Trong khuôn khổ hợp tác đã ký kết giữa Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) và tập đoàn Naver, trong cả ngày 30/10, 2 đơn vị sẽ phối hợp tổ chức trực tuyến Ngày hội trí tuệ nhân tạo “AI NOW: ACADEMIC & CAREER”.

Góp mặt trong hội thảo là các chuyên gia hàng đầu về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam và Hàn Quốc. Các chuyên gia sẽ trao đổi, thảo luận về đào tạo và nghề nghiệp liên quan đến trí tuệ nhân tạo; nhận định về hướng phát triển CNTT; nhu cầu tuyển dụng nhân sự trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam và thế giới…

{keywords}
Hội thảo “AI NOW: ACADEMIC & CAREER” sẽ được PTIT và Naver tổ chức trực tuyến vào ngày 30/10. (Ảnh minh họa)

Gồm 3 nội dung chính là tọa đàm “Tương lai ngành AI và nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao”,  thảo luận bắt đầu với ngành AI như thế nào? và webinar về “Ứng dụng AI trong cuộc sống và vận hành doanh nghiệp - Những đại diện Việt Nam tiêu biểu”, sự kiện được kỳ vọng là cầu nối chia sẻ kinh nghiệm giữa các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo và nghề nghiệp liên quan đến AI.

Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển các dự án AI và dữ liệu đa phương tiện giữa các nước thuộc “Vành đai Nghiên cứu và Phát triển AI toàn cầu”; lan tỏa tầm ảnh hưởng của AI trong đời sống tới các học sinh sinh viên, những cá nhân, tổ chức quan tâm đến đào tạo và tìm kiếm nguồn nhân lực cao về AI.

“Tuy lần đầu tiên được tổ chức, nhưng hội thảo “AI NOW: ACADEMIC & CAREER” đã đánh trúng trọng tâm và nhu cầu thiết yếu của ngành AI tại Việt Nam và trên thế giới. Bởi nguồn nhân lực chất lượng cao đang rất thiếu và lĩnh vực AI thì quá rộng mở, cần rất nhiều đầu tư nghiên cứu, khai thác, áp dụng vào cuộc sống hàng ngày”, PGS.TS Phạm Văn Cường, Trưởng Phòng nghiên cứu quốc tế về AI và Dữ liệu đa phương tiện tại PTIT nhận định.

Theo các chuyên gia, đi cùng với làn sóng ứng dụng AI vào cuộc sống ngày càng phổ biến là cơn khát nhân sự CNTT trong lĩnh vực nghiên cứu AI ở Việt Nam và trên thế giới. Nhất là khi AI - công nghệ tương lai được xem là một trong những yếu tố cốt lõi trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số ở Việt Nam.

Ông Trần Trung Hiếu, CEO nền tảng công nghệ tuyển dụng TopCV cho hay, nguồn cung nhân sự AI ở Việt Nam mới đáp ứng 10% nhu cầu tuyển dụng của thị trường trong nước, chưa kể thị trường nước ngoài còn rất nhiều cơ hội.

Để thúc đẩy đào tạo nhân lực AI chất lượng cao và hoạt động nghiên cứu công nghệ tương lai, từ tháng 8/2020, PTIT và Naver đã hợp tác xây dựng Phòng nghiên cứu Quốc tế về AI và Dữ liệu đa phương tiện. Đây là một hoạt động nằm trong chương trình “Vành đai Nghiên cứu và Phát triển AI toàn cầu” của Naver.  

Đến nay, 3/5 dự án nghiên cứu hợp tác giữa PTIT và Naver đã bước vào giai đoạn cuối. Dự kiến, cuối năm 2021 có thể công bố thành quả đạt được. Các hoạt động khác của phòng nghiên cứu cũng được thúc đẩy tích cực như đào tạo nhân lực chất lượng cao, trao học bổng nghiên cứu và làm việc tại các nước thuộc Vành đai...

Ngoài ra, Naver đang xây dựng Trung tâm lập trình tại TP.HCM và có tiến trình tuyển dụng hơn 300 lập trình viên làm việc tại Việt Nam cho các dự án, dịch vụ của Naver và Naver Labs. Đây là đợt tuyển dụng lớn nhất của doanh nghiệp công nghệ Hàn Quốc này tại Việt Nam.

Vân Anh

Ra mắt Phòng nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo tại PTIT

Ra mắt Phòng nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo tại PTIT

Trước khi Phòng nghiên cứu quốc tế về AI và dữ liệu đa phương tiện tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) ra mắt, các chuyên gia PTIT và các trưởng nhóm của Naver Labs châu Âu đã thực hiện những dự án nghiên cứu đầu tiên.