Chị Trâm (Gò Vấp) có một nhóm chạy bộ 3 người thường hẹn nhau vào những sáng cuối tuần ở khu vực trung tâm thành phố. Thông thường, cả nhóm gọi xe ôm công nghệ đến Dinh Thống Nhất rồi bắt đầu tập luyện từ đó. Tuy nhiên, kể từ khi thành phố mở cửa trở lại từ 1/10 đến nay, cả 3 người đều gặp lúng túng vì không thể gọi xe 2 bánh của  Grab, be hay Gojek được.

“Vì tập trung vào sáng sớm nên chúng tôi chủ động gọi xe công nghệ để không phải loay hoay kiếm chỗ gửi. Tự đi xe vào giờ đó cũng khá nguy hiểm nên tôi chỉ thích đi xe ôm”, chị Trâm cho biết.

Cho đến hiện tại, dù một số điểm giữ xe ở khu vực trung tâm thành phố đã mở nhưng nhóm chạy bộ của chị Trâm vẫn chưa quay lại được nhịp tập trước đây.

{keywords}
Xe ôm công nghệ trên đường phố Sài Gòn giai đoạn trước giãn cách. (Ảnh: Hải Đăng)

Không có xe ôm truyền thống lẫn xe ôm công nghệ khiến rất nhiều người làm vào tình cảnh bí bách, chủ yếu là nữ giới không thường xuyên tự chạy xe, có người không biết lái xe. 

Như chị La Vy (Quận 7) không biết chạy xe máy, đang ở trọ cùng bạn bè nên gặp nhiều bất tiện khi có việc phải ra ngoài. Trước đây chị thường đón xe ôm công nghệ đi chơi, đi công chuyện. Hiện tại, chị phải nhờ bạn bè hoặc người yêu tới đón. Do ở quận 7 khá xa trung tâm nên có những cuộc hẹn buộc phải huỷ.

“Không thể nhờ bạn bè qua rước mình mãi được, vì vậy khi thành phố mở cửa ai cũng háo hức ra đường thì nhiều lúc mình phải ở nhà. Muốn “trầm cảm” luôn”, chị Vy đùa. Cũng may công ty chị Vy có xe đưa rước nhân viên nên việc đi làm không gặp bất tiện.

Những trường hợp nói trên chỉ gặp một số khó khăn không liên quan công việc, tuy nhiên vài người khác bị ảnh hưởng khá lớn khi dịch vụ xe ôm không được hoạt động.

Anh Thế Mỹ (thành phố Thủ Đức) bị tai nạn giao thông từ vài năm trước nên một bên chân bị yếu, không thể tự đi xe máy. Hàng ngày khi đi làm anh vẫn đặt xe công nghệ hoặc đi nhờ bạn bè. Nhưng trong suốt mùa dịch đến khi TP.HCM mở lại đến nay, anh gần như chôn chân hoàn toàn ở nhà.

“Có những lúc công việc buộc tôi phải ra ngoài nhưng giai đoạn dịch không có xe hoạt động, vì vậy một số đồng nghiệp phải cáng đáng thay tôi”, anh Mỹ cho biết.

Đến khi thành phố mở cửa trở lại, mặc dù cơ quan vẫn cho làm việc ở nhà nhưng nhiều lúc anh Mỹ cần đến văn phòng. Do đó, anh phải gọi dịch vụ taxi công nghệ thay vì xe hai bánh.

Hiện tại, từ thành phố Thủ Đức lên quận 1 anh Mỹ phải trả khoảng 350 ngàn đồng cho hai cuốc xe. Trước đây, anh chỉ mất khoảng 1/3 chi phí nếu di chuyển bằng dịch vụ xe 2 bánh.

Chị Ly Na (Phú Nhuận) cũng phải tốn kha khá chi phí cho xe taxi công nghệ. Trước đây chị hay đi làm, đi chơi bằng xe ôm; khi nào gặp khách hàng mới đi ô tô, nhưng giai đoạn hiện nay chỉ có lựa chọn duy nhất là xe 4 chỗ.

“Xe ô tô không mở máy lạnh, lại mở cửa sổ nên khá nóng nực. Chả khác gì đi xe ôm”, chị Na than phiền. Hiện nay, các xe taxi và taxi công nghệ muốn hoạt động phải bảo đảm nguyên tắc phòng dịch. Trong đó có yêu cầu hạn chế số lượng người trên xe và mở cửa thông thoáng.

Khá đông chị em khi được phóng viên ICTnews hỏi đều cho biết gặp nhiều bất tiện khi không được gọi xe ôm. Dù tự chạy xe máy đi làm hàng ngày nhưng khi cần đi tiệc, gặp bạn bè ở xa hoặc đến nơi không quen đường họ vẫn thường gọi xe 2 bánh cho yên tâm.

Chị An (Quận 12) trước đây mua nguyên gói thuê bao tháng của ứng dụng gọi xe để thoải mái di chuyển đi làm, đi chơi. Hiện tại không thể gọi xe công nghệ nên chị buộc phải tự mình chạy xe.

“Ngại nhất là đi tìm chỗ gửi xe hoặc khi đi chơi phải uống chút đồ uống có cồn thì không có ai chở về”, chị An chia sẻ.

Do dịch vụ xe hai bánh chưa mở cửa trở lại nên một số người trở thành xe ôm bất đắc dĩ cho người thân. Anh Hoà (Bình Thạnh) trước đây thường xuyên đặt xe cho người nhà khi họ có việc ra ngoài, nhưng trong tình hình hiện nay anh buộc phải tự chở người thân khi có việc cần thiết.

Do những bất tiện kể trên, nhiều người mong đợi dịch vụ gọi xe hai bánh sẽ được hoạt động trở lại trong điều kiện an toàn nhất có thể.

TP.HCM chính thức tạm ngưng dịch vụ xe ôm công nghệ và xe ôm truyền thông từ ngày 9/7, cùng thời điểm với việc áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn địa bàn. Sau hơn 3 tháng không được hoạt động, thành phố chưa có thông tin chính thức khi nào dịch vụ gọi xe 2 bánh được mở lại.

Hải Đăng

Tài xế công nghệ tại TP.HCM: Người nghỉ việc, người làm không xuể

Tài xế công nghệ tại TP.HCM: Người nghỉ việc, người làm không xuể

Ngày đầu tiên TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, một số tài xế công nghệ phải nghỉ chạy, trong khi một số khác nhận đơn tăng đột biến. Tuy nhiên, hầu hết đều thừa nhận đang gặp khó khăn.