Đầu tháng 2 năm 2015, Tạp chí Forbes Việt Nam lần đầu công bố Top “30 under 30” - danh sách 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật tại Việt Nam.

Các gương mặt lọt vào danh sách này thuộc thế hệ sinh từ năm 1985 trở đi, là những ngôi sao đang lên (tại thời điểm đó) trong nhiều lĩnh vực, từ kinh doanh, khởi nghiệp, truyền thông đến văn hóa, nghệ thuật, giải trí, thể thao, game…

Kể từ đó đến nay, nhiều gương mặt trong danh sách Forbes đã có những thanh đổi đáng kể trên hành trình sự nghiệp của mình.

Nguyễn Hà Đông

Nguyễn Hà Đông, JVevermind và những gương mặt lọt Forbes 30 under 30 năm đầu tiên giờ ra sao? - Ảnh 1.
 

Nguyễn Hà Đông tốt nghiệp kỹ sư Công nghệ thông tin chuyên ngành Hệ thống thông tin của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Năm 2014, Nguyễn Hà Đông là cái tên gây bão không chỉ trong nước mà cả trên thế giới. Thành công bất ngờ của trò chơi Flappy Bird giúp Nguyễn Hà Đông có mặt trong danh sách "10 triệu phú Internet đi lên từ con số 0" của tờ The Richest. Tuy nhiên, thành công này khiến chính bản thân Nguyễn Hà Đông thấy áp lực và khiến cuộc sống của anh bị xáo trộn. Anh chọn gỡ bỏ ứng dụng khỏi chợ mạng vào ngày 10/2/2014.

Dù vậy, với thành tích nổi bật, ngày 2/2/2015, Nguyễn Hà Đông được chọn là một trong 30 người có mặt trong danh sách "30 under 30'' của Forbes Việt Nam. Sau sự kiện này, anh dường như biến mất trên truyền thông, không ai biết anh ở đâu, làm gì.

Lần gần nhất nhất Nguyễn Hà Đông tái xuất là vào tháng 11/2019. Thời điểm đó, anh cho biết mình đang tự thành lập công ty riêng chuyên về game. Và công ty cũng chỉ có 2 người. Hà Đông tiết lộ anh cũng phát triển một sản phẩm game mới nhưng xác suất thành công như Flappy Bird chỉ là 0,1%.

JVevermind

Nguyễn Hà Đông, JVevermind và những gương mặt lọt Forbes 30 under 30 năm đầu tiên giờ ra sao? - Ảnh 2.
 

JVevermind tên thật là Trần Đức Việt, là thế hệ vlogger đầu tiên của Việt Nam, cùng thời với An Nguy, Toàn Shinoda, Huyme,… Chỉ sau một thời gian ngắn xuất hiện, kênh YouTube của anh đạt 121 triệu lượt xem và 1,6 triệu lượt theo dõi, khiến JVevermind trở thành một trong những YouTuber Việt Nam đầu tiên nhận nút vàng Youtube.

Sự nghiệp của anh lên tới đỉnh điểm khi JVevermind trở thành 1 trong 30 người có tên trong danh sách "30 under 30" năm đầu tiên do Forber Việt Nam bình chọn. Và ngay năm sau, 2016, anh chàng cũng lọt vào danh sách "30 under 30" Châu Á của Tạp chí Forbes trong lĩnh vực Truyền thông – Quảng cáo – Giải trí.

Chính trong lúc sự nghiệp đang lên đến đỉnh cao, JVevermind lại lựa chọn "lui về ở ẩn". Anh mất tích và ngưng hoàn toàn các hoạt động trên trang cá nhân, mạng xã hội cũng như YouTuber.

Sau đó, đến năm 2019, chàng hot boy đã có những cập nhật trở lại về hình ảnh cuộc sống hằng ngày của mình. Tuy nhiên, anh xóa toàn bộ các bài post, ảnh đăng và video trên kênh Youtube của mình, đồng thời thay đổi tên ngắn gọn hơn thành JV.

Anh cũng cho ra mắt phim ngắn "Không dấu chân người" trên kênh YouTube, do bản thân anh tự viết kịch bản và đóng vai chính. Ngoài ra, JV xây dựng một series mới mang tên "Cuối tuần mất ngủ", dưới dạng bản tin châm biếm về những vấn đề hot trong xã hội. Các clip trong series "Cuối tuần mất ngủ" đạt trung bình hơn 1 triệu view/ clip và bản thân kênh YouTube JV cũng ghi nhận 2 triệu lượt theo dõi.

Tuy nhiên, trong năm 2021 vừa qua, kênh YouTube của JV không ra thêm video mới nào. Anh cũng hầu như không cập nhật tình hình hoạt động trên fanpage chính của mình.

Lê Hoàng Uyên Vy

Nguyễn Hà Đông, JVevermind và những gương mặt lọt Forbes 30 under 30 năm đầu tiên giờ ra sao? - Ảnh 3.
 

Lê Hoàng Uyên Vy sinh năm 1987, tốt nghiệp thủ khoa ngành tài chính tại Đại học Georgetown (Mỹ). Sau đó, cô về nước thành lập công ty cổ phần Thương mại Chọn (Chon.vn) và phát triển Aiya, chuỗi nhà hàng phục vụ đồ ăn đường phố của Việt Nam.

Sau khi lọt Top 30 under 30 của Forbes Việt Nam năm 2015, Uyên Vy cũng được vinh danh trong Top 30 under 30 của Forbes châu Á năm 2016. Thời điểm đó, cô đang giữ chức quyền Tổng giám đốc của VinEcom – công ty chuyên về thương mại điện tử của tập đoàn VinGroup. Tại đây, Uyên Vy và đội ngũ đã xây dựng và phát triển trang web thương mại điện tử Adayroi.com. Cô rời vị trí CEO Adayroi sau gần 3 năm gắn bó và sau đó trở thành Đối tác điều hành của quỹ ESP Capital.

Tháng 9/2020, Uyên Vy và Shark Nguyễn Mạnh Dũng (nhà đầu tư trong chương trình Shark Tank Việt Nam) ra mắt quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures. Mục tiêu của quỹ là tìm kiếm cơ hội đầu tư vào những startup công nghệ, có thể xây dựng những sản phẩm dịch vụ mang lại sự tiện ích và nâng cao đời sống của người tiêu dùng tại Việt Nam và Đông Nam Á.

Do Ventures đã đầu tư vào nhiều startup, bao gồm nền tảng bán trái cây trực tuyến F99; công ty cung cấp giải pháp cho nhà bán lẻ Palexy; nền tảng công nghệ giáo dục Manabie; startup fintech Mfast và nền tảng giáo dục trực tuyến VUIHOC…

Nguyễn Trung Tín

Nguyễn Hà Đông, JVevermind và những gương mặt lọt Forbes 30 under 30 năm đầu tiên giờ ra sao? - Ảnh 4.
 

Sau khi tốt nghiệp Đại học Melbourne, chuyên ngành kinh tế ở Australia, Nguyễn Trung Tín về Việt Nam năm 2011 và đầu quân cho Trung Thủy Group – doanh nghiệp của gia đình anh - ở vị trí nhân viên tiếp thị tập sự. Đến đầu năm 2015, anh được bổ nhiệm vào vị trí CEO của tập đoàn này. Cùng năm đó, anh lọt vào danh sách Forbes 30 under 30 trong lĩnh vực kinh doanh, tài chính, quản trị.

Trung Tín được nhiều người biết đến sau khi Dreamplex – không gian làm việc chung do anh sáng lập – đón tiếp cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khi ông đến Việt Nam vào tháng 5/2016.

Ngoài Dreamplex, Nguyễn Trung Tín còn tham gia sáng lập 3 startup khác là Fresh House – agency chuyên cung cấp dịch vụ marketing, xây dựng thương hiệu và truyền thông cho mảng bất động sản; Zone Starups – vườn ươm khởi nghiệp và mới nhất là Sipher – game blockchain. Trong đó, anh là Founder của DreamPlex và Sipher, Co-founder của Fresh House – Zone Startups.

Vườn ươm Zone Startups hiện đang hỗ trợ và đầu tư vào 27 doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam, rất nhiều trong số đó là những cái tên quen thuộc ở thị trường khởi nghiệp hoặc từng thành công gọi vốn hay xuất hiện trên Shark Tank như Joolux, GoStream, Fundiin, Stringee, Woay, Edu2Review…


Ngoài 4 gương mặt kể trên, bảng xếp hạng Forbes 30 under 30 năm 2015 cũng ghi nhận nhiều tên tuổi mà đến nay vẫn hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực của mình, ví dụ như MC Trấn Thành, người mẫu, á hậu Hoàng Thùy, nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Hải (Maika Elan), kỳ thủ cờ vua Lê Quang Liêm…Một số gương mặt đã giải nghệ hoặc rời xa ánh đền sân khấu, ví dụ Ánh Viên, Khởi My,...

(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)

Việt Nam góp 4 cái tên trong Top 100 startup và công ty nhỏ đang lên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Forbes, họ là ai?

Việt Nam góp 4 cái tên trong Top 100 startup và công ty nhỏ đang lên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Forbes, họ là ai?

Forbes lần đầu cho ra mắt danh sách 100 startup và công ty nhỏ đáng mong đợi ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam mặc dù được đánh giá là thị trường khởi nghiệp mới nổi song cũng chỉ góp 4 cái tên: Hoozing, Logivan, Lozi và Med247.