Nhận định trên vừa được Tiến sĩ Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc Công ty tư vấn KPMG Việt Nam chia sẻ trong hội thảo chủ đề “Chuyển đổi số và xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ năm 2022” được Tạp chí Nhà đầu tư phối hợp cùng NovaGroup tổ chức ngày 11/1.

{keywords}
Với chủ đề “Chuyển đổi số và xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ năm 2022”, hội thảo nhằm nhận diện các cơ hội, thách thức do chuyển đổi số mang lại, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số.

Giá trị giao dịch M&A lĩnh vực công nghệ đã tăng gấp 3 lần

Theo Tiến sĩ Nguyễn Công Ái, thị trường M&A Việt Nam đã cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021, với tổng giá trị được ghi nhận ở mức 8,8 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2021, tương ứng tăng trưởng 17,9% so với cả năm 2020.

Giá trị giao dịch bình quân đã tăng từ 28 triệu USD trong năm 2019 lên 43 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2021. Thị trường vẫn thể hiện xu hướng tăng mạnh, ngay cả trong trường hợp loại trừ các thương vụ có giá trị trên 300 triệu USD.

Mặc dù tài chính ngân hàng, hàng tiêu dùng và bất động sản vẫn là 3 ngành chính đóng góp nhiều nhất cho các thương vụ M&A tại Việt Nam thời gian qua, song số liệu của KPMG thu thập được đã cho thấy, ngành công nghệ đã trở thành 1 trong những những ngành quan trọng, với số thương vụ tăng từ 22 năm 2020 lên 42 vào năm 2021 và đóng góp gần 1 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2020.

Có thể kể đến một số giao dịch đáng chú ý như: Tiki (vòng gọi vốn 258 triệu USD do Bảo hiểm AIA dẫn dắt), Sky Mavis (vòng gọi vốn 152 triệu USD do Andreessen Horowitz dẫn dắt), Momo (vòng gọi vốn 100 triệu USD do Warburg Pincus dẫn dắt).

{keywords}
Theo Tiến sĩ Nguyễn Công Ái, năm 2021, số lượng giao dịch M&A lĩnh vực công nghệ đã tăng gấp đôi trong khi tổng giá trị giao dịch tăng hơn gấp 3 lần, đạt gần 1 tỷ USD.

Tiến sĩ Nguyễn Công Ái cũng cho hay: “Sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam là rất lớn. Gần đây chúng tôi nhận được nhiều yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản quan tâm đến Internet Economy, Fintech, Edutech, Media tại Việt Nam”.

Lý giải về sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ, đại diện KPMG Việt Nam cho rằng, một nguyên nhân là do chính sách của Chính phủ Việt Nam đưa ra trong việc hỗ trợ startup, tạo dựng phong trào startup đã có tác dụng lan tỏa tới cộng đồng đầu tư quốc tế.

Cùng với đó, còn bởi chất lượng nguồn nhân lực công nghệ tại Việt Nam ngày càng dồi dào, đã có sự cải thiện đáng kể so với giai đoạn trước. “Đây cũng là một yếu tố thu hút các nhà đầu tư nước ngoài chọn tham gia vào lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam”, ông Nguyễn Công Ái nói.

Thương mại điện tử, Fintech sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư

Bàn về hoạt động M&A trong lĩnh vực CNTT thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) thông tin: Trước năm 2015, M&A của Việt Nam chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực dịch vụ, kinh doanh bất động sản… không có M&A công nghệ số.

Giai đoạn 2015 - 2018, đã xuất hiện một số thương vụ M&A trong lĩnh vực công nghệ số có giá trị chuyển nhượng lớn như: VNG mua 38% vốn điều lệ, tương ứng sở hữu 3,72 triệu cổ phần của Tiki. Năm 2018, Vingroup mua 51% cổ phần Mundo Reader, công ty chủ quản của thương hiệu smartphone BQ.

Và đến giai đoạn 2019 – 2021, đã xuất hiện hàng loạt thương vụ lớn như VNPay nhận đầu tư 300 triệu USD từ SoftBank Vision Fund và Quỹ GIC; thương vụ Temasek đầu tư 100 triệu USD vào nền tảng thương mại điện tử Scommerce; Affirma Capital đầu tư 34 triệu USD vào Siêu Việt Group , FPT mua lại nền tảng quản trị doanh nghiệp Base...

{keywords}
Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, dự báo Việt Nam cũng có sự chuyển dịch làn sóng M&A ở hầu hết các lĩnh vực từ sản xuất hàng hoá đến công nghệ trên nền tảng Internet.

Đại diện Vụ CNTT còn cho hay, trong 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 đã thúc đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, sẽ là tiềm năng cho M&A.

Thời gian tới, M&A lĩnh vực công nghệ số chính là mảng đầu tư rất hứa hẹn cho các nhà đầu tư. Hoạt động M&A mang cơ hội và nguồn lực cho các doanh nghiệp công nghệ số. Trong đó, thương mại điện tử, đi kèm với sự phát triển của các ứng dụng trung gian thanh toán là mảng thu hút dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ nhất. Fintech cũng là một điểm nhấn đầu tư trong giai đoạn chuyển đổi số sắp tới

Tuy vậy, vị Phó Vụ trưởng Vụ CNTT cũng chỉ ra hạn chế của hoạt động M&A lĩnh vực công nghệ, đó là: các công ty công nghệ ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn thành hình, phần nhiều vẫn còn ở hình thức các công ty khởi nghiệp. Nhiều công ty có thể có ý tưởng sản phẩm công nghệ tốt, nhưng chưa thể phát triển thành các doanh nghiệp hoạt động quy mô bài bản, có nền tảng, bởi còn hạn chế về năng lực quản trị điều hành doanh nghiệp, hoạch định chiến lược, cũng như năng lực tài chính chưa đủ mạnh.

Mặt khác, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang còn nhiều hạn chế và sản phẩm công nghệ số phần lớn đang chỉ phục vụ cho thị trường trong nước, chưa nhiều sản phẩm có tính khu vực và toàn cầu thì hoạt động M&A còn chưa thực sự bùng nổ, tạo nên kênh huy động vốn cho phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam.

“Chất lượng hàng hóa của các công ty công nghệ tại Việt Nam chưa thật sự “khớp” với kỳ vọng của bên mua, để đủ giúp làn sóng M&A trong lĩnh vực công nghệ thật sự bùng nổ”, ông Nguyễn Thanh Tuyên nhấn mạnh.

Ở góc độ của một nhà đầu tư trong nước, ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Công nghệ Nova Tech cho biết, đơn vị này lấy chiến lược M&A làm trọng tâm để nhanh chóng chuyển đổi số toàn diện.

Hiện Nova Tech đang tìm kiếm các doanh nghiệp CNTT có khả năng hiện thực hóa những mục tiêu phát triển, doanh nghiệp thực hiện những ý tưởng công nghệ sáng tạo và thực tế; doanh nghiệp có sự phát triển, định hình rõ ràng. “Ngoài ra, thu hút nhân tài trong lĩnh vực công nghệ cũng là nhiệm vụ trọng tâm để Nova Tech có thể tiến dài và nhanh trong thời gian tới”, ông Vinh chia sẻ thêm.

Vân Anh

Việt Nam đặt mục tiêu có 10 doanh nghiệp công nghệ số đạt doanh thu trên 1 tỷ USD

Việt Nam đặt mục tiêu có 10 doanh nghiệp công nghệ số đạt doanh thu trên 1 tỷ USD

Việt Nam đặt mục tiêu hình thành ít nhất 10 doanh nghiệp công nghệ số, có năng lực cạnh tranh quốc tế và có doanh thu trên 1 tỷ USD vào năm 2025.