Nhóm sinh viên  Tổ chức giáo dục FPT gồm: Ngô Thúc Đạt, Hồ Trọng Đức, Nguyễn Minh Hiếu và Lê Đình Duy nhận giải Kim cương tại Chung kết Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học FPT Edu 2018.

Sản phẩm IoT platform do nhóm sinh viên gồm: Ngô Thúc Đạt, Hồ Trọng Đức, Nguyễn Minh Hiếu và Lê Đình Duy thực hiện đã vượt qua nhiều đội thi khác để giành giải Kim cương tại Chung kết Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học của Tổ chức Giáo dục - FPT Edu 2018.

Sản phẩm IoT platform của nhóm sinh viên Tổ chức giáo dục FPT được xây dựng dựa trên nền tảng IoT, sử dụng công nghệ chính là thị giác máy tính và AI, có các chức năng như: nhận diện khuôn mặt để kiểm tra thông tin, giám sát chống trộm qua hệ thống camera, nhận biết các đám cháy, tính toán và hướng dẫn thoát hiểm khi có sự cố, vẽ đường đi của kẻ gian… Đây sẽ là sản phẩm hữu ích cho các doanh nghiệp, khu chung cư và thậm chí cả nhà riêng.

Chia sẻ về việc xây dựng sản phẩm IoT platform, sinh viên Hồ Trọng Đức cho biết: “Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 vấn đề an toàn an ninh trở nên quan trọng nên nhóm muốn tìm kiếm và xây dựng một sản phẩm công nghệ hữu ích có thể áp dụng được vào cuộc sống. Sau hơn 2 tháng nghiên cứu, sản phẩm IoT platform đã ra đời”.

Sản phẩm sẽ lấy hình ảnh trực tiếp từ camera, nhận diện khuôn mặt, kiểm tra xem người đó có được phép mở cửa ra vào khu vực được bảo vệ hay không để tăng khả năng “phòng hơn chữa” cho người dùng trước khi có sự cố. Như vậy, sản phẩm IoT platform sẽ tự động hóa các dịch vụ trước đây đòi hỏi sự tương tác của con người trong các vấn đề cảnh báo, đảm bảo an toàn, kiểm tra an ninh. Từ đó, góp phần xây dựng nên một hệ thống nhà thông minh, thành phố thông minh trong tương lai.

Nói về ưu điểm của sản phẩm sinh viên Ngô Thúc Đạt chia sẻ, “So với các sản phẩm IoT cloud platform của các ông lớn như Google, IBM… sản phẩm của nhóm có điểm cải tiến đáng chú trọng. IoT platform sẽ làm việc trực tiếp với camera và xử lý được lượng dữ liệu có dung lượng lớn mà không gặp vấn đề khi truyền tải. Trong khi đó, các sản phẩm khác dữ liệu đều nằm trên cloud nên việc truyền tải lên máy chủ sẽ là một vấn đề lớn”.

Sinh viên FPT Edu Ngô Thúc Đạt cũng cho biết thêm, sản phẩm IoT platform của nhóm có chi phí sản xuất rẻ, dễ sửa chữa hay thay thế, thuận tiện cho người dùng. Các nhà nghiên cứu sản phẩm cũng có thể phát triển mở rộng thêm tính năng cho sản phẩm.

Với ưu điểm này, theo đánh giá của Hội đồng khoa học và những thầy cô giàu kinh nghiệm nghiên cứu khoa học của FPT Edu, sản phẩm IoT platform của nhóm sinh viên Ngô Thúc Đạt, Hồ Trọng Đức, Nguyễn Minh Hiếu và Lê Đình Duy hứa hẹn sẽ mang đến nhiều triển vọng góp phần xây dựng thành phố thông minh trong tương lai.

Khóa cửa thông minh do nhóm sinh viên Tổ chức Giáo dục FPT thiết kế dựa trên nền tảng hiện đã được lắp đặt và sử dụng tại phòng SAP Lap của nhà trường.

Được biết, với sản phẩm IoT platform nhóm cũng đã tạo ra phiên bản thử nghiệm “khóa cửa thông minh” bằng cách nhận diện khuôn mặt đã được huấn luyện thông quá máy học trước đó. Khóa cửa thông minh sẽ nhận diện khuôn mặt, từ đó kiểm tra xem người đó có được phép mở cửa vào khu vực bảo vệ hay không. Thời điểm hiện tại, sản phẩm “cộp mác” sinh viên FPT Edu này đã được lắp đặt và sử dụng tại phòng SAP Lap của nhà trường.

Diễn ra trong thời gian từ thời gian từ 17/9 đến 9/12, Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu khoa học FPT Edu 2018 là hoạt động được Tổ chức Giáo dục FPT - FPT Edu tổ chức với mong muốn khuyến khích và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên, để sinh viên sớm ứng dụng những kết quả nghiên cứu vào thực tế.

Trong năm đầu tiên được tổ chức, Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học FPT Edu 2018 được tổ chức ở quy mô Đại học FPT – một trường thuộc Tổ chức Giáo dục FPT, dành cho đối tượng sinh viên Đại học FPT hệ chính quy.