Theo tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ, ngày 22/11/2018, tại Lâm Đồng, đã diễn ra Tọa đàm “Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao” (NNCNC). Tọa đàm là một trong những hoạt động của Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tổ chức trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động của “Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2018”.

Chuyên gia nông nghiệp, TS. Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã giới thiệu khái quát về thực trạng NNCNC, nông nghiệp thông minh và du lịch canh nông trong và ngoài nước hiện nay. TS. Phạm S cho biết, Lâm Đồng là địa phương đi đầu về phát triển NNCNC. Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 52.000 ha đất sản xuất NNCNC (chiếm 20% diện tích canh tác), tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 30% giá trị ngành nông nghiệp. Nhiều mô hình sản xuất NNCNC mang về doanh thu từ 1 - 5 tỉ/ha... Cùng với những chính sách hỗ trợ cụ thể, nhiều thanh niên Lâm Đồng đã khởi nghiệp thành công, vươn lên làm giàu với mô hình sản xuất NNCNC. Khởi nghiệp với NNCNC là hướng đi đúng với nhiều bạn trẻ.

Đồng quan điểm trên, bà  Nguyễn Thị Thu Vân, Phó chủ tịch thường trực Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam nhìn nhận, thanh niên Việt Nam có lợi thế về khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp vì Việt Nam là đất nước nông nghiệp và các bạn rất quen về sản xuất nông nghiệp.

“Với  70% các bạn trẻ ở vùng nông thôn nên lợi thế sản xuất nông nghiệp rất tốt. Chúng tôi thấy phong trào thanh niên khởi nghiệp trong nông nghiệp phát triển rất mạnh và ngày càng có nhiều các mô hình, dự án của thanh niên ứng dụng những công nghệ mới, cách làm mới, cách sản xuất mới để cải tạo, canh tác trên những vùng đất của gia đình để phát triển kinh tế. Những dự án về NNCNC hiện nay đã nở rộ trong thanh niên”, bà Thu Vân cho biết thêm.

Theo bà Thu Vân, năm 2018, Trung ương Hội LHTN Việt Nam có chỉ tiêu đối với các tỉnh, thành đoàn là phải hỗ trợ từ 3 - 5 dự án khởi nghiệp sáng tạo trong thanh niên và đến nay thì cả nước có hơn 1.300 dự án thanh niên ứng dụng NNCNC để sản xuất. Đó là con số ấn tượng, tạo ra những giá trị vật chất, giá trị trí tuệ lớn  trong thanh niên và đóng góp cho xã hội”.

Trả lời băn khoăn của một bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp tại huyện Krông Ana, Đắk Lắk khi đặt ra vấn đề: “Địa phương tôi có khoảng 30 ha trồng lúa nhưng hiệu quả không cao, chúng tôi muốn chuyển sang làm rau hoa theo hướng NNCNC thì như thế nào, có khó không?”.

Đoàn hành trình đến thăm, trải nghiệm ở trang trại hoa YSA Orchid Farm. ảnh theo Bộ KH&CN

Ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho rằng vấn đề đầu tiên là vốn và việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây ít hiệu quả sang cây khác hiệu quả hơn cũng là việc hợp lý. Tuy nhiên chúng ta phải tìm hiểu xem trồng cây gì và bán cho ai. “Quan trọng là phải xác định cho được thị trường tiêu thụ ở đâu để biết loại cây trồng phù hợp. Nên chọn chừng 5 ha và trồng nhiều loại sản phẩm để đa dạng các mặt hàng và xác định được thị trường rồi mới mở rộng diện tích”, ông Tùng khuyên.

Cũng theo ông Tùng, thực tế trong quá trình khởi nghiệp, người trẻ Việt Nam thường gặp một số khó khăn, hạn chế như: Kỹ năng tiếp cận nguồn vốn, tiếp đến là đội ngũ tiếp cận với các vườn ươm và tư duy khởi nghiệp. Tư duy cần phải cởi mở hơn và cũng cần được hỗ trợ thông qua các chính sách từ địa phương đến trung ương tốt hơn. Các bạn trẻ Việt Nam cũng có những ý tưởng khởi nghiệp mang tầm quốc tế, chứ không chỉ đơn thuần là một vài ý tưởng khởi nghiệp trong vùng nông thôn.

“Vấn đề là các bạn cần có kỹ năng tiếp cận thị trường tốt hơn, làm thế nào để các quỹ đầu tư quốc tế, các quỹ đầu tư lớn, doanh nghiệp lớn, người ta đều coi những ý tưởng khởi nghiệp của các bạn chính là cơ hội để họ làm giàu từ ý tưởng đó...”, ông Tùng nói.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm khởi nghiệp ngay từ khi còn là sinh viên năm thứ 2, và đã rất thành công với doanh thu hiện nay đạt 30 tỉ đồng/năm, anh Phan Thanh Sang chủ trang trại hoa YSA Orchid Farm (TP.Đà Lạt), chia sẻ, trong quá trình khởi nghiệp, chúng ta phải luôn học hỏi qua nhiều kênh để biết là mình đứng ở đâu và biết áp dụng như thế nào. Trong lĩnh vực nông nghiệp thì chúng ta bắt buộc phải biết là sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và bán ở đâu để chúng ta tìm kiếm thị trường, biết định hướng để phát triển tốt hơn.

Chúng ta phải thường xuyên đến những thị trường tiêu thụ để xem những sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh và những sản phẩm nhập từ nước ngoài về như thế nào để chúng ta có thể cải tiến, phát triển tốt hơn.

Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” năm 2018 với chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” được tổ chức nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, sinh viên đã và đang có nhu cầu khởi nghiệp, giúp các thành viên tham gia hành trình có được kiến thức, sự hiểu biết và các mối quan hệ cần thiết để trở thành các nhà quản trị, điều hành thành công; tạo cơ hội cho thanh niên, học sinh, sinh viên phát huy tinh thần sáng tạo, áp dụng những kiến thức đã lĩnh hội để lập ra những dự án khởi nghiệp có tính khả thi trong đời sống kinh doanh, đồng thời hỗ trợ tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.