Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, chỉ khi nào có nhiều người làm giàu nhờ KHCN, Việt Nam mới có thể tiến kịp những nước phát triển. Ảnh: Quochoi.vn

Chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết Bộ TT&TT mới đây, ông Phan Xuân Dũng cho biết, trong danh sách 20 người giàu nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn năm 2019, các tỷ phú công nghệ chiếm đến 60%, còn lại là bán lẻ, thời trang và dầu mỏ. “Tổng kết hàng năm danh sách người giàu nhất cho thấy, thế giới muốn làm giàu phần lớn phải nhờ công nghệ hay bằng công nghệ”, ông Dũng chia sẻ thêm

Tuy nhiên, danh sách 50 doanh nhân giàu nhất Việt Nam do Forbes bình chọn cho thấy, chúng ta vẫn chưa làm giàu bằng KHCN. “Chỉ khi nào ở Việt Nam, những người giàu, doanh nghiệp lớn dựa vào KHCN, lúc đó chúng ta mới tiến nhanh, tiến kịp với những nước phát triển”, ông Dũng khẳng định.

Sau khi Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị Make in Vietnam vào tháng 5/2019, ông Dũng khẳng định đã theo dõi và cảm nhận thấy Việt Nam có một làn sóng mới đang diễn ra. “Chúng ta đã tự nhận thức, quyết tâm vươn lên từ gia công tại Việt Nam cho đến sản xuất ở Việt Nam, sản xuất bằng doanh nghiệp, con người Việt Nam hay gần đây nhất với mạng 5G đã sản xuất bằng công nghệ Việt Nam. Điều đó thể hiện từng bậc thang cao lên của trí tuệ và sắp tới chúng ta sẽ cao hơn 1 bậc, đó là thiết kế bởi Việt Nam”, ông Dũng nói.

Từ đó, ông Dũng cho rằng, đây là quá trình để Việt Nam giàu mạnh bằng KHCN, bằng trí tuệ, con người. “Thế giới thay đổi liên tục và Việt Nam cũng phải thay đổi, để một lúc nào đó sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong muốn. Tuy nhiên, để làm được như vậy chúng ta chỉ có thể dựa vào KHCN”, ông Dũng kết luận.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đã từng lấy ví dụ về Trung Quốc, khi danh sách 10 người giàu nhất của họ có đến 8 người làm về công nghệ và chỉ có duy nhất một người liên quan đến bất động sản.

Thứ trưởng Bộ KH&CN nói ông rất mừng khi Việt Nam cũng có những doanh nghiệp lớn như Viettel, Vingroup đầu tư mạnh mẽ, bài bản cho KHCN, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân như Vingroup - vừa khánh thành Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử thông minh VinSmart tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ngoài Vingroup, một số doanh nghiệp Việt Nam cũng vừa được cấp phép dự án nghiên cứu – sản xuất công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, đó là: CTCP Dược phẩm Trung ương với dự án “Sản phẩm thuốc tân dược, thuốc dược liệu, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và mỹ phẩm đạt tiêu chuẩn GMP EU” với tổng mức đầu tư 724 tỷ đồng trên diện tích 3ha; CTCP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (một tập đoàn do ông Hồ Xuân Năng – người giàu thứ 9 trên sàn chứng khoán Việt Nam làm Chủ tịch) với dự án “Xây dựng và sản xuất vật liệu mới”, tổng mức đầu tư 1.181 tỷ đồng trên diện tích 2ha; CTCP Hub Energy với dự án “Nhà máy sản xuất vật liệu mới, vật liệu nano phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu”, có tổng mức đầu tư 563 tỷ đồng trên diện tích 1,5ha.