Đến hẹn lại lên, một nhóm đàn ông Nhật Bản được cho là kém sức hút với phụ nữ diễu hành trên đường phố, hô khẩu hiệu phản đối Lễ Tình nhân 14/2 và "chủ nghĩa tư bản lãng mạn".

Ngày Lễ Tình nhân Valentine năm nay rơi vào thứ năm, vì vậy tổ chức Kakumeiteki Himote Domei (tạm dịch: Liên minh Cách mạng Những người đàn ông Kém sức hút) quyết định tổ chức sự kiện hàng năm này vào ngày thứ bảy của tuần trước đó.

Sora News cho biết ngày thứ bảy hôm đó, tức ngày 9/2, chứng kiến đợt giá lạnh đột ngột ở khu vực thủ đô Tokyo, Nhật Bản, với gió tuyết có thể cản trở các hoạt động ngoài trời. Bất chấp cái lạnh, các thành viên của Kakumeiteki Himote Domei vẫn xuống đường cho sự kiện Valentine lần thứ 12 của tổ chức.

Họ biểu tình phản đối Lễ Tình nhân.  

Nhom thanh nien Nhat bieu tinh hang nam doi dap tan Le Tinh nhan hinh anh 1
Trong cái lạnh 0 độ C, tổ chức Kakumeiteki Himote Domei (Liên minh Cách mạng Những người đàn ông Kém sức hút) vẫn xuống đường biểu tình phản đối Lễ Tình nhân. Ảnh: Chụp màn hình từ Youtube. 

"Hãy phá tan Lễ Tình nhân!"

Bắt đầu bằng cuộc mít tinh tại công viên ở khu phố Shibuya, Tokyo, lãnh đạo của Kakumeiteki Himote Domei, anh Takayuki Akimoto, chào đón người tham dự và ca ngợi nỗ lực của tổ chức nhằm hạ bệ "chủ nghĩa tư bản lãng mạn".

Nói về việc gần đây ngày càng có nhiều người Nhật Bản mua socola cho chính mình và bạn bè vào Lễ Tình nhân, Akimoto khẳng định đây là thành quả "không thể nhầm lẫn" của tổ chức trong suốt hơn một thập kỷ nhằm phá bỏ truyền thống tặng socola cho người yêu vào ngày 14/2. 

Với băng rôn, biểu ngữ và được cảnh sát hộ tống, nhóm thành viên Kakumeiteki Himote Domei bắt đầu tuần hành dọc khu phố Shibuya.

"Hãy phá tan Lễ Tình nhân!", anh Akimoto hét vào loa.

Những người biểu tình khác, bao gồm một phụ nữ, cùng lặp lại khẩu hiệu.

"Hãy phá tan chủ nghĩa tư bản lãng mạn!", "Đừng bị kiểm soát bởi âm mưu của các nhà sản xuất kẹo!", anh Akimoto tiếp tục.

Một số người Nhật có lẽ không còn xa lạ gì với Akimoto, bởi ngoài Lễ Tình nhân, anh còn điều hành cuộc biểu tình hàng năm phản đối đêm Giáng sinh, một trong những ngày lễ quan trọng nhất năm của Nhật Bản. Tuy nhiên, vào năm 2018, nhóm biểu tình của Akimoto không thể xin được giấy phép từ ban quản lý công viên, nơi họ muốn tổ chức sự kiện, thay vào đó nhóm phải tổ chức hội nghị chuyên đề phản đối Giáng sinh trong nhà. 

Nhom thanh nien Nhat bieu tinh hang nam doi dap tan Le Tinh nhan hinh anh 2
Những người như Akimoto cáo buộc rằng ngày lễ Valentine là âm mưu của các nhà sản xuất và áp đặt giá trị vật chất cho tình yêu. Ảnh: Reuters.

Cuộc diễu hành ngớ ngẩn?

Dịp lễ tình nhân năm 2017, nhóm biểu tình của anh Akimoto thu hút nhiều cái nhìn tò mò của người dân qua đường khi hô vang khẩu hiệu: “Âu yếm nơi công cộng là khủng bố”.

“Mục đích của chúng tôi là đè bẹp thứ tình yêu như thế này”, anh Akimoto nói với AFP vào năm 2017.

“Chúng tôi không đi tìm các giá trị trong tình yêu theo cách mà xã hội áp đặt. Điều đó (thể hiện tình cảm nơi công cộng) giống như một âm mưu do những người coi chúng tôi là 'cấp thấp' hay thua cuộc thực hiện. Nó khiến chúng tôi cảm thấy khó chịu. Thật không thể tha thứ được”, Akimoto nói thêm.

Kakumeiteki Himote Domei cũng thường tổ chức biểu tình phản đối Valentine Trắng, ngày 14/3, khi đàn ông Nhật Bản có nhiệm vụ tặng quà cảm ơn cho những người phụ nữ đã tặng họ socola vào ngày Valentine 14/2. Tuy nhiên, không có cuộc biểu tình nào diễn ra vào ngày 14/3/2018. Cuộc biểu tình ngày 9/2 vừa qua là buổi diễu hành đầu tiên của tổ chức này trong suốt một năm.

Nhom thanh nien Nhat bieu tinh hang nam doi dap tan Le Tinh nhan hinh anh 3
Đoàn biểu tình cầm băng rôn và biểu ngữ phản đối Lễ Tình nhân đi dọc con phố Shibuya, Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters. 

Dù nhiều người tuần hành thể hiện thái độ tặc lưỡi cho qua và hai người đàn ông cầm biểu ngữ mỉm cười vài lần, đoàn biểu tình cũng thực sự mang lại một số thông điệp sâu sắc.

"Đừng phán xét giá trị của một người dựa trên số socola mà họ nhận được vào ngày Valentine!", anh Akimoto nói và tiếp tục hô to "Việc lấy những người không được ưa thích ra làm trò cười là điều sai trái!".

Rất khó để nhận định về mức độ nghiêm túc của tổ chức Kakumeiteki Himote Domei. Một mặt, biểu cảm trên khuôn mặt của nhiều người biểu tình cho thấy họ nghĩ cuộc tuần hành hơi ngớ ngẩn, nhưng mặt khác, anh Akimoto lại cho thấy mình là một tín đồ thực sự và cực kỳ nghiêm túc với màn diễu hành. Dù bằng cách nào đi nữa, cho dù vô ích hay có ích, nhóm biểu tình có vẻ vẫn rất tận hưởng khi đồng hành cùng nhau, và ít nhất sự kiện của họ cũng ít phiền phức hơn so với những cuộc tuần hành khác ở Shibuya.