Góp phần chuyển đổi số khu vực nông thôn

Hợp tác xã 3T Cam Cao Phong (Hòa Bình) sở hữu sản phẩm cam Cao Phong chính gốc chất lượng cao nhưng giai đoạn trước việc phân phối sản phẩm của hợp tác xã này hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái đến thu mua trực tiếp tại vườn.

Với sự hướng dẫn của các nhân viên Vỏ Sò (Voso.vn), sàn thương mại điện tử (TMĐT) do Tổng Công ty Bưu chính Viettel (ViettelPost) thiết lập, kể từ tháng 10/2020, 3T Cam Cao Phong đã đăng ký bán hàng trên sàn. Đến nay, trung bình mỗi tháng hợp tác xã 3T Cam Cao Phong bán được hơn 8 tạ cam qua sàn Vỏ Sò.

Ngoài việc chủ động hơn trong kinh doanh, tiếp cận được nhiều khách hàng nhờ đưa sản phẩm lên bán trên sàn TMĐT, giá trị thương hiệu sản phẩm của hợp tác xã 3T Cam Cao Phong cũng đã được nâng cao nhờ chú trọng đóng gói cam vào các hộp, set quà biếu, tặng.

Nói về định hướng phát triển của Vỏ Sò, ông Đinh Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc ViettelPost chia sẻ: “Quá trình kết nối trực tiếp đến từng thôn bản trên khắp cả nước, chúng tôi nhận thấy sản vật Việt đa dạng và có tiềm năng nhưng người nông dân bị phụ thuộc nhiều vào thương lái và các phương thức bán hàng truyền thống. Vì vậy, Vỏ Sò đã được cho ra đời để trở thành một công cụ hữu hiệu giúp bà con nông dân đưa các sản phẩm là đặc sản vùng miền đến tận tay người tiêu dùng cuối qua nền tảng trực tuyến”.

Sau hơn 1 năm vận hành, đến nay sàn Vỏ Sò đã có hơn 60.000 nhà cung cấp, trong đó 70% là nhà cung cấp đặc sản, sản vật của các vùng miền. Đặc biệt, ngày 30/10 vừa qua, sàn Vỏ Sò đã ký kết hợp tác với Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương trong việc xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP. Gian hàng OCOP được đặt vị trí trung tâm trên sàn Vỏ Sò, được hưởng các chính sách ưu đãi tốt nhất của sàn và có nhân viên chuyên trách chăm sóc gian hàng, hỗ trợ bán hàng, vận hành cho từng nhà cung cấp.

{keywords}
{keywords}
Ngay từ khi khai trương, sàn TMĐT Postmart đã được VietnamPost định hướng tập trung cung cấp và phân phối các sản phẩm đặc sản vùng miền.

Với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost), thế mạnh về mạng lưới vươn sâu tới tận các xã, phường, thôn, bản cũng là một yếu tố để ngay từ khi khai trương Postmart vào đầu ngoái, VietnamPost đã định hướng sàn TMĐT Postmart tập trung cung cấp và phân phối các sản phẩm đặc sản vùng miền, trong đó sản phẩm OCOP là một trong những danh mục trọng tâm phát triển.

Tiếp đó, hồi tháng 7/2020, để hỗ trợ triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), VietnamPost và Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương đã ký thỏa thuận hợp tác. Theo đó, hai đơn vị thống nhất phát triển Postmart thành sàn giao dịch quy mô quốc gia với các sản phẩm OCOP.

Theo thống kê, đến nay đã có hơn 200 nhà cung cấp, phân phối sản phẩm OCOP đăng ký kinh doanh trên sàn Postmart, tương ứng với hơn 600 sản phẩm OCOP đã được công nhận. Mức độ tiêu thụ sản phẩm đặc sản nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng đang chiếm tỉ trọng rất lớn trong tổng lượng giao dịch của Postmart.

{keywords}
Sản phẩm của các hợp tác xã tại xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn trên sàn TMĐT Postmart.

Đặc biệt, sàn Postmart của VietnamPost đang tham gia cùng Cục Tin học hóa – Bộ TT&TT và các doanh nghiệp viễn thông, CNTT triển khai thí điểm chuyển đổi số tại một số xã, tiêu biểu như Vi Hương (Bạch Thông, Bắc Kạn), Yên Hòa (Yên Mô, Hòa Bình).

“Sau khi được hướng dẫn cách bán hàng qua mạng, các hợp tác xã tại xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn đã bán được hơn 1.000 sản phẩm qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử Postmart”, đại diện Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cho biết.

Dần tạo thói quen bán hàng online cho bà con nông dân

Chia sẻ khó khăn trong triển khai đưa nông sản của bà con nông dân lên bán trên sàn TMĐT Postmart, đại diện Ban Kinh doanh phân phối truyền thông của VietnamPost cho hay, do bà con nông dân chỉ tập trung sản xuất, mới làm quen với công nghệ, bán hàng qua kênh thương mại điện tử nên còn nhiều bỡ ngỡ trong việc thao tác và xử lý đơn hàng. Để tháo gỡ khó khăn này, VietnamPost bố trí các nhân viên bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã hỗ trợ tận nơi cho người dân, dù vậy vẫn cần thời gian để người dân làm quen.

Khó khăn kể trên cũng là thách thức mà đội ngũ vận hành sàn Vò Sò phải đối mặt thời gian qua. Giải pháp đã và đang được sàn Vỏ Sò áp dụng là cử người đến tận nơi đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ người dân làm quen với TMĐT, hướng dẫn từ cách chụp ảnh sản phẩm, viết nội dung giới thiệuch, xây dựng các kịch bản marketing bán hàng, lựa chọn kênh bán, livestream… Mục đích là để mỗi người nông dân trở thành một chủ doanh nghiệp, chủ động nắm thông tin thị trường, mở rộng kênh phân phối, quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

{keywords}
Để giúp bà con nông dân dần quen với phương thức bán hàng online, đội ngũ nhân viên sàn Vỏ Sò đã trực tiếp hướng dẫn cách chụp ảnh sản phẩm, viết giới thiệu, cách livestream sản phẩm...

Được biết, hiện sàn Vỏ Sò đang triển khai số hóa, xây dựng bản đồ đặc sản Việt và giới thiệu văn hóa, quảng bá hình ảnh địa phương, tiềm năng du lịch. Trên bản đồ này, tọa độ của địa danh du lịch, vùng trồng và các cơ sở của nhà cung cấp, quy trình sản xuất, các video giới thiệu sản phẩm.

“Phiên bản 1 của bản đồ đặc sản Việt dự kiến sẽ được cho ra mắt 1/1/2021 và thường xuyên được cập nhật, cải tiến; các sản phẩm được chứng nhận OCOP sẽ xuất hiên trên bản đồ và được chia sẻ rộng rãi trên nhiều kênh truyền thông số”, đại diện ViettelPost chia sẻ.

Bên cạnh đó, thời gian tới, ViettelPost dự định sẽ phối hợp cùng các địa phương để đưa 100% các sản phẩm OCOP lên sàn Vỏ Sò.

Nói về kế hoạch của sàn Postmart với định hướng kích cầu các đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP của các địa phương, đại diện Ban Kinh doanh phân phối truyền thông của VietnamPost cho biết, tới đây Postmart sẽ tiếp tục tiếp xúc và đưa các nhà cung cấp sản phẩm OCOP tham gia kinh doanh trên sàn, cập nhập dữ liệu nhà cung cấp và sản phẩm OCOP mới, đảm bảo phân phối và truyền thông kịp thời các sản phẩm mới.

Cùng với đó, sàn TMĐT Postmart cũng sẽ hỗ trợ thực hiện công đoạn tiếp nhận Hồ sơ đăng ký tham gia chương trình OCOP và tiến hành gửi kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm tại hệ thống bưu cục, văn hóa xã; phối hợp tổ chức các hội thảo, hoạt động kết nối xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng; tham gia dịch vụ thiết kế, sáng tạo hỗ trợ các tổ chức kinh tế OCOP phát triển, nâng tầm mẫu mã, sản xuất bao bì sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên…. 

Trên diễn đàn Quốc hội vào ngày 9/11 vừa qua, trả lời chất vấn của đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) về chuyển đổi số cho bà con miền núi, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chuyển đổi số cho vùng sâu, vùng xa được coi là ưu tiên; vì với chuyển đổi số, chỗ nào càng khó khăn thì chỗ đó chuyển đổi số càng phát huy hiệu quả. Việc chuyển đổi số thì nên bắt đầu từ nơi khó. Hiện Bộ TT&TT đang triển khai thí điểm một số xã thông minh ở vùng sâu, vùng xa và dự kiến cuối năm 2020 sẽ tổ chức sơ kết triển khai thí điểm để sau đó nhân rộng.

Cũng theo người đứng đầu Bộ TT&TT, bên cạnh việc phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng thanh toán điện tử, các nền tảng để chuyển đổi số giáo dục, y tế, hiện nay sàn giao dịch thương mại điện tử để bà con nông dân có thể bán được nải chuối, quả cam… của mình với giá cao hơn, cũng đã sẵn sàng.

 Vân Anh

Thí điểm chuyển đổi số cho các xã, bản khó khăn

Thí điểm chuyển đổi số cho các xã, bản khó khăn

Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT đang thí điểm chuyển đổi số cho một số xã, bản để giúp các địa phương phát triển kinh tế xã hội nhờ công nghệ, tạo cơ sở thực tiễn cho việc triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.