PTIT dự kiến tuyển 170 chỉ tiêu cho 2 ngành mới

Trong phương án tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2021 mới được Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - PTIT công bố, kỳ tuyển sinh năm nay, nhà trường tuyển sinh 3.500 sinh viên cho 12 ngành đào tạo ở cả hai cơ sở Hà Nội và TP.HCM.

Đáng chú ý, Công nghệ tài chính (Fintech), Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa là 2 ngành đào tạo mới được PTIT quyết định mở, bắt đầu tuyển sinh và đào tạo từ năm nay.

Việc mở mới hai ngành đào tạo mới Fintech, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa trình độ đại học không những phù hợp nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công cuộc chuyển đổi số mà còn phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển của Học viện.

{keywords}
Tổng thời gian đào tạo Cử nhân ngành Fintech của PTIT là 4 năm, Kỹ sư ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa là 4,5 năm (Ảnh minh họa)

Trong năm đầu tiên tuyển sinh, ngành Fintech dự kiến tuyển 100 chỉ tiêu và chỉ tuyển tại cơ sở đào tạo Hà Nội. Còn ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa chỉ tuyển tại cơ sở TP.HCM, với chỉ tiêu 70 sinh viên. Đặc biệt, với Fintech, PTIT là trường đầu tiên trong cả nước mở ngành đào tạo đại học hệ chính quy về lĩnh vực này.

Cũng như 10 ngành đào tạo khác của Học viện, năm nay 2 ngành mới Fintech, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa cũng được xét tuyển theo 3 phương thức gồm: Xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và theo Đề án tuyển sinh của Học viện; Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021; Xét tuyển kết hợp theo Đề án tuyển sinh của Học viện.

{keywords}
Ba phương thức tuyển sinh của PTIT trong kỳ tuyển sinh đại học chính quy 2021.

Riêng với phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021, ngành Fintech của Học viện sẽ xét tuyển thí sinh theo 1 trong 3 tổ hợp môn thi: Toán, Lý, Hóa (khối A) hoặc Toán, Lý, Anh văn (khối A1) hoặc Văn, Toán, Anh văn (khối D1). Với ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, tổ hợp môn xét tuyển là A hoặc A1.

Học các ngành Fintech, Tự động hóa của PTIT sẽ làm ở đâu?

Về chương trình đào tạo, ngành Fintech của PTIT có tổng khối lượng kiến thức 133 tín chỉ (không bao gồm nội dung về giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và kỹ năng mềm). Trong đó, 43 tín chỉ kiến thức giáo dục đại cương, 44 tín chỉ kiến thức cơ sở ngành, 36 kiến thức chuyên ngành và 10 tín chỉ thực tập, tốt nghiệp.

Chương trình đào tạo Fintech được thiết kế để cung ứng nguồn nhân lực trình độ cử nhân công nghệ tài chính trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển của nền kinh tế số. Thông qua chương trình, sinh viên sẽ khám phá lý thuyết về tài chính và ứng dụng của chúng cũng như các công nghệ như blockchain, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo có thể tạo đổi mới trong hoạt động tài chính.

Sau khi tốt nghiệp ngành Fintech, sinh viên có đủ năng lực để đảm nhận những vị trí công việc như: các bộ phận quản lý hệ thống thông tin, quản trị phân tích dữ liệu, quản trị và phân tích rủi ro, quản lý dự án công nghệ tại các định chế tài chính; bộ phận phát triển công nghệ tài chính, phát triển sản phẩm dịch vụ tài chính tại các định chế tài chính; bộ phận CNTT, quản lý phát triển kinh tế số tại một số cơ quan nhà nước; bộ phận phát triển sản phẩm và dịch vụ tại các doanh nghiệp công nghệ, công ty khởi nghiệp…

Với ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, chương trình đào tạo nhằm trang bị cho người học những kiến thức cơ bản để phát triển toàn diện, có kiến thức chuyên môn, năng lực thực hành, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo để giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo.

Cụ thể, theo chương trình đào tạo của ngành mới này, tổng khối lượng kiến thức gồm 150 tín chỉ, cũng không bao gồm nội dung về giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và kỹ năng mềm. Cụ thể, bên cạnh 53 tín chỉ kiến thức giáo dục đại cương, sinh viên ngành này còn phải hoàn thành 46 tín chỉ kiến thức cơ sở ngành, 36 kiến thức ngành và chuyên ngành, 3 tín chỉ thực hành chuyên sâu và 12 tín chỉ thực tập, tốt nghiệp.

Sau khi tốt nghiệp, các kỹ sư ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa có đủ năng lực đảm nhận nhiều vị trí công việc trong các cơ quan nhà nước (Sở KHCN, Sở Công Thương, trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng, trung tâm kỹ thuật và ứng dụng công nghệ…); các công ty tư vấn thiết kế, xây lắp, tư vấn giám sát công trình, công ty thương mại về lĩnh vực điện, điện tử, tự động hóa và hệ thống nhúng công nghiệp…; các nhà máy, xí nghiệp sản xuất công nghiệp với vai trò người trực tiếp hay quản lý điều hành; hoặc làm công tác đào tạo, nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục, trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ về điện, điện tử và tự động hóa.

M.T 

Nhân đôi sức mạnh để đưa PTIT thành đại học hàng đầu về đào tạo công nghệ số

Nhân đôi sức mạnh để đưa PTIT thành đại học hàng đầu về đào tạo công nghệ số

Nếu biết cách làm, phân vai rõ để Hội đồng Học viện và Ban Giám đốc hỗ trợ nhau, mô hình 2 lớp sẽ giúp Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) nhân đôi sức mạnh, đưa trường thành đại học đào tạo công nghệ số hàng đầu.