẫn còn, không phải mất điện thoại là mất tất cả, tức là công ty viễn thông cung cấp dịch vụ cần có hệ thống CNTT lưu trữ thông tin về Mobile Money.

Tiền nạp vào ví Mobile Money phải theo “nguyên tắc 1-1”

Một trong những nguyên tắc quản lý dịch vụ ví điện tử Moibile Money mà NHNN đưa ra đó là: Tiền nạp vào ví Mobile Money phải theo nguyên tắc “1-1”, và NHNN cũng chưa đề cập tới việc thẻ cào điện thoại có được nạp tiền vào ví Mobile Money hay không.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, một trong những nguyên tắc quan trọng quản lý dịch vụ Mobile Money được NHNN thiết lập trong dự thảo đó là, Mobile Money không được làm phát sinh lượng tiền tệ. Cụ thể số tiền công ty viễn thông nhận của khách hàng phải tương ứng theo tỷ lệ 1-1, tức là nếu khách hàng đến đại lý nạp 100.000 đồng vào ví Mobile Money thì trong ví phải có 100.000 đồng, như vậy sẽ không có chuyện nếu người mua thẻ cào với giá khuyến mãi 90.000 đồng, khi nạp vào ví là có 100.000 đồng. Nguyên tắc là ví Mobile Money không bao giờ được làm phát sinh tiền tệ, các công ty viễn thông không được làm việc đó, cho nên các công ty viễn thông khi xây dựng mô hình kinh doanh phải cân nhắc khi cho phép người dùng nạp thẻ cào vào ví. Bản chất khi nạp tiền vào tài khoản Mobile Money  là tiền Việt Nam được thể hiện trên một phương tiện khác. Với nguyên tắc này, các công ty viễn thông phải cân nhắc mô hình kinh doanh làm sao bảo đảm “nguyên tắc 1-1”.

Hiện có nhiều ý kiến quan tâm đến việc người dùng có thể dùng thẻ cào để nạp tiền vào tài khoản Mobile Money được không. Ông Phạm Tiến Dũng cho rằng, đây là vấn đề còn nhiều tranh cãi.

Theo lãnh đạo Vụ Thanh toán, NHNN mới đề ra nguyên tắc là tiền vào tài khoản phải theo nguyên tắc 1-1, còn chưa bàn chuyện cho nạp thẻ cào được không. Các ví điện tử hiện nay đang được nạp tiền từ tài khoản ngân hàng, thông qua các chi nhánh ngân hàng. Còn sắp tới ví điện tử Mobile Money được nạp tiền từ đại lý của các công ty viễn thông. Từ đây phát sinh ra nhiều vấn đề như hạn mức của đại lý là bao nhiêu, phải phòng tránh các đại lý thu tiền không chuyển đi cho nhà mạng thế nào, phải quản lý thế nào để không biến đại lý thành điểm giao dịch tiền mặt cho các giao dịch bất hợp pháp. NHNN đồng ý với nguyên tắc Mobile Money được nạp rút tiền qua các đại lý, không phải qua ngân hàng, nhưng việc quản lý các đại lý cần được nhà mạng quan tâm.

“Bộ TT&TT và các nhà mạng cần hỏi các chuyên gia quốc tế, ví dụ các quy định điều kiện để được làm đại lý, quản lý luồng tiền các đại lý, rút tiền, quản lý tiền như thế nào, trước kia ví điện tử dựa vào hệ thống ngân hàng nên các quy định quản lý trung gian thanh toán không đề cập đến vấn đề quản lý các đại lý. Còn với các đơn vị triển khai Mobile Money đây là các vấn đề cần hết sức lưu ý”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ví Mobile Money có hạn mức giao dịch 10 triệu đồng/tháng

Về hạn mức giao dịch của ví điện tử, đại diện Vụ Thanh toán chia sẻ, theo kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế, ở các nước khác bình quân một ví Mobile Money giao dịch 206 USD/tháng. NHNN dự kiến quy định hạn mức giao dịch cho Mobile Money là 10 triệu VNĐ/tháng (khoảng hơn 400 USD/tháng). Bước đầu cho phép như thế, còn sau đó sẽ có điều chỉnh phù hợp khi thị trường phát triển.