UBND tỉnh Quảng Nam vừa yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, sẵn sàng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo mới này của UBND tỉnh Quảng Nam nhằm thực hiện Nghị quyết 128 ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

{keywords}
Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử đang giúp nhiều địa phương tiết kiệm thời gian, người dân nhận kết quả online (Ảnh minh họa)

Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở TT&TT khẩn trương triển khai phần mềm quản lý xét nghiệm tại các cơ sở y tế được cấp phép xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 và các đơn vị xét nghiệm khẳng định Covid-19.

Đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ sở y tế được cấp phép xét nghiệm Covid-19 triển khai ngay phần mềm quản lý xét nghiệm đảm bảo hoàn thành đưa vào sử dụng trước ngày 30/10/2021.

Sở Y tế cũng được yêu cầu khai thác sử dụng dữ liệu từ phần mềm PC-Covid vào kiểm soát dịch bệnh Covid-19; chỉ đạo các cơ sở y tế cập nhật kịp thời dữ liệu tiêm vắc xin hằng ngày vào phần mềm quản lý tiêm chủng tại địa chỉ tiemchungcovid19.moh.gov.vn.

Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh, Sở Công Thương Quảng Nam có trách nhiệm yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cung cấp danh sách công nhân, người lao động làm việc tại đơn vị mình để cập nhật vào phần mềm quản lý công nhân, đảm bảo hoàn thành trước ngày 30/10.

Các Sở, ban, ngành, hội, đoàn thể và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cần yêu cầu công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, người lao động cài đặt và sử dụng ứng dụng PC-Covid; thực hiện khai báo y tế, khai báo di chuyển nội địa thông qua ứng dụng này.

Bên cạnh đó, các Sở, ban, ngành, hội, đoàn thể và doanh nghiệp cũng được yêu cầu tạo và sử dụng mã QR cho cơ quan, đơn vị mình trên ứng dụng PC-Covid; và thực hiện kiểm soát vào/ra cơ quan, đơn vị hằng ngày với khách đến, đi thông qua mã QR trên ứng dụng PC-Covid.

Cùng với 2 nền tảng quản lý tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, khai báo y tế và quản lý người vào ra địa điểm bằng mã QR, nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến cũng là 1 trong 3 nền tảng công nghệ được Bộ TT&TT và Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương triển khai thống nhất.

Nền tảng này giúp giảm khoảng 50% thời gian lấy mẫu xét nghiệm bằng việc quét và lưu thông tin người xét nghiệm qua mã QR trên ứng dụng di động so với trước đây làm bằng cách thủ công.

Theo thống kê, đến ngày 18/10/2021, nền tảng quản lý xét nghiệm đã hỗ trợ 5.408.207 lượt người lấy mẫu, thực hiện trả kết quả xét nghiệm qua ứng dụng di động cho 1.612.167 lượt người dân tại các tỉnh, thành phố.

Có thể kể đến một số địa phương triển khai tốt nền tảng quản lý xét nghiệm như: Quảng Ninh - tất cả các cơ sở xét nghiệm đã gửi kết quả lên nền tảng và chấp nhận kết quả xét nghiệm trên ứng dụng Bluezone/PC-Covid có giá trị xác minh tương đương kết quả giấy; Tây Ninh và Đồng Tháp áp dụng nền tảng nhanh chóng và toàn diện nhất; TP.HCM và Hải Dương đi đầu và đã áp dụng rất hiệu quả nền tảng để trả kết quả xét nghiệm cho người dân qua PC-Covid. 

PC-Covid, ứng dụng phòng chống dịch được tích hợp các tính năng đã có trên những ứng dụng chống dịch trước đó, được đưa lên các kho ứng dụng App Store, Google Play vào tối 30/9. Tính đến ngày 18/10, cả nước đã có hơn 26,2 triệu người dùng ứng dụng PC-Covid, chiếm 27,36% dân số và 39,36% số smartphone.

Với 347.480 lượt cài ứng dụng, Quảng Nam hiện xếp thứ 25 trên cả nước về tỷ lệ PC-Covid trên dân số và thứ 20 về tỷ lệ ứng dụng trên tổng số smartphone.

Vân Anh

Người dùng cần làm gì để có đủ thông tin chính xác trên ứng dụng PC-Covid?

Người dùng cần làm gì để có đủ thông tin chính xác trên ứng dụng PC-Covid?

PC-Covid, ứng dụng (app) tổng hợp các tính năng hiện có của một số app chống dịch, mới được giới thiệu đến người dùng. Đây cũng là app được phát triển để phục vụ hàng triệu dân, kết nối nhiều cơ sở dữ liệu lớn về phòng chống dịch.