Đây là một trong những nội dung mới đang được Bộ Công thương lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý website thương mại điện tử (TMĐT) và quản lý hoạt động TMĐT qua ứng dụng trên thiết bị di động.

Bộ Công Thương điều chỉnh một số quy định trong việc thông báo, đăng ký website cũng như làm rõ cơ chế giải quyết tranh chấp, khiếu nại hay các chính sách về an toàn, an ninh trong giao dịch TMĐT. Quy định này áp dụng với cả các sàn TMĐT nước ngoài.

{keywords}
Nhiều quy định mới đối với website thương mại điện tử

Theo đó, tại hồ sơ đăng ký website TMĐT, các tổ chức, cá nhân phải có đề án mô tả đầy đủ mô hình tổ chức hoạt động cung cấp dịch vụ TMĐT. Trong đó có cách thức cung cấp dịch vụ; nguồn thu và cơ chế thu phí thành viên; Phân định trách nhiệm giữa thương nhân/tổ chức và đối tác (người bán, nhà cung cấp…) trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh từ giao dịch thực hiện trên website/ứng dụng với khách hàng.

Các cá nhân, tổ chức thiết lập website cung cấp dịch vụ TMĐT cũng phải báo cáo Bộ Công Thương số liệu thống kê về tình hình hoạt động của năm trước đó bằng phương thức trực tuyến, thông qua Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử hoặc dưới hình thức văn bản.

Trên website, các sàn TMĐT cũng phải đăng tải công khai các quy chế hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử. Cụ thể như các giới hạn trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử; quy định về an toàn thông tin, quản lý thông tin trong hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử; Chính sách về an toàn, an ninh trong giao dịch thương mại điện tử.

Ngoài ra, cần đăng tải công khai các cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa các bên liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử; Biện pháp xử lý với các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trên website, hay các biện pháp xử lý vi phạm đối với những người không tuân thủ quy chế hoạt động.

Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định mới với nhiều quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối với các chủ thể, cũng như hoạt động của các website giao dịch TMĐT tại Việt Nam. Theo quy định mới, kể từ đầu năm sau, hoạt động cung cấp dịch vụ TMĐT sẽ là ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Duy Vũ

TMĐT là ngành tiếp cận thị trường có điều kiện với nhà đầu tư ngoại từ 2022

TMĐT là ngành tiếp cận thị trường có điều kiện với nhà đầu tư ngoại từ 2022

TMĐT được xác định là ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, nhà đầu tư ngoại chi phối 1 trong số 5 sàn TMĐT dẫn đầu thị trường sẽ phải xin ý kiến thẩm định của Bộ Công an.