Từ cuối tháng 9 đầu tháng 10, Zalo đã phối hợp với chính quyền địa phương các tỉnh miền Trung và Tổng Cục phòng chống thiên tai cập nhật tình hình và hướng dẫn cho người dân qua điện thoại, với mục tiêu cung cấp thông tin chính thống nhất và nhanh nhất đến người Việt để chủ động ứng phó với bão lũ. Nhưng nỗ lực đó vẫn chưa đủ để phản ứng với sự khắc nghiệt không ngờ tới của thiên nhiên. Nước lên quá nhanh và sự kêu cứu bất lực trong đêm lũ lịch sử ở Quảng Bình đã khiến các kỹ sư Zalo cảm thấy cần phải làm một cái gì đó khác với những gì đang làm.

“Một cuộc họp khẩn vào sáng thứ hai đầu tuần, và ý tưởng về một tính năng cho phép người dùng tự giúp nhau trong lúc khẩn cấp đã ra đời.” - Quốc Anh, thành viên nhóm phát triển Zalo chia sẻ về khởi nguồn của tính năng SOS.

{keywords}
Những lời kêu cứu của người dân Quảng Bình khiến các kỹ sư Zalo càng ý thức hơn trách nhiệm của họ với xã hội.

Theo chia sẻ đội ngũ Zalo, trong những tình huống như nước lũ lên nhanh khiến một khu vực nào đó bị cô lập, hoặc sạt lở gây chia cắt giao thông, các hoạt động cứu hộ chưa thể tiếp cận thì việc tìm kiếm sự giúp đỡ khẩn cấp từ cộng đồng là vô cùng quan trọng.

Dựa trên ý tưởng đó, ngày 23/10, phiên bản đầu tiên của tính năng SOS ra đời để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm hỗ trợ trong vòng kết nối là gia đình, người thân, bạn bè. Tuy nhiên, phiên bản đó theo đánh giá của chính đội ngũ phát triển Zalo là chỉ dừng lại ở “tạm dùng được” khi chỉ dựa trên việc tối ưu hoạt động cập nhật nhật ký. Lúc này, tính năng SOS vẫn chưa thể cung cấp tọa độ chính xác để hỗ trợ công tác cứu hộ và hướng dẫn tóm tắt thông tin để người dùng làm theo một cách dễ dàng và nhanh chóng.

3 ngày sau đó là những ngày chạy đua với thời gian với quyết tâm hoàn thành trước khi bão số 9 chính thức đổ bộ. Với hệ thống chịu tải 60 triệu người dùng hàng tháng, cập nhật nhanh bất cứ tính năng nào cũng đòi hỏi sự tính toán kỹ về phương án thực hiện lẫn giải pháp lỹ thuật để không ảnh hưởng đến quá trình liên lạc thông suốt của người Việt. Động lực lớn nhất của đội ngũ làm sản phẩm là niềm tin vào sức mạnh công nghệ và sức mạnh kết nối của Zalo có thể giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai gây ra cho đồng bào mình.

{keywords}
Phiên bản hoàn thiện của tính năng SOS.

Đến tối ngày 26/10, phiên bản hoàn thiện “tính năng SOS” đã ra đời trong sự thở phào của đội ngũ làm sản phẩm. Điểm nổi bật của tính năng này là có đính kèm tọa độ chính xác hỗ trợ cứu hộ. Ngay trong đêm, tính năng này chính thức cập nhật đến 15 tỉnh thành dự báo là nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Molave là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum và 4 tỉnh thành chịu tác động của trận lũ lịch sử.

Sáng ngày 28/10, bão Molave chính thức tiến vào đất liền miền Trung với sức gió cấp 12, giật trên cấp 15. Tính đến 8h ngày 30/10 đã có hơn 23 người chết, 47 người mất tích, gần 93 ngàn ngôi nhà bị tốc mái, 2642 nhà bị sập và gần 2500 căn nhà bị nhấn chìm trong nước.

Trong bối cảnh đó, đã có hơn 10 ngàn trường hợp “cần giúp đỡ” được chia sẻ trên Zalo. Tính năng SOS đã phát huy được vai trò kịp thời của nó.

Là những người viết những dòng code đầu tiên cho tính năng SOS, nhóm kỹ sư Zalo chia sẻ: “Ở thời điểm đó, team đối mặt với thử thách là phải hoàn thiện tính năng trong thời gian vô cùng ngắn. Đó không chỉ đơn giản là công việc và thời hạn, mà còn là sự quyết tâm nhất định phải làm thật nhanh để cùng cả nước vượt qua bão lũ”.

{keywords}
Các thành viên trong team đều cố gắng để hoàn thiện tính năng SOS trong thời gian ngắn nhất.

Trong lúc bão lũ đang diễn ra, tính năng SOS có “nhiệm vụ” giúp người dân tìm kiếm sự giúp đỡ khẩn cấp. Khi bão lũ đi qua, tính năng SOS giúp người dân có thể tiếp cận được sự hỗ trợ từ cộng đồng, các tổ chức thiện nguyện, các cơ quan chức năng để khắc phục hậu quả sau thiên tai, sớm ổn định cuộc sống. Hiện nay, rất nhiều thông báo “Tôi cần được giúp đỡ” vẫn tiếp tục được cập nhật mỗi ngày trên Zalo.

Trước đó, đồng hành cùng người dân miền Trung vượt qua bão lũ, tính từ ngày 21/10 đến 30/10, trang “Thời tiết” của Zalo đã gửi ra khoảng 92 triệu tin nhắn đến cho 15 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Đội ngũ vận hành và tìm kiếm thông tin của Zalo cũng đã làm việc 24/7 để có thể cập nhật tin tức thời tiết, bão lũ đến người dân của các vùng bị ảnh hưởng một cách nhanh chóng và chính xác nhất.

{keywords}
Thông tin trên trang Zalo  “Thời tiết” được cập nhật liên tục 24/7.

Bên cạnh đó, với hỗ trợ không quản ngày đêm của các kỹ sư Zalo, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã thông qua trang Zalo chính thức để cập nhật nhanh tình hình thời tiết, mưa lũ, cảnh báo khẩn cấp, trang bị kiến thức cho người dân để chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản. Mỗi thông tin, bài viết đều được trang Zalo “Phòng chống thiên tai” gửi đến gần 10 triệu người dùng, và nhận được hàng triệu lượt xem. Bên cạnh đó, thêm 24 triệu lượt tin nhắn gửi đi từ các trang Zalo chính thức của địa phương như: Trang Zalo “Tổng đài 1022 Đà Nẵng”, trang Zalo “ Trung tâm HueIOC”… 

Ngoài ra, Zalo còn thành lập thêm các nhóm cộng đồng ở 9 tỉnh thành bị ảnh hưởng nặng của bão lũ như Đà Nẵng – Vượt qua bão lũ, Huế - Vượt qua bão lũ, Quảng Nam – Vượt qua bão lũ…. Đây là nơi kết nối bà con trong mùa lũ, tạo điều kiện để người dân trao đổi, giao lưu về kinh nghiệm ứng phó thiên tai, thông tin cứu hộ… Tính đến nay mỗi nhóm ở các tỉnh thành đều có hơn 1.000 thành viên và đang tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.

Sự hỗ trợ kịp thời, đúng lúc đã được các địa phương và các cơ quan chức năng đánh giá cao. Chia sẻ trong thư cảm ơn gửi cho Zalo, ông Trần Quang Hoài – Phó ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai nhận xét tinh thần hỗ trợ của Zalo là tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết chung sức vì cộng đồng.

Bão số 9 đã đi qua nhưng bão số 10 và bão số 11 đang ngấp nghé ngoài kia. Đội ngũ Zalo xác định là còn rất nhiều việc phải làm. Họ đang lên kế hoạch để Zalo có thể phản ứng nhanh hơn nữa với các vấn đề xã hội, xứng đáng là “ứng dụng quốc dân” được người Việt Nam tin tưởng và ủng hộ.

PV