Thông tin trên là một nội dung trong công văn về việc tích hợp dịch vụ công với Cổng dịch vụ công quốc gia mới được Văn phòng Chính phủ gửi tới các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính, Tư pháp, Y tế; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam; cùng các tập đoàn, tổng công ty: Điện lực Việt Nam, Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công nghiệp – Viễn thông Quân đội, Viễn thông MobiFone, Bưu điện Việt Nam.

Theo đó, để đảm bảo tiến độ việc đưa Cổng Dịch vụ công quốc gia vào vận hành chính thức từ tháng 11/2019 tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ, cơ quan, tập đoàn, tổng công ty kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu, dịch vụ công với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Cụ thể, các dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương được Văn phòng Chính phủ đề nghị kết nối để triển khai cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia ngay trong giai đoạn đầu gồm có: cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Bộ Công Thương); đổi giấy phép lái xe, cấp giấy phép lái xe quốc tế (Bộ Giao thông Vận tải); nộp thuế điện tử (Bộ Tài chính); đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); nhóm dịch vụ về đăng ký giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp); nhóm dịch vụ công về quản lý trang thiết bị y tế (Bộ Y tế); cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam); dịch vụ cấp điện trung áp, thanh toán tiền điện (Điện lực Việt Nam).

Các bộ, cơ quan, đơn vị được yêu cầu cử đầu mối phối hợp với Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính – Văn phòng Chính phủ để triển khai thử nghiệm trong tháng 9/2019, đánh giá trước khi triển khai chính thức trong tháng 11/2019 (Ảnh minh họa: Internet)

Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ cũng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Văn phòng đề xuất giải pháp tích hợp dịch vụ thông báo thực hiện khuyến mại cho các doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; chia sẻ, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa điện tử của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam được đề nghị chia sẻ các dữ liệu về người nộp thuế, đăng ký doanh nghiệp và dữ liệu bảo hiểm với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tổng công ty Bưu điện Việt Nam sẽ tích hợp, chia sẻ dịch vụ bưu chính công ích cho hồ sơ thủ tục hành chính với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông (VNPT, Viettel, MobiFone) chia sẻ dữ liệu về thuê bao di động hỗ trợ việc định danh người dùng trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 12/3/2019. Theo Đề án, Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ được thiết lập tại một địa chỉ duy nhất để công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng; bảo đảm khả năng giám sát, kiểm tra, đánh giá của cá nhân, tổ chức và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong thực hiện dịch vụ công. Đề án cũng nêu rõ mục tiêu cung cấp nền tảng xác thực điện tử dùng chung để cá nhân, tổ chức chỉ cần đăng nhập một lần (SSO) khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến tại các Hệ thống thông tin một cửa, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương.

Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho hay, trên cơ sở Đề án, thời gian qua, Văn phòng đang thiết lập Cổng Dịch vụ công quốc gia với 4 nội dung chính gồm: nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; tích hợp dịch vụ công trực tuyến đảm bảo phục vụ người dân, doanh nghiệp; cung cấp nền tảng đăng nhập, thanh toán trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến; nâng cấp hệ thống phản ánh, kiến nghị.

Đến thời điểm cuối tháng 7/2019, đã cơ bản hoàn thành nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, giải pháp xác thực  tập trung và xây dựng danh mục các dịch vụ công thiết yếu cho vòng đời của một con người, doanh nghiệp để triển khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Dự kiến, Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ được đưa vào thử nghiệm trong tháng 9/2019 và vận hành chính thức trong tháng 11/2019.