Năm 2019, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - PTIT dự kiến tuyển sinh 3.600 sinh viên hệ đại học chính quy, tăng 5% so với kết quả tuyển sinh năm 2018 (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Nhận định năm 2019 cũng là năm được dự báo lĩnh vực ICT tiếp tục là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của xã hội và người học với sự bùng nổ mạnh mẽ của phong trào sáng tạo, khởi nghiệp và nền tảng là thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), đại diện Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông – PTIT nhấn mạnh, điều đó tiếp tục tạo áp lực buộc các trường đại học phải đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo và mở thêm các ngành nghề đào tạo mới.

Trong bối cảnh đó, PTIT cũng xác định rõ năm 2019, sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để hoàn thiện các cơ chế tự chủ, tăng cường hiệu quả hoạt động, nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh dịch vụ khoa học công nghệ tạo sức bật để tiếp tục khẳng định vị thế trường hàng đầu về ICT và nâng cao vị thế của Học viện trong hệ thống giáo dục Việt Nam và trong khu vực.

Đáng chú ý, trong năm 2019, cùng với việc triển khai xây dựng và ban hành Quy định về xây dựng, hiệu chỉnh chương trình đào tạo của Học viện, PTIT cũng dự định sẽ mở mới 2 ngành đào tạo đại học chính quy là ngành Kỹ thuật Điều khiển - Tự động hóa và ngành Công nghệ IoT; đồng thời chuẩn bị phương án để mở 2 ngành đào tạo đại học chính quy khác là ngành Kỹ thuật Dữ liệu và ngành Logistic.

Cùng với đó, năm nay, Học viện dự kiến sẽ mở mới 1 chương trình đào tạo đại học lĩnh vực ICT bằng tiếng Anh (ngành CNTT dạy bằng tiếng Anh); mở mới 1 chương trình đào tạo đại học Chất lượng cao theo Thông tư 23 năm 2014 của Bộ GD&ĐT quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học; triển khai kiểm định chất lượng 1 chương trình đào tạo đại học theo chuẩn Việt Nam; mở 2 ngành đào tạo Đại học từ xa gồm ngành Truyền thông Đa phương tiện và ngành Marketing.

Đặc biệt, thời gian tới PTIT sẽ tiến hành biên soạn và hiệu chỉnh hệ thống học liệu theo hướng tăng cường số lượng Giáo trình do Học viện biên soạn, tổ chức in ấn chính quy để cung cấp cho sinh viên; đồng thời đổi mới các chương trình đào tạo đại học theo định hướng đáp ứng nhu cầu nhân lực cho CMCN 4.0 trong đó tăng cường thời lượng thí nghiệm thực hành.

Về kế hoạch tuyển sinh, theo báo cáo công tác năm 2019 của Học viện, năm nay nhà trường dự kiến tuyển 3.600 sinh viên hệ đại học chính quy, tăng 5% so với năm 2018; tuyển sinh tối thiểu 1 lớp Liên kết đào tạo quốc tế với số lượng sinh viên đạt 30 sinh viên; tuyển sinh 01 lớp đào tạo đại học ngành CNTT 100% tiếng Anh. Bên cạnh đó, Học viện cũng có kế hoạch tuyển sinh 200 học viên Cao học, tăng 11% so với năm ngoái; tuyển sinh hệ Đào tạo phi chính quy, Cao đẳng nghề đạt 600 sinh viên.

Trong năm 2018, kết quả tuyển sinh hệ đại học chính quy đã tiếp tục khẳng định PTIT là một trong những đơn vị đào tạo nhân lực ICT có có sức hút cao đối với xã hội. Cụ thể,  trong năm ngoái, Học viện đã tuyển được 3.572 sinh viên vào 10 ngành đào tạo đại học chính quy cho 2 cơ sở Hà Nội và TP.HCM với điểm tuyển sinh đầu vào tiếp tục duy trì trong nhóm các trường top đầu.

Về tuyển sinh hệ Sau đại học, năm 2018 Học viện đã triển khai tăng cường liên kết và đào tạo theo đặt hàng của các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài ngành. Cùng với đó, trong năm ngoái, các hệ đào tạo phi chính quy và cao đẳng nghề  của Học viện đã bắt đầu được khởi động lại mạnh hơn.

Đối với nhiệm vụ xây dựng chương trình đào tạo, học liệu, trong năm 2018, Học viện đã tổ chức xây dựng, thẩm định, và mở ngành Thương mại Điện tử bậc Đại học và tuyển sinh từ năm học 2018-2019; mở mới chuyên ngành Phân tích dữ liệu marketing số trong ngành Marketing trình độ đại học, mở mới chuyên ngành kế toán chuẩn quốc tế (ACCA/CFA); triển khai 1 chương trình trao đổi sinh viên với Đại học Palermo – Italia.

Được biết, chương trình đào tạo 2 ngành dự kiến mở mới trong năm 2019 là Kỹ thuật Điện tử-Tự động hóa, Công nghệ IoT hiện đang được Học viện triển khai xây dựng.

Ngoài ra, nhà trường cũng đang cải tiến/hiệu chỉnh chương trình Chất lượng cao ngành CNTT theo hướng tăng cường liên thông với các chương trình tiên tiên nước ngoài; hiệu chỉnh và ban hành, sử dụng chung trong toàn Học viện chương trình chi tiết ngành Truyền thông đa phương tiện.