Thiết bị di động của người dùng luôn đứng trước nguy cơ mất an toàn bảo mật

Các thiết bị di động thường sử dụng các giao thức mạng không dây phổ biến như Wi-Fi và Bluetooth để kết nối.

Mỗi giao thức này đều có các lỗ hổng riêng và dễ bị tấn công bằng cách sử dụng các công cụ sẵn có như Wifite hoặc Aircrack-ng Suite.

Do đó, người dùng chỉ nên kết nối với các mạng đáng tin cậy bằng cách sử dụng giao thức WPA2 hoặc các giao thức bảo mật mạng tốt hơn.

Bên cạnh đó, các lỗ hổng trên thiết bị cũng có thể là lỗi từ nhà sản xuất. Ví dụ, bàn phím SwiftKey trong các thiết bị Android của Samsung đã từng được tìm thấy là dễ bị tấn công nghe lén.

Tương tự, hệ điều hành iPhone của thiết bị Apple (iOS) cũng được phát hiện có tồn tại các lỗ hổng, mà một trong số đó là "No iOS Zone"; lỗ hổng này cho phép tin tặc làm treo các thiết bị iPhone, iPad hoặc iPod Touch bằng sóng Wifi…

Tương tự như lỗ hổng hệ thống, các ứng dụng của bên thứ ba trên thiết bị di động cũng có thể lỗi thời.

Một số nhà phát triển ứng dụng không phát hành bản cập nhật phần mềm kịp thời hoặc có thể đã giảm hỗ trợ cho các phiên bản hệ điều hành cũ hơn. Sử dụng phần mềm đã lỗi thời làm tăng nguy cơ kẻ tấn công có thể khai thác lỗ hổng liên quan đến phần mềm này.

Những kẻ tấn công thường sử dụng các kỹ thuật xã hội để lừa người dùng cài đặt các ứng dụng độc hại này, có thể qua một liên kết trong tin nhắn, một siêu liên kết rút gọn hoặc một ứng dụng đóng gói lại giả mạo một ứng dụng hợp pháp.

Các ứng dụng độc hại có thể thực hiện các hành vi độc hại khi được cài đặt trên thiết bị như lấy cắp dữ liệu, tải xuống phần mềm độc hại hoặc thậm chí điều khiển thiết bị từ xa. Những hành vi này có thể dẫn đến tổn thất về tài chính và các hình thức tổn thất hữu hình hoặc vô hình khác cho cá nhân hoặc tổ chức.