Khi TP.HCM siết chặt hoạt động đi lại của nhiều đối tượng, việc mua sắm hàng thiết yếu của một bộ phận người dân gặp khó khăn. Tuy nhiên, vài ngày gần đây tình hình bắt đầu được cải thiện.

{keywords}
Một shipper mua hàng thiết yếu trong giai đoạn TP.HCM siết giãn cách. (Ảnh: Hải Đăng)

Chị Thanh My (Tân Phú) mấy hôm trước đặt hàng ở các siêu thị nhưng thường xuyên không được nhận đơn dù đã thử khá nhiều kênh. Nhưng đến hôm 30/8,chị đã mua hàng được từ siêu thị Co.op Mart gần nhà. 

Hiện nay để mua thực phẩm, người dân TP.HCM có tuỳ chọn đặt hàng qua ứng dụng như Grab, ShopeeFood, Baemin,... hoặc qua các kênh siêu thị. 

Ở kênh siêu thị, các hệ thống như Bách hoá Xanh, Co.op Mart, Vinmart+ đều lập Zalo cho từng cửa hàng để người dân tiện mua sắm.

Như chị Thanh My kết bạn với tài khoản Zalo của siêu thị Co.op Mart Hoà Bình (Tân Phú). Sau đó, chị vào trang web của hệ thống siêu thị, chọn hàng hoá ghi ra giấy và gửi ảnh cho siêu thị.

“Cách làm này khá thủ công, hơi bất tiện nhưng có còn hơn không”, chị My chia sẻ. Đặt hàng vào sáng 30/8, chị My nhận được hàng chiều hôm đó, một tốc độ khá nhanh trong giai đoạn này. Dù vậy, hôm 31/8 chị đặt tiếp thì 2/9 mới giao, tuỳ thời điểm. Hàng hoá không đủ so với đơn hàng chị My cần và phải thanh toán tiền mặt cho nhân viên giao hàng.

Bách hoá Xanh và VinMart+ thì lập các nhóm chat Zalo cho từng cửa hàng riêng lẻ. VinMart+ những ngày đầu đặt hàng bằng cách chat trực tiếp trong nhóm khá mất thời gian và khó quản lý, nay đã chuyển sang link đặt hàng chung cho cả hệ thống, vận hành trơn tru. Riêng Bách hoá Xanh cho khách điền vào biểu mẫu để mua nhu yếu phẩm.

Bằng cách lập hệ thống đặt hàng, VinMart+ sẽ cho biết siêu thị nào trong khu vực của khách đã hết nhận đơn để không cho khách đặt tiếp. Điều này giải quyết được việc rất nhiều người chat vào nhóm nhưng không được phản hồi, gây bức xúc trước đây.

VinMart+ cũng khuyến khích khách đặt đơn trên 300 ngàn đồng và chỉ phục vụ tối đa 2 lần/ngày cho một khách hàng.

Thực tế cho thấy, vẫn có tình trạng đơn hàng bị huỷ, đơn đã được xác nhận nhưng hàng hoá thiếu, vào thời điểm sáng sớm hàng hoá sẽ đa dạng hơn chiều tối.

Ngoài kênh siêu thị, người dân TP.HCM có thể đặt thực phẩm qua các ứng dụng gọi xe. Trước đây, shipper bị tạm dừng ở các quận vùng đỏ nhưng nay tất cả các địa bàn ở TP.HCM đều cho lực lượng này hoạt động nên việc đặt hàng “dễ thở” hơn.

Chị Bảo Vy (Phú Nhuận) cho biết vẫn đặt được hàng trong vài ngày gần đây, chỉ là thời gian chờ shipper nhận đơn lâu hơn ngày thường. Thông thường chị phải chờ khoảng 45 phút trở lên mới có người nhận.

Trong khi đó, chị Thanh My đặt shipper giao hàng ở Tân Phú trong hai ngày gần đây chưa thấy người nhận đơn. 

Nguyên nhân do tài xế được yêu cầu phải tiêm phòng ít nhất một mũi vắc xin, test nhanh âm tính từng ngày hoặc 3 ngày/lần khiến lực lượng shipper trong giai đoạn này chưa được đông đảo như trước.

Mặt khác, một số khu vực nhất định sẽ thiếu nhân viên giao hàng do họ ngại di chuyển vòng vèo (các hẻm bị chặn) hoặc qua quá nhiều chốt kiểm soát và chỉ được di chuyển nội quận,...

Ngoài hai kênh chủ yếu trên, người dân thành phố vẫn có kênh mua hàng đa dạng trên chợ online tự phát của các quận hoặc các chung cư.

Hải Đăng

TP.HCM: Thương mại điện tử giao hàng nhiều hơn, người dân mua gì?

TP.HCM: Thương mại điện tử giao hàng nhiều hơn, người dân mua gì?

Các sàn giao dịch trực tuyến bắt đầu giao hàng trở lại tại TP.HCM sau khi chính quyền nới lỏng các quy định với lực lượng shipper, người dân tập trung mua đồ thiết yếu và văn phòng phẩm.