{keywords}
Bộ TT&TT vừa tổ chức lễ ra mắt nền tảng công nghệ xử lý giọng nói tiếng Việt ứng dụng trí tuệ nhân tạo VAIS và Vbee.

Chiều ngày 19/6/2020, Bộ TT&TT tổ chức lễ ra mắt các nền tảng công nghệ xử lý giọng nói tiếng Việt ứng dụng trí tuệ nhân tạo VAIS và Vbee. Đây là một hoạt động trong chuỗi sự kiện giới thiệu các nền tảng số “Make in Vietnam” nhằm thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng bày tỏ sự tin tưởng, với năng lực sáng tạo của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và tiềm năng to lớn của thị trường trong nước, sẽ ngày càng nhiều các nền tảng số tham gia “Chương trình chuyển đổi số quốc gia”. Từ đó góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số trong chính phủ, kinh tế và xã hội.

Về hai nền tảng số mới được Bộ TT&TT giới thiệu lựa chọn giới thiệu và bảo trợ về truyền thông, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhận định, nền tảng chuyển đổi giọng nói tiếng Việt thành văn bản VAIS và nền tảng giọng nói nhân tạo tiếng Việt tự nhiên Vbee là 2 nền tảng số “Make in Vietnam” tiên phong về công nghệ lõi “Speech - to - Text” và “Text - to - Speech” sử dụng trí tuệ nhân tạo để chuyển đổi giữa giọng nói và văn bản tiếng Việt.

Theo giới thiệu của đại diện nhóm phát triển Vbee, với hơn 10 năm nghiên cứu và phát triển chuyên sâu, nền tảng công nghệ Vbee có những đặc trưng cơ bản như: công nghệ Vbee có thể học theo bất kỳ giọng của một người nào đó trong vòng 4 giờ đồng hồ với độ tương tự trên 95%; giọng nói Vbee đa dạng vùng miền (Bắc, Trung, Nam...), giới tính và độ tuổi (Nam, Nữ). Công nghệ giọng nói nhân tạo Vbee còn có thể dự đoán cách đọc, các từ viết tắt, từ vay mượn, các từ ngữ đặc trưng của tiếng Việt mà các giải pháp nước ngoài không thể.

Bên cạnh đó, Vbee cũng đã xây dựng thành công nền tảng Vbee cloud (https://www.vbee.vn), cho phép người sử dụng, doanh nghiệp, lập trình viên có thể sử dụng trực tiếp hoặc qua tích hợp (API) một cách dễ dàng và thuận tiện.

Có thể kể đến những đóng góp của Vbee cho các giải pháp trong lĩnh vực sử dụng giọng nói nhân tạo như: giải pháp về nội dung nhân tạo (sách nói, báo nói, lồng tiếng phim tự động, thu âm tự động…), giải pháp về tổng đài nhân tạo (vận tải, tài chính, thương mại điện tử…), giải pháp nhà thông minh (giao tiếp với thiết bị qua ngôn ngữ), giải pháp chatbot chăm sóc, tư vấn khách hàng.

Đối với VAIS, nền tảng công nghệ chuyển giọng nói tiếng Việt thành văn bản này có những đặc trưng như: nhận dạng được đầy đủ giọng nói cả 3 miền Bắc, Trung, Nam với độ chính xác lên đến 95%; chuyển đổi giọng nói tiếng Việt thành văn bản với kết quả tức thì, với tốc độ vượt trội có thể nhanh gấp 500 lần thời lượng âm thanh.

VAIS cũng hỗ trợ nhận dạng tốt trong môi trường nhiễu và ở khoảng cách xa. Đặc biệt, nền tảng này có tính năng chuẩn hóa văn bản đầu ra: tên riêng, ngày, tháng, số…, hỗ trợ nhiều loại định dạng âm thanh đầu vào; cung cấp giải pháp cho người dùng trực tiếp hoặc kết nối thông qua API tại https://vais.vn.

Trên thực tế, nền tảng VAIS hiện đã được nhiều cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương sử dụng như Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ TT&TT, UBND TP.Hà Nội cùng hơn 50 đơn vị báo chí, truyền hình để phục vụ gỡ băng bài phát biểu tại các kỳ họp, sự kiện. Nền tảng Vbee đã cung cấp dịch vụ cho hơn 20.000 khách hàng cá nhân, hơn 500 doanh nghiệp, tổng công ty, sử dụng rộng rãi trong 3 lĩnh vực chính bao gồm Tổng đài tự động, giải pháp tương tác thiết bị thông minh, nội dung số tự động.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại lễ ra mắt 2 nền tảng VAIS và Vbee.

Chia sẻ tại lễ ra mắt, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhận định, xu thế tự động hoá và tương tác giọng nói vào các thiết bị thông minh như nhà thông minh, thiết bị trên ô tô, giao thông thông minh, thành phố thông minh, tương tác người máy… chắc chắn là xu thế bắt buộc trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

“Cả hai nền tảng VAIS và Vbee đều đứng trước thị trường rộng lớn với hơn 96 triệu dân, 700.000 doanh nghiệp, 126 triệu thuê bao điện thoại di động và tỷ lệ người sử dụng Internet Việt Nam đạt 68,7% theo số liệu thống kê năm 2019”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng cũng cho rằng, nền tảng chuyển đổi tiếng nói tiếng Việt thành văn bản VAIS cũng có tiềm năng lớn với khối cơ quan nhà nước với 22 Bộ, cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm toàn bộ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp các cấp.

Đặc biệt, công nghệ giọng nói tiếng Việt có thể được ứng dụng vào các sản phẩm và dịch vụ, cung cấp cho cộng đồng người khiếm thị và người bị câm, giúp người khuyết tật dễ dàng tiếp cận thông tin và sản xuất thông tin, mang lại ý nghĩa xã hội to lớn.

Trước sự kiện ra mắt 2 nền tảng VAIS và Vbee, để thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực, Bộ TT&TT đã liên tục giới thiệu các nền tảng như: nền tảng phục vụ nhu cầu học tập, đào tạo trực tuyến; nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe trực tuyến VOV Bacsi24; nền tảng điện toán đám mây Việt; nền tảng mã bưu chính Vpostcode; các nền tảng hộ nghị truyền hình trực tuyến Zavi, Comeet; nền tảng quản trị tổng thể doanh nghiệp 1Office. 

Trao đổi với báo chí bên lề sự kiện, Cục trưởng Cục Tin học (Bộ TT&TT) Nguyễn Huy Dũng cho biết, đến nay Bộ TT&TT đã cho ra mắt 10 nền tảng khác nhau, trong đó có những nền tảng đã được thị trường chấp nhận và sử dụng phổ biến, cũng có những nền tảng mới.

Qua việc sử dụng, phản hồi và đánh giá, có thể thấy các nền tảng số Việt Nam có chất lượng không thua kém các sản phẩm tương tự của nước ngoài, thậm chí ở một số lĩnh vực ngách, chúng ta còn làm tốt hơn. Ví dụ như, trong xử lý giọng nói tiếng Việt chúng ta làm tốt hơn; hay nền tảng học trực tuyến của Việt Nam đáp ứng linh hoạt hơn các nền tảng nước ngoài, có thể kết hợp học với thi và quản lý giáo dục.

“Ngoài ra, các nền tảng công nghệ “Make in Vietnam” có lợi thế hơn rõ ràng so với các nền tảng nước ngoài là sử dụng toàn bộ băng thông đường truyền là trong nước nên chi phí rẻ hơn và tốc độ nhanh hơn”, ông Dũng thông tin thêm.

Vân Anh

Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số vào năm 2030

Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số vào năm 2030

“Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được phê duyệt, với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.