Nhieu cong ty Internet thao chay khoi Trung Quoc anh 1

Theo SCMP, dịch vụ cho thuê căn hộ Airbnb là cái tên mới nhất tuyên bố rút lui khỏi Trung Quốc. Mảng kinh doanh máy đọc sách Kindle của Amazon cũng công bố kế hoạch ngừng hoạt động tại Trung Quốc từ ngày 30/6/2023.

Với quy mô kinh tế và dân số lớn, Trung Quốc là thị trường không thể bỏ qua với các doanh nghiệp toàn cầu. Tuy nhiên, những chính sách quản lý nghiêm ngặt, sức ép cạnh tranh với công ty nội địa và sự thay đổi trong sở thích người dùng khiến nhiều hãng công nghệ lớn rút lui khỏi đất nước tỷ dân sau nhiều năm hoạt động.

Nhiều công ty tháo chạy

"Những chính sách phong tỏa, hạn chế do dịch Covid-19 tại Trung Quốc chỉ là một trong nhiều lý do khiến Airbnb rút lui, nhưng đó không phải nguyên nhân chính", Angela Zhang, Phó giáo sư luật tại Đại học Hong Kong cho biết. Bà nhận định lý do lớn nhất đến từ sức ép cạnh tranh từ các đối thủ trong nước như Meituan và Ctrip.

Theo Zhang, lợi thế lớn nhất của Meituan hay Ctrip bởi chúng là siêu ứng dụng, kết hợp nhiều tính năng khác nhau thay vì chỉ tập trung vào cho thuê nhà như Airbnb. Sau khi Airbnb rút lui, các đối thủ như Meituan, Tujia và Xiaozhu sẽ tiếp nhận một số nhà cho thuê trên app của họ.

Không lâu sau Airbnb, Amazon cho biết sẽ đóng cửa mảng kinh doanh máy đọc sách Kindle, ngừng hoạt động cửa hàng sách điện tử tại Trung Quốc vào ngày 30/6/2023. Từ tháng 1 năm nay, Amazon đã không còn phân phối Kindle cho các cửa hàng bán lẻ địa phương.

Nhieu cong ty Internet thao chay khoi Trung Quoc anh 2

Ứng dụng cho thuê nhà Airbnb tuyên bố ngừng hoạt động tại Trung Quốc do chi phí tăng, khó khăn từ dịch bệnh. Ảnh: Shutterstock.

Động thái rút lui khỏi Trung Quốc của Amazon đã diễn ra từ năm 2019, khi công ty ngừng các hoạt động thương mại điện tử nội địa để tập trung vào phân phối hàng xuyên biên giới.

Quyết định trên được đưa ra sau khi nhiều hãng công nghệ lớn tháo chạy khỏi đất nước tỷ dân. Trước đó, công ty gọi xe Uber đã bán các hoạt động tại Trung Quốc cho đối thủ Didi Chuxing vào năm 2016 sau 3 năm "đốt tiền". Google cũng gây chú ý khi ngừng hoạt động công cụ tìm kiếm tại Trung Quốc từ năm 2010 sau khi bị tin tặc tấn công hàng loạt.

LinkedIn, mạng xã hội cho doanh nghiệp của Microsoft cũng vận hành phiên bản được kiểm duyệt tại Trung Quốc trong nhiều năm trước khi đóng cửa vào cuối năm 2021. Hồi tháng 2, Yahoo cũng thông báo kế hoạch "khai tử" dịch vụ email ở Trung Quốc.

Ngay cả hãng sản xuất đồ thể thao Nike cũng phải gỡ bỏ app theo dõi chạy bộ tại Trung Quốc từ tháng 7, do quy định mới của chính phủ gây khó khăn cho việc vận hành các ứng dụng này.

Sức ép cạnh tranh lớn

Xu hướng tháo chạy khỏi Trung Quốc hoàn toàn trái ngược bức tranh cách đây vài năm, thời điểm đất nước tỷ dân được xem là thị trường tiềm năng. Khi Brian Chesky, nhà sáng lập Airbnb đến Trung Quốc vào năm 2017, công ty khẳng định sẽ đầu tư gấp đôi, tăng lực lượng lao động lên gấp 3 lần. Tuy nhiên, mọi thứ đã đổ vỡ sau 5 năm.

Yang Pili, người cho thuê nhà trên Airbnb bày tỏ sự bất ngờ khi ứng dụng này ngừng hoạt động tại Trung Quốc. Do khó khăn của dịch bệnh, không có ai thuê nhà của Pili trong năm qua. Airbnb trích dẫn Covid-19 là lý do khiến ứng dụng ngừng hoạt động tại Trung Quốc, thị trường chỉ chiếm 1% tổng doanh thu của nền tảng trong những năm gần đây.

Việc các ứng dụng thuê nhà tại Trung Quốc tăng cường mua bán, sáp nhập với nền tảng du lịch cũng khiến Airbnb chịu sức ép cạnh tranh lớn. Tong Wenhao, nhà phân tích từ hãng nghiên cứu LeadLeo cho rằng chiết khấu của Airbnb thấp hơn các nền tảng nội địa.

Nhieu cong ty Internet thao chay khoi Trung Quoc anh 3

Amazon thất bại ở Trung Quốc do không thể đáp ứng nhu cầu người dùng. Ảnh: SCMP.

"Những nền tảng nội địa dễ dàng giành sự tin tưởng của người dùng bởi họ có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành du lịch", Wenhao cho biết.

Không chỉ Airbnb, đó cũng là điểm yếu của Amazon hay eBay, các công ty đang mở rộng hoạt động trên toàn cầu nhưng thất bại ở Trung Quốc. Dịch vụ EachNet đã bị eBay đóng cửa ngay từ năm 2006. Nền tảng mua chung Groupon cũng không thể trụ lại Trung Quốc quá lâu do không thể cạnh tranh với hàng trăm ứng dụng nội địa.

Theo Wenhao, thất bại lớn nhất của Amazon tại Trung Quốc là dịch vụ Prime. Giao hàng miễn phí đã khá phổ biến vào thời điểm đó, và việc trả 43 USD/năm để hưởng đặc quyền tương tự trên Amazon là không hề xứng đáng.

"Trung Quốc đang có hệ sinh thái đủ khác so với phần còn lại của thế giới. Chỉ những công ty khác biệt, công nghệ tiến tiến hoặc thương hiệu rất mạnh mới có thể hái quả ngọt", Rui Ma, chủ trang podcast công nghệ Techbuzz China chia sẻ.

Amazon cũng chậm thích nghi với sở thích thay đổi của người dùng. Trong khi Taobao của Alibaba thu hút khách hàng nhờ các chương trình livestream, Amazon lại đầu tư rất ít vào lĩnh vực này. Với Airbnb, ứng dụng thuê nhà không chú trọng quảng bá trên các mạng xã hội Trung Quốc, không sở hữu nền tảng toàn diện như Taobao để thu hút nhiều lượt truy cập.

Ngay cả khi cố gắng bản địa hóa ứng dụng để phù hợp với văn Trung Quốc, các công ty vẫn nếm mùi thất bại. Rui Ma, chủ trang podcast Techbuzz China cho biết Uber là nền tảng thành công nhất với các hoạt động bản địa hóa, thành lập công ty con tại Trung Quốc và hợp tác với công cụ tìm kiếm Baidu. Tuy nhiên, nền tảng này vẫn không thể cạnh tranh với Didi, buộc phải rút lui khỏi đất nước.

Bức tranh trái ngược của Apple, Tesla

Ngoài dịch bệnh và sức ép cạnh tranh gay gắt, các công ty nước ngoài còn đối mặt áp lực từ quy định nghiêm ngặt của chính phủ Trung Quốc, tập trung vào kiểm duyệt nội dung và bảo vệ dữ liệu. Luật Bảo mật Dữ liệu và Bảo vệ Thông tin Cá nhân lần lượt có hiệu lực vào tháng 9 và tháng 11/2021.

Khi tuyên bố ngừng hoạt động tại Trung Quốc, LinkedIn trích dẫn "môi trường hoạt động thách thức hơn đáng kể, và các yêu cầu tuân thủ cao hơn tại Trung Quốc". Google được cho từng làm việc với dự án Dragonfly, công cụ tìm kiếm được kiểm duyệt tại Trung Quốc, nhưng đã hủy bỏ sau khi nhận phản ứng dữ dội từ công chúng.

Nhieu cong ty Internet thao chay khoi Trung Quoc anh 4

Khác với công ty phần mềm, các hãng phần cứng như Apple lại khá thành công ở đất nước tỷ dân. Ảnh: Getty Images.

Khác với những nền tảng phần mềm, các công ty nước ngoài tập trung vào phần cứng như Apple vẫn chứng kiến thành công lớn tại Trung Quốc. Theo thống kê của Counterpoint, Táo khuyết là hãng smartphone lớn thứ 3 nước này trong quý I với doanh số 13 triệu iPhone.

Hãng xe điện Tesla cũng dẫn đầu thị trường Trung Quốc, bỏ xa các đối thủ nội địa như Nio, Xpeng Motors hay Li Auto. Năm 2021, 3 công ty trên bán tổng cộng 280.075 xe ở Trung Quốc, ít hơn 13% so với con số 321.000 chiếc của Tesla.

Wenhao nhận định sẽ có thêm nhiều công ty Internet rời khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, quy mô rộng lớn của nước này sẽ tiếp tục thu hút nhiều công ty khác. Trong khi đó, ông Ma hy vọng nhiều công ty Trung Quốc sẽ mở rộng ra nước ngoài, thay vì các công ty quốc tế thâm nhập vào nước này.

"Trung Quốc sở hữu các mô hình kinh doanh tốt về thương mại điện tử và giải trí số, có thể xuất khẩu thành công ra nước ngoài, đặc biệt khi xét về lợi thế chuỗi cung ứng", ông Ma cho biết.

(Theo Zing)