Giải pháp định danh điện tử hoàn toàn do người Việt làm chủ

Lễ ra mắt nền tảng định danh điện tử VNPT eKYC vừa được Bộ TT&TT tổ chức ngày 23/10 tại Hà Nội.

{keywords}
Các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt nền tảng định danh điện tử “Make in Vietnam” VNPT eKYC.

Là sản phẩm do VNPT làm chủ hoàn toàn về công nghệ, VNPT eKYC giúp xác minh, nhận dạng và trích xuất thông tin chính xác từ hình ảnh và giấy tờ cá nhân. Nền tảng được nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện dựa trên các công nghệ mũi nhọn của cách mạng 4.0 như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, nhận dạng sinh trắc học.

Chia sẻ tại sự kiện ra mắt, ông Ngô Diên Hy, Tổng giám đốc VNPT IT nhấn mạnh, một trong những yếu tố quan trọng và cấp thiết hàng đầu của công cuộc chuyển đổi số chính là định danh điện tử. “Vì thế, để cụ thể hóa mục tiêu tiên quyết này, đội ngũ chuyên gia hàng đầu của VNPT đã miệt mài nghiên cứu phát triển các giải pháp dựa trên công nghệ 4.0 và sớm cho ra đời nền tảng định danh điện tử VNPT eKYC. Đây là sản phẩm công nghệ hoàn toàn do người Việt làm chủ, để phục vụ và tối ưu cho các bài toán của Việt Nam”, ông Hy nói.

{keywords}
Tổng giám đốc VNPT IT Ngô Diên Hy cho biết, trong năm 2020 – 2021, VNPT sẽ xúc tiến đưa nền tảng VNPT eKYC trở thành công nghệ lõi phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế số đáp ứng đa lĩnh vực.

Theo đại diện nhóm phát triển nền tảng, với việc sở hữu tập dữ liệu lớn của riêng người Việt và khả năng OCR (nhận dạng chữ) chính xác cao, VNPT eKYC có thể nhận dạng khách hàng, xác thực giấy tờ, kiểm tra gian lận và hỗ trợ khách hàng thông qua video call. VNPT eKYC còn có thể cảnh báo các trường hợp bất thường như có dấu hiệu tẩy xóa, mờ, nhòe, bị che thông tin, phát hiện giấy tờ chụp lại qua màn hình máy tính, điện thoại, phát hiện Chứng minh nhân dân cắt góc, quá hạn.

Bên cạnh đó, việc tích hợp trên nhiều nền tảng, ứng dụng khác của VNPT giúp VNPT eKYC có ưu thế nổi bật về tốc độ xử lý tức thời và đảm bảo an toàn thông tin. Nền tảng này là sản phẩm ứng dụng công nghệ lõi, là cơ sở để VNPT và các đối tác công nghệ liên kết nghiên cứu ra những giải pháp mới, giúp tích hợp và phát triển chuỗi giải pháp tổng thể.

Mô hình SaaS/PaaS cho phép VNPT eKYC hỗ trợ khách hàng nhanh chóng. Khách hàng có thể chủ động tích hợp API/SDK trên website (https://ekyc.vnpt.vn/vi ) và lựa chọn gói cước phù hợp với nhu cầu.

Đại diện nhóm phát triển cho biết thêm, VNPT eKYC có thể cung cấp ở dạng nền tảng (platform). Dựa trên đó các doanh nghiệp công nghệ số có thể phát triển thêm ứng dụng phần mềm, tiện ích khác nhằm cung cấp, phục vụ cho khách hàng. Đặc biệt, với các công ty startup về công nghệ, ứng dụng luôn VNPY eKYC sẽ đảm bảo có nền tảng mạnh về tính năng, an toàn thông tin, dễ dàng và nhanh chóng hình thành sản phẩm để kinh doanh

Theo thống kê, lưu lượng chạy qua nền tảng VNPT eKYC là mỗi ngày có khoảng 500.000 – 1.000.000 giao dịch. Sau hơn 1 năm dịch vụ được cho ra mắt, nền tảng đã đạt gần 200 triệu giao dịch. Để kích cầu, VNPT đang đưa ra chính sách ưu đãi đặc biệt đối với khách hàng đăng ký mới trong năm 2020 với cơ hội trải nghiệm miễn phí toàn bộ tính năng của sản phẩm cùng với cam kết hỗ trợ chính sách giá tối đa.

{keywords}
Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Huy Dũng cho biết, Cục sẽ hình thành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thống nhất để đánh giá các nền tảng công nghệ "Make in Vietnam".

Đánh giá cao giải pháp định danh điện tử VNPT eKYC, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT nhận định giải pháp này như tấm giấy thông hành để mọi người có thể bước vào thế giới số: “Ở đời thực, chúng ta có nhu cầu biết ai là ai, từ đó biết ai được làm gì và ai đã làm những gì. Câu chuyện biết ai là ai là câu chuyện đầu tiên – tấm giấy thông hành cho mỗi cá nhân, tổ chức bước vào thế giới số”.

Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số

VNPT eKYC là một trong những nền tảng số “Make in Vietnam” được Bộ TT&TT lựa chọn giới thiệu và bảo trợ về truyền thông để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng đạt thành mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Để thúc đẩy phát triển các nền tảng “Make in Vietnam”, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, trong khoảng 20 tuần vừa qua, Bộ TT&TT đã liên tục tổ chức những “Ngày Thứ Sáu công nghệ” -  sự kiện ra mắt nền tảng công nghệ số của Việt Nam. Đến nay, Bộ TT&TT đã tổ chức gần 20 sự kiện để giới thiệu và công bố bảo trợ gần 30 nền tảng số “Make in Vietnam”.

Theo đại diện Cục Tin học hóa, việc lựa chọn các nền tảng “Make in Vietnam” giới thiệu trong “Ngày Thứ Sáu công nghệ” gồm 2 bước: sàng lọc sơ bộ và đánh giá.

Cụ thể, ở bước 1, các nền tảng được chọn đều đã được áp dụng, chứng minh và thu được hiệu quả trong thực tiễn. Tiếp đó, Cục Tin học hóa sẽ đánh giá về kỹ thuật để đảm bảo nền tảng được chọn đáp ứng yêu cầu về chức năng, hiệu năng, an toàn an ninh mạng, lưu trữ và bảo mật dữ liệu cũng như bảo vệ dữ liệu cá nhân.

“Sau khi đánh giá, chúng tôi sẽ cấp cho các nền tảng “Make in Vietnam” một kết quả đánh giá như một mốc ghi nhận thể hiện lòng tin của khách hàng. Tới đây, chúng tôi sẽ hình thành ra một hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thống nhất để đánh giá các nền tảng”, đại diện Cục Tin học hóa chia sẻ thêm. 

Theo đại diện VNPT, tập đoàn cam kết tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, Bộ TT&TT trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Cụ thể, trong năm 2020 – 2021, VNPT sẽ xúc tiến mạnh mẽ đưa nền tảng định danh điện tử VNPT eKYC trở thành công nghệ lõi phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế số đáp ứng đa lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, viễn thông, y tế, giáo dục, thương mại điện tử, kho vận…

Giai đoạn tiếp theo, VNPT sẽ nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện các giải pháp, nền tảng công nghệ 4.0, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và Chính phủ trong công cuộc chuyển đổi số, giúp Việt Nam bứt phá trong cuộc đua cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như đưa công nghệ Việt ra nước ngoài.

Vân Anh

Phát triển các nền tảng “Make in Vietnam” là giải pháp quan trọng đẩy nhanh chuyển đổi số

Phát triển các nền tảng “Make in Vietnam” là giải pháp quan trọng đẩy nhanh chuyển đổi số

Nhấn mạnh Chương trình Chuyển đối số quốc gia được phê duyệt là dấu mốc quan trọng, đại diện Cục Tin học hóa cho biết, Chương trình đã xác định việc phát triển các nền tảng “Make in Vietnam” là giải pháp hàng đầu để đẩy nhanh chuyển đổi số.