{keywords}
 

Chống dịch Covid-19 không phải cuộc chiến của một cá nhân, tổ chức, quốc gia mà là sự phối hợp của tất cả mọi người, cơ quan, bộ ngành và toàn cầu. Thực tế cho thấy, các nước có sự tương trợ nhịp nhàng giữa các bộ ngành, đặc biệt là công nghệ và y tế, đã trở thành hình mẫu trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.

Tại Singapore, chính phủ chủ động xây dựng hạ tầng số và năng lực kỹ thuật làm nền tảng của quốc gia thông minh Smart Nation. Điều này cho phép Singapore phản ứng nhanh và dứt khoát trước dịch Covid-19 bằng một bộ công cụ kỹ thuật số, giúp phổ biến thông tin kịp thời, chính xác đến người dân, đồng thời giúp các cơ quan quản lý khủng hoảng tốt hơn.

Tháng 11/2020, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng công nhận công nghệ đóng vai trò trung tâm trong cuộc chiến chống Covid-19 của quốc đảo. Ông cho rằng lãnh đạo công vụ phải nắm bắt và biết ơn công nghệ.

Cơ quan Công nghệ chính phủ (GovTech) chịu trách nhiệm phát triển những công cụ này với sự hỗ trợ của các bộ ngành khác. Chẳng hạn, cùng với Bộ Y tế, GovTech đưa ra báo cáo tình hình Covid-19, hiển thị thống kê và số liệu chính về tình hình dịch bệnh trong nước; website FluGoWhere cung cấp danh sách hơn 900 phòng khám ưu đãi dành cho người chẩn đoán mắc bệnh hô hấp. GovTech,

Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y Tế cũng thành lập website MaskGoWhere, giúp người Singapore tìm địa điểm, ngày giờ được ấn định để nhận mặt nạ được cấp. Nổi bật nhất là ứng dụng TraceTogether, kết quả của sự bắt tay giữa Bộ Y tế và GovTech. Đây là ứng dụng đã hỗ trợ không nhỏ cho nỗ lực giảm lây lan Covid-19 trong cộng đồng qua truy vết. Khi được cơ quan chức năng yêu cầu, người dân có thể nộp dữ liệu bản đồ cho Bộ Y tế, sau đó Bộ Y tế giải mã dữ liệu, lấy số điện thoại những người có tiếp xúc gần, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình truy vết và thông báo đến những người có nguy cơ một cách nhanh chóng.

Một nước khác cũng trở thành hình mẫu trong chống dịch Covid-19 dựa trên sức mạnh của công nghệ và y tế là Hàn Quốc. Với kinh nghiệm từ xử lý các căn bệnh truyền nhiễm trước đó như SARS, MERS, Hàn Quốc đã xây dựng khả năng quản lý khủng hoảng cũng như phục hồi của các cơ quan chính phủ, dân sự. Nỗ lực bao gồm hệ thống thông tin để ngăn chặn và quản lý bệnh truyền nhiễm thông qua sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.

Đối phó với dịch Covid-19, nhiều hệ thống của chính phủ điện tử được thành lập với sự phối hợp giữa các bộ ngành, chính quyền địa phương. Chẳng hạn, chính phủ phát triển các hệ thống như hệ thống thông tin cách ly thông minh, hệ thống thông tin di chuyển quốc tế, ứng dụng tự kiểm tra sức khỏe.

Hệ thống quản lý thông tin cách ly thông minh của Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) hình thành từ mạng lưới công nghệ thông tin của Hệ thống quản lý toàn diện thông tin hộ chiếu của Bộ Ngoại giao (MOFA), Hệ thống thông tin Nhập cư của Bộ Tư pháp (MOJ), DUR (hệ thống kết nối thông tin của các tổ chức y tế và nhà thuốc trên toàn quốc để ngăn chặn lạm dụng thuốc), Dịch vụ đánh giá Bảo hiểm y tế (HIRA), cũng như các công ty viễn thông.

Hệ thống này vá các lỗ hổng trong quy trình cách ly sân bay. Nhờ chia sẻ và sử dụng thông tin từ MOFA, HIRA và cơ quan hữu quan, thông tin người nhập cảnh đến từ các nước bị ảnh hưởng của bệnh truyền nhiễm được kiểm tra. Hệ thống cũng chia sẻ thông tin với các cơ sở y tế để theo dõi bệnh nhân nghi ngờ trong thời gian ủ bệnh kể từ khi nhập cảnh.

Với Hàn Quốc, việc sử dụng công nghệ thông tin và hệ thống chính phủ điện tử là không thể thiếu trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Hệ thống này đã chuyển đổi toàn bộ quy trình ứng phó với Covid-19, từ sàng lọc, chẩn đoán, điều tra dịch tễ, quản lý bệnh nhân, người tiếp xúc cũng như phòng ngừa.

Tại Mỹ, khi New York trở thành tâm dịch mùa xuân năm 2020, Văn phòng Dịch vụ Công nghệ thông tin (ITS) của bang đã thành lập một đội đặc nhiệm công nghệ Covid-19 Technology SWAT để xây dựng các giải pháp một cách nhanh chóng. Nhóm dựa trên mô hình ứng phó với căn bệnh Ebola năm 2014 của Mỹ, với sự tham gia của các chuyên gia từ khu vực tư nhân và nhà nước, cùng nhau phát triển ứng dụng mới, đào tạo kỹ năng công nghệ cần thiết để xử lý khủng hoảng. ITS phối hợp với Văn phòng Thị trưởng và Bộ Dịch vụ Tài chính để đưa tình nguyện viên đến làm việc cùng nhân viên liên bang trong thời gian từ 30 tới 90 ngày.

Nhóm tập trung vào ba lĩnh vực chính là phát triển web và ứng dụng di động, phân tích và khoa học dữ liệu, hỗ trợ người dùng cuối và chiến lược nội dung số. Trong một dự án, ITS và Bộ Y tế, Microsoft cùng triển khai nền tảng sàng lọc Covid-19 để người dân tự kiểm tra, yêu cầu và lên lịch xét nghiệm, nhận kết quả. Các Bộ cũng hợp tác với Apple để biến New York thành bang đầu tiên tích hợp thông tin về giãn cách xã hội, xét nghiệm và tái mở cửa kinh tế trong ứng dụng Covid-19.

Tại Anh, Dịch vụ Chính phủ kỹ thuật số (GDS) có vai trò điều phối hoạt động ứng phó với Covid-19 bằng công nghệ. Vào tháng 3/2020, GDS thành lập nhóm DDaT Covid-19 Working Group. Các thành viên trong nhóm gặp nhau 2 lần mỗi tuần từ tháng 3 tới tháng 5 và tuần một lần từ tháng 5. Họ đến từ tất cả cơ quan hành chính, phòng ban và Dịch vụ Kỹ thuật số của Nghị viện.

DDaT giải quyết vấn đề tương tác trong khu vực công, khi mà các tổ chức không thể liên hệ với nhau do những quy tắc không nhất quán về phần mềm hội nghị truyền hình, bằng Project Unblock. GDS làm việc với Nhóm An ninh Chính phủ (GSG), Trung tâm An ninh mạng quốc gia (NSCS) để xuất bản hướng dẫn về cộng tác video và thử nghiệm các công cụ hoạt động như thế nào giữa các bộ phận khác nhau. Họ đã giúp cuộc họp nội các ảo đầu tiên diễn ra thuận lợi.

Bên cạnh DDaT Covid-19 Working Group, GDS còn tạo ra Trung tâm tài nguyên Covid-19, xử lý hơn 300 yêu cầu hỗ trợ và cung cấp thông tin hay huy động chuyên gia tại nơi cần nhất. Trung tâm đã đưa 250 chuyên gia DDaT vào những vị trí quan trọng. GDS cũng tạo và vận hành bảng điều khiển DDaT Covid-19, cung cấp bức tranh chi tiết, sống động về điều đang diễn ra trong bộ máy chính phủ dưới hình thức kỹ thuật số, hỗ trợ cộng tác, tránh chồng chéo công việc.

Chỉ từ một vài ví dụ trên đây, có thể thấy bài học quan trọng nhất rút ra từ khủng hoảng là tầm quan trọng phải có một chiến lược kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng công nghệ vững chắc ở cả cấp độ nhà nước và địa phương. Tại Việt Nam, các Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid-19 ở Trung ương và địa phương được thành lập để giúp kết nối tri thức, kinh nghiệm của hai ngành Y tế, TT&TT trong triển khai các giải pháp công nghệ hỗ trợ hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh. Trung tâm có sự hợp tác chặt chẽ giữa những chuyên gia đầu ngành của 2 lĩnh vực Y tế và TT&TT cùng sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trong nước.

Du Lam