Thiếu nhân sự chất lượng cao trong ngành CNTT

Theo ông Trần Trung Hiếu, Nhà sáng lập và điều hành TopCV, có một thực tế đó là các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn khi tuyển dụng nhân sự, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao.

“Mỗi năm có nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT, nhưng số lượng phù hợp và có năng lực làm việc thực sự trong doanh nghiệp công nghệ còn rất ít”. Ông Hiếu lý giải, năng lực chuyên môn và khả năng thực thi mới là những yếu tố quan trọng đối với nhân sự ngành CNTT, chứ không phải bằng cấp.

“Ở Việt Nam, quá trình đào tạo của các trường đại học chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trong ngành, dẫn đến sự thiếu hụt về nhân sự chất lượng cao”, ông Hiếu nói thêm.

{keywords}
Doanh nghiệp khó tuyển dụng các nhân sự CNTT có chất lượng. Ảnh minh họa

Cùng ý kiến, ông Đỗ Ngọc Hoàng, Giám đốc Học viện FPT Software còn cho biết thêm, chất lượng đào tạo của các trường đại học hiện nay không đồng đều. Thực tế cho thấy, trình độ ngoại ngữ, khả năng tự học, tự đọc tài liệu của sinh viên Việt Nam chưa tốt. Do đó, các doanh nghiệp phải tổ chức đào tạo lại nhiều kỹ năng để các lao động mới có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. "Mỗi năm, Học viện FPT Software tổ chức đào tạo 3.000-4.000 học viên, một số kỹ năng phải kéo dài trong nhiều tháng liên tục mới có thể đáp ứng được yêu cầu làm việc", ông Hoàng nói.

Cũng theo các chuyên gia, việc thiếu hụt nhân sự trong lĩnh vực CNTT còn do xu hướng làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khi xu hướng làm việc từ xa đang ngày càng trở nên quen thuộc hơn, nhiều doanh nghiệp tại Singapore, Mỹ, châu Âu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao Việt Nam. Các nhân sự này có thể làm việc tại Việt Nam và được trả lương như ở nước ngoài. “Đây là cơ hội cho các bạn trẻ nhưng là thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam khi cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế, khi mà toàn cầu hóa và chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh”, đại diện TopCV cho biết.

Tận dụng cơ hội vàng để vươn lên

Theo ông Vũ Duy Thức, Nhà sáng lập OhmniLabs, Việt Nam có nhiều cơ hội nếu đầu tư mạnh cho đào tạo nhân sự trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) ngay từ bây giờ.

Vị này cho biết, AI là công nghệ có thể sử dụng cho nhiều lĩnh vực, có khả năng tạo ra các dịch vụ làm thay đổi vị thế kinh doanh, tạo ra các sản phẩm mới, khác biệt để cạnh tranh.

“Cuộc đua AI đang diễn ra trên toàn cầu, nếu không có sự chuẩn bị chúng ta có thể sẽ lệ thuộc vào các quốc gia khác”, ông Thức nói.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay là số lượng kỹ sư AI tại Việt Nam còn vô cùng hạn chế. Nhà sáng lập OhmniLabs dẫn số liệu cho thấy, trong số 400.000 kỹ sư ở Việt Nam hiện nay, chỉ có khoảng 40.000 người có nhu cầu học về AI. Đáng kể là chỉ có 4.000 người có cơ hội tiếp cận và học AI. Tức là chỉ có khoảng 1% kỹ sư của Việt Nam có cơ hội học ngành này.

Đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.

Tại đây, Chính phủ đặt mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong CMCN 4.0. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Chiến lược này cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 là Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu khu vực ASEAN và nhóm 60 nước dẫn đầu thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; xây dựng được 5 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực; phát triển được 1 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao.

Hình thành được 2 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về AI; gia tăng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo về AI và tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực AI ở Việt Nam; nâng cấp, hình thành mới được 10 cơ sở nghiên cứu và đào tạo trọng điểm về AI.

Chiến lược còn đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cho giai đoạn đến năm 2030 như: Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN.

Ông Vũ Duy Thức đánh giá, chiến lược này là kịp thời, nhưng cũng không quên nhấn mạnh: “Cơ hội này chỉ có khoảng chừng 2-3 năm. Chúng ta phải nhanh chóng bắt kịp, bởi sau thời gian này, các nước đã có các chính sách về AI sẽ đi rất xa, và nếu không tận dụng được thời gian này chúng ta sẽ tụt lùi”.

Duy Vũ

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã qua giai đoạn phát triển về số lượng

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã qua giai đoạn phát triển về số lượng

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam đã qua giai đoạn phát triển về số lượng và đang đi vào giai đoạn phát triển trọng yếu, cần sự đầu tư theo chiều sâu.