Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện cơ chế quản lý mô hình thanh toán xuyên biên giới. Nguồn ảnh: Internet.

Theo Dự thảo này, quy định pháp lý hiện hành, thanh toán quốc tế phải tuân theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối hoặc các thỏa thuận quốc tế về thanh toán mà Việt Nam có tham gia. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ, phát sinh nhu cầu đẩy mạnh hợp tác các mô hình dịch vụ thanh toán mới cung cấp xuyên biên giới giữa tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hỗ trợ kết nối cho ngân hàng với các tổ chức thanh toán quốc tế, đòi hỏi pháp lý cần hoàn thiện và bổ sung để đáp ứng nhu cầu thực tiễn và nâng cao hiệu lực quản lý của cơ quan nhà nước.

Cũng theo Dự thảo của Ngân hàng Nhà nước, việc quy định một số nguyên tắc trong giao dịch thanh toán, chuyển tiền quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề bao gồm, đầu tiên là việc quy định rõ các mô hình kết nối giữa các chủ thể tham gia vào thanh toán quốc tế như: các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối kết nối với ngân hàng nước ngoài, tổ chức thanh toán quốc tế (tổ chức thẻ quốc tế, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian quốc tế, tổ chức chuyển tiền quốc tế,...).

Vấn đề thứ 2, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) nội địa trên cơ sở hạ tầng thanh toán điện tử hỗ trợ các ngân hàng được cung ứng ngoại hối kết nối với các tổ chức trung gian thanh toán quốc tế thực hiện các giao dịch thanh toán, chuyển tiền quốc tế. Việc bổ sung rõ ràng các quy định về thanh toán quốc tế giúp cho các chủ thể trong và ngoài nước tuân thủ các quy định, ràng buộc của pháp luật hiện hành.

Vấn đề cuối cùng là việc quy định một số nguyên tắc khi thực hiện thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam giúp cho cơ quan nhà nước trong việc quản lý các dịch vụ xuyên biên giới, có thể thu thập thông tin để kiểm soát doanh thu, lợi nhuận để quản lý thuế.

Ngoài ra, an ninh thanh toán, an ninh thông tin cũng là các vấn đề lớn cần phải được xem xét để bổ sung các quy định nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật do hiện nay các khâu xử lý chính do nước ngoài cung ứng xuyên biên giới vào Việt Nam, dữ liệu người dùng, giao dịch được xử lý, lưu trữ bởi chính các tổ chức nước ngoài.

Do đó, cần thiết phải có quy định để quản lý các hoạt động thanh toán điện tử đối với việc cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo tìm hiểu của ICTnews, trên thực tế, dù Google và Apple chưa đăng ký mở văn phòng đại diện hay thành lập doanh nghiệp để hoạt động tại Việt Nam, nhưng hiện nay trên hai cổng thanh toán Google Play và App Store đã cho phép người sử dụng dịch vụ nội dung số Việt Nam thanh toán trực tiếp trên hai ứng dụng này. Cụ thể, App Store cho phép người dùng Việt Nam thanh toán bằng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ. Còn Google Play thì ngoài việc sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ người dùng Việt Nam còn có thể lựa chọn để thanh toán qua các ví điện tử của MoMo, VTC Pay, hoặc thanh toán trực tiếp từ tài khoản gốc của 4 nhà mạng di động.

Việc cho phép thanh toán dịch vụ nội dung số thuận tiện trên App Store và Goolge Play có thể tạo sự trong khâu thanh toán tạo thuận lợi cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ nội dung số. Việc không kiểm soát thanh toán không biên giới sẽ có nguy cơ để lọt những dịch vụ, ngành nghề kinh doanh được Nhà nước quy định phải được cấp phép, hoặc những dịch vụ bị cấm kinh doanh theo pháp luật Việt Nam vẫn được cung cấp xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước rất cần phải ban hành quy định về quản lý dịch vụ thanh toán xuyên biên giới để đảm bảo bình đẳng trong tuân thủ pháp luật Việt Nam của các doanh nghiệp trong nước, ngoài nước cùng tham gia thị trường.