Cách đây vài năm, một số start-up công nghệ đã nhận ra thị trường thương mại điện tử rất cần có một hệ thống giao hàng nhanh, đảm bảo an toàn hàng hóa, giúp người nhận an tâm hơn khi mua hàng qua mạng. Một số start-up đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ để phát triển các ứng dụng giao hàng nhanh, giao hàng tức thời phục vụ cho các shop bán hàng online, cũng như trở thành một bộ phận trong chuỗi cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

Trước đây, ngành bưu chính, chuyển phát nhanh truyền thống cung cấp dịch vụ theo hướng  xây dựng hệ thống bưu cục thu gom hàng, hệ thống kho bãi, đội xe tải vận chuyển, đội chuyển phát xe máy, xe tải và đặc biệt là áp dụng mô hình điểm lấy hàng. CNTT cũng đã được ứng dụng vào bưu chính truyền thống từ rất sớm nhưng cũng chỉ để khách hàng theo dõi hành trình đơn hàng trên web cũng như gửi yêu cầu khiếu nại, thực tế khách hàng không được tham gia nhiều vào trong quy trình cung cấp dịch vụ, cũng như không theo dõi sát được đơn hàng của mình trên đường vận chuyển.

Nhưng đến nay, quy trình cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh đã thay đổi đáng kể khi CNTT được ứng dụng sâu hơn vào quy trình cung cấp dịch vụ phát hàng. Giao hàng nhanh (GHN), một trong những start-up đầu tiên sử dụng app trong quy trình cung cấp dịch vụ, thông qua việc xây dựng mạng lưới các điểm lấy hàng trong các cửa hàng tiện lợi như Shop & go, Circle K, Vinmart +.

Trên một app giao hàng nhanh được thiết kế để khách hàng có thể tự đăng nhập để gửi đơn hàng từ bất cứ địa điểm nào, tự tính được cước gửi, tự lựa chọn phương thức gửi hàng, lựa chọn địa điểm gửi hàng, sau khi tạo đơn hàng của mình sẽ có người của đơn vị chuyển phát nhanh tới tận địa chỉ nhận hàng, hoặc tự đem ra bưu cục gần nhất gửi.

Trong quá trình vận chuyển, khách hàng sẽ được app tự động cập nhật thời gian chuyển kho, đã đến kho hàng nào, thời gian phát. Khách hàng có thể tương tác với nhân viên nhận và phát hàng ngay trên app, tự gửi các yêu cầu như thay đổi địa chỉ, điện thoại của người nhận, giục giao hàng, có thể gọi điện hoặc nhắn tin trực tiếp cho nhân viên giao hàng mà không cần qua hệ thống tổng đài của nhà cung cấp dịch vụ giống như bưu chính truyền thống.

Với mô hình cung cấp dịch vụ giao hàng qua app, các công ty khởi nghiệp có thể nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động thông qua mạng lưới của các nhà bán lẻ mà không tốn quá nhiều tiền để xây dựng các bưu cục. Chính vì vậy, sau Giao hàng nhanh đến nay có hàng loạt các app giao hàng đã ra đời để cung cấp dịch vụ giao hàng, phục vụ chủ yếu cho thương mại điện tử như: Giao hàng tiết kiệm, ship nhanh, ship cực nhanh, Grab, Ahamove, Săn ship, Aber, Go Việt…

Với sự hỗ trợ mạnh mẽ về mặt công nghệ, các công ty này dường như vượt mặt các công ty bưu chính truyền thống tại các đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội, thời gian giao hàng được tối ưu hóa, như: đảm bảo thời gian giao hàng, giao hàng trong ngày, nhận hàng và giao ngay tức thời.

Sự phát triển mạnh các app giao hàng cũng khiến các hãng bưu chính truyền thống phải chuyển mình. Viettel Post từ tháng 6/2018 đã ra mắt ứng dụng Viettel Post. Từ đầu tháng 1/2019, Netco Post cũng đã chính thức ra app trên di động để giúp người dùng kết nối dịch vụ nhanh hơn.

Bên cạnh những app của các nhà cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh liên tỉnh, thì Grab Giao hàng và Ahamove là hai ứng dụng ship hàng nhanh trong nội thành Hà Nội và TP.HCM chiếm lĩnh thị phần rất lớn ở phân khúc giao hàng tức thời, giao hàng COD. Hai ứng dụng này kết nối tài xế và những nhà bán hàng, giao hàng ngay tức thời, dù chỉ 1 đơn. Hai ứng dụng này được sử dụng bởi những nhà bán hàng nhỏ lẻ như giao đồ ăn, bán hàng online trên mạng xã hội.

Khác với các doanh nghiệp cung cấp giao hàng nhanh như GHN, GHTK, Viettel Post, Netco Post vẫn dùng cách truyền thống, có kho bãi, giao hàng giữa các điểm qua các trạm trung chuyển, có tài sản vật lý, qua nhiều bước, phân loại, rồi đưa đi. Grab và Ahamove cung cấp dịch vụ theo mô hình đi giao ngay, không có tài sản kho bãi, phát huy điểm mạnh của mình là đội ngũ tài xế nhàn rỗi đông. Hiện trên hệ thống của Ahamove có tới 60.000 tài xế đăng ký, Grab cũng có đội ngũ tầm 80.000 tài xế.

Ông Trường Bomi, CEO Ahamove cho hay, Ahamove định vị nền tảng giao hàng cho các bên thương mại điện tử, các shop online. Từ đầu năm 2019 Ahamove chính thức trở thành đối tác của hai nhà thương mại điện tử lớn là Lazada, Sendo để giao những đơn hàng cần giao nhanh trong vòng 24h.

Ahamove định vị tập trung, chiến lược định vị là nền tảng cung cấp dịch vụ giao hàng cho các bên làm thương mại điện tử, những đối tác cần giao hàng, ship ra ngoài cửa hàng. Với đội ngũ tài xế khoảng 60.000 người có thể kết nối nhanh, trực tiếp với người nhận hàng khi các hãng như Lazada hay Sendo mà tăng quy mô bán hàng thì Ahamove sẵn sàng đáp ứng cho nhu cầu tăng trưởng của họ. Ngoài ra các app giao đồ ăn như Now hay Grabfood hay bất cứ bên nào muốn hợp tác Ahamove sẵn sàng cung cấp giải pháp giao hàng, tối ưu hóa nguồn cung và nguồn cầu của khách hàng.

Giải pháp giao hàng tức thời của Ahamove còn có thể kết hợp với các doanh nghiệp như giao hàng nhanh, bưu chính. Ví dụ, khi các nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh chuyển từ Sài gòn ra Hà Nội, khi đưa hàng về trung tâm chia chọn, tài xế Ahamove sẽ nhận hàng và đi giao trong nội thành.

 “Bất cứ đơn vị nào cần giao hàng nhanh trong nội thành Hà Nội và TP.HCM đều có thể trở thành đối tác của Ahamove được”, ông Trường Bomi cho hay.