Ông Pierre Bonnet, CO - founder Orchestra Networks

Orchestra từng là công ty khởi nghiệp nhưng giờ đã trở thành công ty toàn cầu chuyên về giải pháp quản lý dữ liệu. Khi mới khởi nghiệp, Orchestra có gặp khó khăn gì không? Cách ông vượt qua khó khăn này thế nào?

Chúng tôi thành lập công ty năm 2000, Orchestra Networks đã được xác định giá trị cốt lõi là quản lý dữ liệu. Nhưng vào thời điểm đó mức độ tăng trưởng của thị trường rất hạn chế. Một vài tháng sau khi chúng tôi thành lập công ty, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán do bong bóng Internet đã "đóng băng" hoạt động kinh doanh trên toàn thế giới mất vài năm.

Orchestra Networks đã bắt đầu hành trình bằng việc tập trung nguồn lực vào việc phát triển phiên bản đầu tiên của sản phẩm, góp phần hỗ trợ một số khách hàng đầu tiên của mình trong việc chuẩn bị hoạt động của họ cho giai đoạn sau khủng hoảng. Trong 5 năm đầu, Orchestra Networks là một công ty khởi nghiệp với khả năng tài chính hạn chế, tập trung vào một đội ngũ kỹ sư phần mềm tinh gọn để xây dựng ngay từ đầu một nền tảng quản lý dữ liệu vững chắc. Sau 5 năm nỗ lực, công nghệ của chúng tôi cuối cùng đã được thị trường đón nhận và được các nhà phân tích cũng như khách hàng đặt tên là “Master Data Management” (MDM), từ đó chúng tôi hoàn toàn chú tâm vào công nghệ này.

Trong quá trình phát triển công ty, thời điểm nào các ông quyết định để Orchestra Networks chuyển từ Start up sang Smart up?

Chúng tôi đã phải trải qua 2 giai đoạn khởi nghiệp. Trong 5 năm đầu (2000-2005), công ty bắt đầu làm việc với một số khách hàng đầu tiên và tập trung đầu tư chủ yếu cho phát triển phần mềm. Giai đoạn khởi nghiệp thứ hai nằm ở giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2010, khi đó chúng tôi bắt đầu được thị trường và các tổ chức phân tích uy tín như Gartner công nhận. Thời điểm đó, chúng tôi đầu tư toàn bộ lợi nhuận vào việc để củng cố đội ngũ kỹ thuật và tiếp thị giải pháp của mình ở thị trường Pháp và Châu Âu.

Từ năm 2010, công ty chuyển sang giai đoạn ‘Smart up’ bằng cách tăng cường khả năng thương mại và tiếp thị của mình đồng thời tiếp tục mở rộng sang thị trường Mỹ. Hiện nay, sản phẩm của chúng tôi được các hãng phân tích xếp hạng trong nhóm dẫn đầu thế giới về Quản Trị Dữ Liệu (Data Management and Data Governance) và chúng tôi đang thực hiện một bước chuyển đổi mới từ Smart up thành “Doanh nghiệp bền vững”, một công ty với tầm nhìn dài hạn với nền tảng vững chắc cho thế hệ tương lai.

Cho đến thời điểm này, các ông đã phát triển thành doanh nghiệp toàn cầu với hơn 200 khách hàng lớn trên toàn thế giới. Vậy giá trị lớn nhất mà Orchestra Networks mang đến cho khách hàng là gì bằng giải pháp của mình?

Orchestra Networks hoạt động thuần túy trong lĩnh vực quản trị dữ liệu. Chúng tôi cung cấp cho thị trường một giải pháp "tất cả trong một" để quản lý và áp dụng các quy trình quản trị trên dữ liệu của khách hàng. Phần mềm của chúng tôi mang đến tất cả các tính năng hỗ trợ người sử dụng bao gồm: mô hình hóa dữ liệu, tạo dữ liệu, tìm kiếm thông tin, kiểm tra dữ liệu, kiểm soát chất lượng, phân tích dữ liệu, quy trình phê duyệt dữ liệu, v.v. Giải pháp được dựa trên cách tiếp cận mô hình dữ liệu sáng tạo được gọi là "model driven - định hướng mô hình". Điều này có nghĩa là từ một mô hình dữ liệu, tất cả các tính năng của nền tảng có thể được tự động sinh ra để cung cấp giải pháp sẵn sàng cho người dùng cuối. Như vậy, các doanh nghiệp và người quản lý không cần có kỹ năng lập trình cụ thể nào khi thiết lập cách sử dụng chung cho quản trị dữ liệu ở doanh nghiệp, tổ chức của mình. Sau đó, một API (Application Program Interface) phong phú (microservices) sẽ cho phép thích ứng phần mềm phù hợp với tình hình của từng tổ chức và công ty. Phương pháp tiếp cận theo mô hình này cũng rất quan trọng để tránh bất kỳ biến động lớn cho hệ thống thông tin của khách hàng.

Trên thực tế, các công ty lớn như Citibạnk, Paramount, TechnipFMC, United Technology, Burger King… đã sử dụng giải pháp này của chúng tôi mà không gây biến động lớn nào cho hệ thống thông tin của họ. Điều này cho thấy, việc triển khai quản lý và quản trị dữ liệu tăng dần và linh hoạt vô cùng cần thiết cho các tổ chức doanh nghiệp trong quá trình số hóa. Nhờ vào quy trình kỹ thuật “định hướng mô hình”, mô hình dữ liệu có thể trở nên phong phú thêm theo thời gian. Đây là điểm mạnh lớn của giải pháp của chúng tôi mà rất ít doanh nghiệp nào trên thị trường cung cấp được.

Tại hội thảo "Quản trị dữ liệu: Thách thức thời 4.0" lần này do Orchestra Networks tổ chức, ông có chia sẻ gì với các doanh nghiệp và tổ chức ở Việt Nam? Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển lĩnh vực quản lý dữ liệu tại thị trường Việt Nam?

Orchestra Networks sẽ mới các doanh nghiệp, nhà quản lý đến hội thảo “Quản trị dữ liệu: Thách thức vượt tầm công nghiệp 4.0” (Data Management: The new challenge beyond industry 4.0) sẽ được tổ chức vào ngày 13 tháng 12 tới tại Hà Nội.

Mục tiêu đầu tiên mà chúng tôi tổ chức hội thảo này là kết nối các nhân tố trong việc chia sẻ kiến thức và thực hành về tầm quan trọng của việc quản lý tốt dữ liệu. Phần lớn thời gian, dữ liệu được quản lý với quy trình không đủ chất lượng Chúng tôi hi vọng qua sự kiện này sẽ cung cấp cho người tham dự những kinh nghiệm sử dụng dữ liệu hợp lý để hỗ trợ cho các phân tích và ra quyết định của doanh nghiệp. Đặc biệt, với một thị trường phát triển nhanh, việc kiểm soát lưu thông tin lớn, kiến thức, dữ liệu... đóng vai trò rất quan trọng. Khả năng điều phối cách kinh doanh cho phù hợp với luật lệ quốc tế cũng là một phần quan trọng trong quản lý dữ liệu. Việt Nam là một thị trường đang phát triển rất nhanh và chúng tôi tin tưởng rằng sự kiện này sẽ là một cơ hội tốt để thúc đẩy cơ hội cho giải pháp quản lý dữ liệu đem lại hiệu quả cho các tổ chức và doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam.

Cảm ơn ông!