{keywords}
Ông Lee Jae Yong ra tù hôm 13/8. (Ảnh: Reuters)

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin, ngay sau khi ra tù hôm 13/8, ông Lee đã ngay lập tức đến văn phòng Samsung và nghe báo cáo từ các lãnh đạo. Cấp dưới của ông xem đây là cơ hội để xúc tiến phê duyệt các dự án đã chất đống trong nhiều tháng.

Tuần này, Samsung tiết lộ cam kết thúc đẩy kinh tế Hàn Quốc khi “bơm” 240 nghìn tỷ won (205 tỷ USD) và tuyển mới 40.000 lao động trong 3 năm tới. Samsung cũng được kỳ vọng sẽ hoàn thành kế hoạch đầu tư 17 tỷ USD vào Mỹ. Khi ngồi trên một núi tiền mặt khổng lồ, tập đoàn lớn nhất xứ kim chi tích cực tìm kiếm các thương vụ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, 5G và công nghệ xe hơi.

Nhiều thứ đã xảy ra trong thời gian ông Lee ngồi tù. Đó là cuộc khủng hoảng chip toàn cầu ảnh hưởng đến nguồn cung của Samsung và cơn bão tuyết lớn tại Texas, nơi Samsung có một nhà máy, khiến khủng hoảng thêm trầm trọng. Các đối thủ cũng không bỏ qua thời cơ mở rộng sự hiện diện. Trong khi kế hoạch của Samsung ngừng trệ, Intel lại vạch ra chiến lược sản xuất chip để cạnh tranh trực diện. Trên thị trường smartphone, thị phần Samsung bị Apple và Xiaomi gặm nhấm.

Những lời kêu gọi trả tự do cho ông Lee từ các lãnh đạo doanh nghiệp và công chúng ngày một tăng thời gian gần đây. Nó cho thấy vai trò to lớn của Samsung trong kinh tế đất nước. Người Hàn Quốc vốn có quan hệ phức tạp với các tập đoàn gia đình trị (chaebol) mà Samsung là lá cờ đầu. Người cha quá cố của ông Lee – Chủ tịch Lee Kun Hee – hai lần bị kết tội rồi được ân xá. Ông là người có công đưa Samsung tới vị thế ngày nay.

Ông Lee Jae Yong ngồi tù lần đầu tiên vì tội danh tham nhũng và được thả ra một năm sau (2018). Ông có mặt trong các sự kiện mà Văn phòng Tổng thống tổ chức tại các nhà máy Samsung và thậm chí còn bay đến Bình Nhưỡng để dự Hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Trong phiên điều trần cuối cùng của vụ án hối lộ, ông rơi nước mắt và thề sẽ xây dựng một “Samsung mới”, mang lại giá trị cho xã hội.

Án tù là cú sốc lớn với Samsung. Công ty cố gắng đưa ra các thay đổi để tránh bị ảnh hưởng bởi chỗ trống ở vị trí lãnh đạo. Họ có một đội quân giám đốc, song không ai có đủ thẩm quyền ký kết các hợp đồng hàng tỷ USD, như nhà máy chip Mỹ hay một vụ thâu tóm lớn.

Ông Lee được tin tưởng sẽ tiếp quản Samsung, bất chấp hạn chế đối với người ra tù của Hàn Quốc. Bộ trưởng Tư pháp cho biết, ông không vi phạm quy định do không được công ty trả tiền hay đăng ký làm Giám đốc. Bình luận dường như là lời thừa nhận ngầm rằng, ông Lee sẽ tham gia quản lý công ty và làm dấy lên một số tranh cãi.

Tuy nhiên, ông vẫn được nhiều người ủng hộ. Tờ Maeil Business Newspaper viết một bài ca ngợi ông và rằng ông sẽ phục vụ quốc gia bằng cách hồi phục Samsung. Trong lúc này, ông Lee đến tòa án hàng tuần vì vụ án liên quan tới vụ sáp nhập giữa các công ty con của tập đoàn. Tháng sau, ông bước vào phiên tòa mới vì cáo buộc sử dụng chất cấm propofol.

Có lẽ, nhiệm vụ lớn nhất của ông Lee hiện tại là thiết lập một hệ thống để bảo đảm mọi thứ diễn ra trôi chảy tại tập đoàn giá trị nhất Hàn Quốc, phòng khi ông vắng mặt.

Du Lam (Theo Bloomberg)

 

Samsung đầu tư 206 tỷ USD kích thích tăng trưởng hậu Covid-19

Samsung đầu tư 206 tỷ USD kích thích tăng trưởng hậu Covid-19

Tập đoàn Samsung sẽ đầu tư 240 nghìn tỷ won (206 tỷ USD) trong 3 năm tới để mở rộng kinh doanh dược phẩm, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và robotic.