Từ ngày 29/9, hệ thống tự động kiểm soát người ra vào các địa phương (còn gọi là hệ thống kiểm soát y tế tự động) đã được thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh phối hợp cùng đơn vị phát triển là Công ty HANET Technology thuộc G-Group vận hành chạy thử nghiệm, kết nối đồng bộ dữ liệu tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở trạm thu phí cầu Bạch Đằng trên địa bàn thị xã Quảng Yên.

Chốt kiểm soát nằm trên cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, tuyến giao thông huyết mạch kết nối Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, trung bình mỗi ngày có khoảng 3.000 lượt phương tiện qua lại. 

{keywords}
Hệ thống kiểm soát tự động giúp cho các cán bộ trực chốt ở trạm thu phí cầu Bạch Đằng, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh hạn chế tiếp xúc, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính.

Theo đại diện UBND thị xã Quảng Yên, những ngày qua, hệ thống kiểm soát y tế tự động đã giúp cán bộ trực chốt hạn chế tiếp xúc gần với người dân, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh, đồng thời rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.

Chia sẻ về lý do nghiên cứu, phát triển hệ thống kiểm soát y tế tự động, đại diện đơn vị phát triển cho biết, hiện nay, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã nới lỏng giãn cách, mật độ lưu thông hàng hóa, giao thương cũng như di chuyển giữa các cửa ngõ cũng trở nên đông đúc hơn.

Hoạt động lưu thông qua chốt kiểm dịch cần được kiểm soát thật chặt chẽ để đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, những giải pháp công nghệ giúp đơn giản hóa thủ tục kiểm tra hành chính được kỳ vọng sẽ hỗ trợ đắc lực cho cán bộ quản lý phòng dịch Covid-19 tại các địa phương.

“Việc nghiên cứu, phát triển và đưa vào vận hành giải pháp công nghệ hỗ trợ kiểm soát y tế tự động của chúng tôi cũng là một hoạt động nhằm góp sức cho công cuộc phòng chống dịch, chung tay cùng cả nước sớm đẩy lùi dịch bệnh. Hệ thống này được vận hành sẽ đảm bảo an toàn cũng như giảm tải công việc cho các cán bộ tại nhiều điểm trực chốt kiểm soát dịch quan trọng”, đại diện đơn vị phát triển giải pháp cho hay.

{keywords}
Người dân quét mã QR trên camera của cây khai báo tự động.

Cũng theo giới thiệu của đơn vị phát triển, hệ thống kiểm soát y tế tự động được tích hợp với camera trí tuệ nhân tạo và cổng kiểm soát tự động để nhận diện từng người ra vào chốt. Người dân khai báo di chuyển nội địa trên ứng dụng PC-Covid, sau đó quét mã QR trên camera của cây khai báo tự động. Camera quét mã QR tự động xử lý nhanh hơn nhiều so với quét mã bằng điện thoại cá nhân.

Nếu dữ liệu trên hệ thống ghi nhận người dân đã xét nghiệm PCR âm tính và dữ liệu tiêm vắc xin được cập nhật, cán bộ y tế chỉ cần xác minh danh tính người dân ở bước cuối cùng để hoàn tất khâu kiểm tra khi qua điểm chốt.

{keywords}
Người dân có thể khai báo thông tin xét nghiệm và tiêm vắc xin phòng Covid-19 ngay tại cây khai báo, không phải tiếp xúc gần cán bộ trực chốt.

Trường hợp dữ liệu xét nghiệm và tiêm vắc xin của người dân chưa được cập nhật, người dân có thể chủ động khai báo bằng cách đặt giấy tờ lên mặt kính của thiết bị này và bấm nút chụp ảnh, tránh tiếp xúc gần. Cán bộ trực sẽ kiểm tra, dữ liệu được lưu lại lần sau không cần kiểm tra lại nếu còn thời hạn.

Điểm khác biệt của AI camera được tích hợp tại Hệ thống kiểm soát tự động là giải pháp lưu trữ khác biệt, không cần sử dụng thẻ nhớ hay đầu ghi hình. Tất cả dữ liệu camera thu thập đều được lưu trên cloud và chỉ chủ nhân của thiết bị mới có quyền xóa.

“Cách thức hoạt động này nhằm bảo vệ thông tin tối đa, tránh những tình huống thẻ nhớ, ổ cứng bị hỏng hoặc bị đánh cắp. Với dung lượng bộ nhớ trong lên đến 8GB và số lượng khuôn mặt có thể ghi nhớ lên đến 50.000 khuôn mặt, thiết bị giúp việc quản lý người dân ra vào điểm trực chốt trở nên vô cùng dễ dàng và đơn giản”, đại diện đơn vị phát triển giải pháp thông tin thêm.

Thời gian tới, từ kết quả triển khai thử nghiệm tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, đơn vị vị phát triển hệ thống kiểm soát y tế tự động sẽ xúc tiến việc mở rộng triển khai tại nhiều địa phương khác, ở các khu vực như sân bay, bệnh viện, trung tâm thương mại, chốt giao thông kiểm soát Covid-19… 

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, Quảng Ninh cũng được đánh giá là 1 trong những tỉnh, thành phố đã và đang triển khai hiệu quả các nền tảng công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch, trong đó có 3 nền tảng được Bộ TT&TT và Bộ Y tế chọn dùng chung thống nhất toàn quốc gồm: nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng QR Code; nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến; nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19.

Với tổng số 618.370 người dùng cài đặt và sử dụng ứng dụng phòng chống dịch PC-Covid, hiện Quảng Ninh đang xếp vị trí thứ 4 toàn quốc về tỷ lệ PC-Covid trên dân số (46,83%), chỉ sau Bình Dương, Bắc Ninh và TP.HCM. Việc đẩy mạnh triển khai nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng QR Code tại Quảng Ninh, theo đại diện Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia, đã duy trì sự bình yên cho địa phương này. Bởi lẽ, mỗi khi phát hiện 1 ca nhiễm dịch trong cộng đồng, cơ quan chức năng đều đã sử dụng công nghệ để truy vết, phát hiện nhanh các trường hợp liên quan.

Cùng với đó, Quảng Ninh là một trong số các tỉnh điển hình trong triển khai nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến. Địa phương này đã đôn đốc tất cả các cơ sở xét nghiệm gửi kết quả lên nền tảng và chấp nhận kết quả xét nghiệm trên ứng dụng di động, có giá trị xác minh tương đương kết quả giấy.

Vân Anh

Quảng Ninh công nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 của người dân trên ứng dụng Bluezone

Quảng Ninh công nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 của người dân trên ứng dụng Bluezone

Các chốt kiểm soát, lực lượng chức năng phòng chống dịch của Quảng Ninh sẽ chấp nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 của người dân trên ứng dụng Bluezone khi thực hiện quét mã QR tại các chốt kiểm dịch trên địa bàn tỉnh.